Quảng Ngãi trước yêu cầu liên kết tạo chuỗi giá trị giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác.

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp)|01/02/2023 10:17

Chú trọng liên kết tạo chuỗi giá trị giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác; đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại như vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại văn bản số 18/TB-VPCP ngày 30/1/2023

img4354-1672572693480142998850.jpg
Quảng Ngãi là tỉnh có hiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. (Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngày ngày 11/1/2023. Ảnh: Tư liệu)

Bước vào năm 2023 với kết quả ấn tượng

Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19, đạt được nhiều kết quả khả quan, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong 25 chỉ tiêu chủ yếu đề ra năm 2022 đều đạt và vượt so với kế hoạch, trong đó có 14 chỉ tiêu vượt; nổi bật nhất là công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, ước đạt 34.167 tỷ đồng, tăng 44,7% so với năm 2021, vượt 77,6% dự toán Trung ương giao và vượt 40,4% dự toán HĐND tỉnh giao. Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi thu ngân sách trên 30 nghìn tỷ đồng.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả khá cao, đến ngày 30/11/2022, giá trị giải ngân đạt hơn 4.670 tỷ đồng, bằng 103,9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 76,4% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao. Quảng Ngãi nằm trong 10 tỉnh, thành cao nhất cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Dự kiến đến ngày 31/12/2022, giải ngân đạt 129,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 95% kế hoạch vốn được HĐND tỉnh giao.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Quảng Ngãi ước đạt 33.215 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021, vượt kế hoạch đề ra. Công tác lập quy hoạch được thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh được thực hiện quyết liệt và bàn giao mặt bằng theo đúng quy định.

Năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đề ra 25 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế- xã hội; trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân âm (-3,5)-(-3)%; GRDP bình quân đầu người khoảng 3.780 USD; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt khoảng 33.000-34.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 31%; phấn đấu thu ngân sách vượt mức chỉ tiêu Trung ương giao trên 5%; có 7 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 62,95%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1-1,5%, trong đó, khu vực miền núi giảm từ 4-4,5%, đồng bằng giảm 0,4-0,6% …

Quảng Ngãi cũng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển.

Quảng Ngãi nâng cao hiệu quả khu kinh tế, khu công nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 18/TB-VPCP ngày 30/1/2023 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi giai đoạn 2

Quảng Ngãi thuộc vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, biển, đảo, bảo đảm quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước. Tỉnh Quảng Ngãi có hệ thống giao thông thuận lợi (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, Cảng Dung Quất), là cửa ngõ ra biển của hành lang Đông - Tây nối với tuyến hàng hải quốc tế qua biển Đông. Con người Quảng Ngãi có nghị lực, có ý chí vươn lên mạnh mẽ, có sức sáng tạo và truyền thống hiếu học, lao động cần cù. Quảng Ngãi có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Quảng Ngãi tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra, nhất là trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy tham gia nhanh vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Quảng Ngãi cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn...; nâng cao hiệu quả khu kinh tế, khu công nghiệp. Tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi giai đoạn 2 (chú trọng công nghệ cao) để tạo động lực phát triển mới trong giai đoạn tới.

Phát triển đồng bộ hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng cơ chế chính sách để tăng cường huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục rà soát lại kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Quảng Ngãi thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu và gắn với xây dựng nông thôn mới. Triển khai hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".

Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối, hội nhập quốc tế, xây dựng thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao. Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, điều kiện tự nhiên, trọng tâm là du lịch biển, đảo, nhất là đảo Lý Sơn. Chú trọng liên kết tạo chuỗi giá trị giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại như vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế; tạo không gian và động lực phát triển mới. Khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

dq-16750772654131176263176.jpg
Quảng Ngãi cần tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi giai đoạn 2

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; theo đó, Tỉnh cần chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh của tỉnh.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên nền tảng phát triển chính quyền số, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến, nâng cao xếp hạng về năng lực cạnh tranh.

Bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử và các di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc và con người Quảng Ngãi. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đẩy mạnh truyền thông chính sách, triển khai có hiệu quả Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027"; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm, tăng cường dân chủ, phát huy quyền con người, quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Theo Chính phủ.vn và nguồn khác
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi trước yêu cầu liên kết tạo chuỗi giá trị giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO