Quy hoạch hệ thống kho bãi, bước “tạo đà” cho tăng trưởng xuất khẩu sang Lào và Campuchia

27/04/2017 07:37

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam (VN) với Lào và Campuchia qua các cửa khẩu biên giới trong thời gian qua luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá và ổn định (kim ngạch XNK với Lào tăng bình quân trên 30%/năm và kim ngạch XNK với Campuchia tăng bình quân 5 - 6%/năm) và có xu hướng được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo đó, nhu cầu về dịch vụ hậu cần (dịch vụ logistics), đặc biệt trong đó là dịch vụ về kho bãi phục vụ hoạt động xuất khẩu (XK) là cần thiết và cấp bách.

(Vietnam Logistics Review)

Quy hoạch hệ thống kho với nhu cầu cấp thiết

Xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam (VN) với Lào và Campuchia qua các cửa khẩu biên giới trong thời gian qua luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá và ổn định (kim ngạch XNK với Lào tăng bình quân trên 30%/năm và kim ngạch XNK với Campuchia tăng bình quân 5 - 6%/năm) và có xu hướng được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo đó, nhu cầu về dịch vụ hậu cần (dịch vụ logistics), đặc biệt trong đó là dịch vụ về kho bãi phục vụ hoạt động xuất khẩu (XK) là cần thiết và cấp bách.

Trong khi đó, kho bãi và dịch vụ kho bãi hiện mới đang trong quá trình ra đời và hoạt động, hầu hết là nhỏ lẻ, manh mún và rời rạc của các chủ hàng riêng lẻ, để tự phục vụ mình là chính, chưa được tổ chức phát triển theo một quy hoạch nhất định và hướng theo con đường chuyên nghiệp, hiện đại. Bất cập này, không những không thúc đẩy mà còn kìm hãm hoạt động XK phát triển cả về hiệu quả kinh tế lẫn sức cạnh tranh của hàng hóa cũng như của thương nhân VN nói chung. Trong hoạt động XNK, nhất là XK, nếu không có kho bãi thì sẽ luôn bị động, phụ thuộc, các doanh nghiệp (DN) thường xuyên phải kinh doanh theo kiểu ngắn hạn, từng thương vụ một.

Ngày nay, “Just in time” và “Just in case” là xu thế mang tính thời đại của quản trị chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Quá trình hay chuỗi hoạt động đó phải lấy kho bãi làm cơ sở hạ tầng để bảo đảm sự tương đồng với những đơn hàng, hợp đồng của các đối tác. Đối với hoạt động XNK cũng vậy, thiếu kho bãi sẽ gây khó cho việc khắc phục, cách ứng phó và thích nghi với những sự điều chỉnh về thời gian, địa điểm và tình thế xảy ra trong khâu thông quan, giao nhận hàng hóa giữa đôi bên.

Trên tinh thần đó, ngày 23.01.2017 Bộ Công Thương đã ký quyết định số 229/QĐ-BCT phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống kho hàng hóa tại các cửa khẩu khu vực biên giới Việt Nam – Lào và biên giới Việt Nam – Campuchia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” nhằm đáp ứng những đòi hỏi bức xúc đó, đồng thời nhằm giải quyết mâu thuẫn và tháo gỡ khó khăn trong việc phát triển hoạt động XK một cách nhanh, ổn định và bền vững. Kho và bãi (gọi tắt là kho bãi) được hiểu chung là kho, đều có công năng và mục đích sử dụng cơ bản; trong đó bãi là kho lộ thiên, không có mái che, có thêm mục đích tập kết, kiểm hóa, sang xe sang tải,... Dịch vụ kho được hiểu là gồm các dịch vụ xếp dỡ, lưu giữ, trông coi, chỉnh lý và bảo quản hàng hóa. Thực chất đó là tích hợp các dịch vụ logistics cụ thể về kho bãi hay gắn với kho bãi.

Thực trạng hệ thống kho khu vực biên giới

a) Theo thống kê, hiện nay tại các cửa khẩu biên giới VN – Lào và biên giới VN - Campuchia (toàn tuyến) có tổng số 22 kho các loại. Trong đó, có 15 kho tổng hợp và 7 kho ngoại quan. Trung bình mỗi cửa khẩu trên địa bàn toàn tuyến chỉ đạt 0,52 kho/ cửa khẩu.

» Phân bố theo khu vực: Phần lớn các kho đều được đặt khu vực biên giới VN - Campuchia, chiếm 92,4% tổng số kho trên toàn tuyến. Các kho tập trung chủ yếu tại khu vực biên giới tỉnh Bình Phước với 6 kho, chiếm 26,1%/ tổng số kho toàn tuyến, tiếp đến là khu vực biên giới tỉnh Gia Lai và Kon Tum với lần lượt là 17,4% và 13%/ tổng số kho toàn tuyến. Khu vực cửa khẩu biên giới của các tỉnh còn lại như Tây Ninh, Sơn La, Quảng Trị, Quảng Bình và Điện Biên chỉ có 01 kho/cửa khẩu. Như vậy, có thể thấy trên địa bàn khu vực cửa khẩu biên giới toàn tuyến là 10/19 tỉnh có kho, chiếm 52,63%, còn 9/19 tỉnh ở khu vực cửa khẩu biên giới không có kho chứa hàng hóa hoặc kho ngoại quan.

» Phân bố theo loại hình cửa khẩu: Cửa khẩu quốc tế có kho chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều so với cửa khẩu chính. Cụ thể, có 95,7% tổng số kho được đặt tại khu vực cửa khẩu quốc tế, chỉ có 4,3% kho được đặt tại cửa khẩu chính. 100% các kho ngoại quan được đặt tại các cửa khẩu quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của DN, 93,3% hệ thống kho tổng hợp được đặt tại cửa khẩu quốc tế và 6,7% là tỷ trọng kho tổng hợp được đặt tại cửa khẩu chính.

Tỷ trọng % số lượng kho tại các tỉnh trên khu vực biên giới VN – Lào và VN - Campuchia

» Về phân loại kho: Phần lớn các kho đều là kho tổng hợp, chiếm 68,18% tổng số kho, còn lại là kho ngoại quan (31,82%) và không có kho lạnh. Phần lớn các kho này phục vụ chứa nông sản tổng hợp để phục vụ XK sang Camphuchia. Ngoài ra, có 01 kho tổng hợp tại cửa khẩu Tịnh Biên phục vụ tạm giữ các tang vật của hải quan. 02 kho tổng hợp tại cửa khẩu Lóng Sập và Tây Trang hoạt động không hiệu quả, không có hàng hóa lưu trữ. Nguyên nhân có thể kể đến như: hoạt động XNK hàng hóa ảm đạm, vắng vẻ các giao dịch; dân cư hai khu vực biên giới thưa thớt; chính sách XK gỗ từ phía Lào từ 2015 đã làm giảm nhu cầu mua bán trao đổi của DN 02 nước; tính chất hàng hóa không cần lưu kho...

b) Theo thống kê, hiện nay tại các cửa khẩu biên giới VN – Lào và biên giới VN - Campuchia có tổng số 31 bãi các loại. Trung bình mỗi cửa khẩu trên địa bàn toàn tuyến đạt 0,68 bãi/cửa khẩu và đạt mức trung bình cao hơn hệ thống kho.

» Phân bố theo khu vực: Phần lớn các bãi cũng đều được đặt khu vực biên giới VN - Campuchia, chiếm 85,5% tổng số bãi trên toàn tuyến. Các bãi tập trung chủ yếu tại khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh, Quảng Bình, Bình Phước với lần lượt là 7 bãi và 5 bãi, chiếm 60,8%/ tổng số bãi toàn tuyến, tiếp đến là khu vực biên giới tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và Kon Tum đều chiếm 7,1%/ tổng số kho toàn tuyến. Khu vực cửa khẩu biên giới của các tỉnh còn lại như An Giang, Gia Lai, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Nghệ An chỉ có 01 bãi/ cửa khẩu. Như vậy, có thể thấy trên địa bàn khu vực cửa khẩu biên giới toàn tuyến chỉ có 11/19 tỉnh có bãi, chiếm 57,8%, còn 8/19 tỉnh ở khu vực cửa khẩu biên giới không có bãi chứa hàng hóa hoặc bãi sang tải....

» Phân bố theo loại hình cửa khẩu: Theo kết quả điều cho thấy số cửa khẩu chính có bãi chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều so với cửa khẩu quốc tế (khác biệt với hệ thống kho). Cụ thể, có 60,7% tổng số bãi được đặt tại khu vực cửa khẩu chính, chỉ có 39,3% bãi được đặt tại cửa khẩu quốc tế.

» Về phân loại bãi: Phần lớn các bãi đều là bãi đỗ xe, tập kết hàng hóa, sang tải chiếm trên 75% tổng số bãi, còn lại là dùng để đỗ xe chờ xuất hoặc chờ nhập hàng hóa XK và phần lớn các bãi này không có điều kiện để cắm cho các xe lạnh. Phần lớn các bãi này phục vụ đỗ xe, sang tải, hoặc tập kết hàng tổng hợp để phục vụ XK sang Campuchia.

c) Mức độ đáp ứng nhu cầu về kho bãi tại các cửa khẩu. Mức độ đáp ứng nhu cầu về kho, bãi phục hàng hóa XNK và hoạt động XNK tuy có khác nhau giữa các cửa khẩu nhưng nhìn tổng thể đạt 70 - 80% nhu cầu hàng XNK cần phải lưu kho, lưu bãi trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới khi tỷ trọng XNK hàng hóa gia tăng thì nhu cầu về mở rộng, xây mới kho, bãi sẽ phát triển. Trong đó, chú trọng một số chi tiết sau đây:

Thứ nhất, đại đa số hàng hóa thông quan trong ngày, nhu cầu lưu kho, lưu bãi qua đêm, nhất là lưu kho, lưu bãi dài ngày là không nhiều, ngoại trừ các trường hợp: do “trục trặc” về nghiệp vụ - kỹ thuật; do dịch vụ thông quan quá tải; do điều kiện hạ tầng bất cập; do diễn biến thất thường từ đối tác.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống kho bãi tại các cửa khẩu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 sẽ đồng bộ, tích hợp các dịch vụ logistics trọn gói kèm theo, từng bước đi vào chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng đầy đủ và thường xuyên nhu cầu tập kết, lưu giữ và bảo quản hàng hóa XNK, thúc đẩy và “tạo đà” cho tăng trưởng XNK, nhất là XK tại các cửa khẩu trên tuyến biên giới VN - Lào và biên giới VN - Campuchia phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, nhu cầu về bãi là chủ yếu, phục vụ cho hoạt động tạm nhập tái xuất và trao đổi theo cơ chế biên mậu (để tập kết, sang xe sang tải, chia nhỏ và kiểm tra hàng hóa,...). Đặc biệt là nhu cầu về bãi có mái che.

Thứ ba, kho ngoại quan hiện còn thấp, hệ số sử dụng công suất vừa nhỏ, vừa không ổn định, dễ gây lãng phí.

Thứ tư, nhu cầu hiện đại hóa thiết bị nâng hạ, xếp dỡ, sang tải hàng hóa là khá cấp thiết (tại một số cửa khẩu quốc tế VN – Campuchia) nhằm tăng nhanh tốc độ bốc xếp hàng hóa, giảm ùn tắc.

Số lượng kho đến 2035

Theo Quyết định số 229/QĐ-BCT ngày 23 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương thì giai đoạn 2016-2025 cần nâng cấp mở rộng 7 kho bãi; xây mới và đưa vào hoạt động 53 kho bãi (16 kho bãi thực hiện giai đoạn 01 của phân kỳ đầu tư). Tầm nhìn đến năm 2035: nâng cấp mở rộng 2 kho bãi (trong đó có 01 kho thực hiện giai đoạn 2 phân kỳ đầu tư); xây mới và đưa vào hoạt động giai đoạn 26 kho bãi (16 kho bãi thực hiện giai đoạn 02 của phân kỳ đầu tư).

Tỷ trọng % số lượng bãi tại các tỉnh trên khu vực biên giới VN – Lào và VN - Campuchia

Tổng số kho bãi đến năm 2035 trên toàn tuyến sẽ vào khoảng 116 kho bãi, trong đó sẽ hình thành 46 kho các loại, 69 bãi các loại và 21 bãi kết hợp kho tổng hợp.

Bước tạo đà cho tăng trưởng XNK

Với hệ thống kho bãi đồng bộ tại khu vực cửa khẩu biên giới, thì đến 2020, dự kiến tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa biên mậu giữa VN với Lào và Campuchia đạt khoảng 6,4 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,3%/năm , trong đó kim ngạch XK đạt 3,7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 11%/năm và kim ngạch NK đạt 2,7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,1%/năm. Đến năm 2025, kim ngạch trao đổi hàng hóa biên mậu sẽ vào khoảng 10,37 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,6%/năm. Trong đó XK đạt 5,97 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,3%/năm. NK đạt 4,4 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm. Từ 2026-2035, tốc độ tăng trưởng XNK biên mậu giảm dần do quy mô trao đổi đã đạt mức cao. Dự báo đến 2035, kim ngạch XNK biên mậu đạt 21,6 tỷ USD, trong đó XK đạt 12,41 tỷ, NK đạt 9,19 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng XNK biên mậu giai đoạn 2026-2035 dự kiến đạt 7,6%/năm.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch hệ thống kho bãi, bước “tạo đà” cho tăng trưởng xuất khẩu sang Lào và Campuchia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO