Sông Lô xanh thắm

Ghi chép của Nguyễn Thành Phong |24/02/2023 09:12

Con sông trào sôi sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa oai hùng xa xưa, giờ người dân đang bám vào để kiếm sống. Mặt sông dập dềnh các nhà nổi và thuyền bè....

1. Cuối chiều, bọn tôi đi ô tô qua cầu Nông Tiến lên đường hướng về phía Sơn Dương. Có một đoạn đường quốc lộ chạy sát gần bờ sông Lô. Đang mùa cạn lũ, nước chảy hiền hòa, lòng sông soi bóng trời cao, xanh thẳm, rồi hoàng hôn xuống, lạnh dần, nước bắt đầu bốc hơi bay lên như sương mờ ảo trên mặt sông.

332897879_1396557621151078_7103312050995123242_n.jpg
Sông Lô còn gọi là sông Cả....

Sông Lô còn gọi là sông Cả, Bình Nguyên giang, Tuyên Quang giang, chảy vào nước Việt từ Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang, xuôi qua thành Tuyên, Lập Thạch, xuống Bạch Hạc hòa nước vào với sông Hồng. Trước đó một đoạn chừng hơn chục cây số, sông Đà đã nhập nước vào với sông Thao để thành sông Hồng. Ba con sông lớn từ đấy hòa nước thành một dòng sông lớn, đi từ trung du xuống qua đồng bằng, rồi ra biển lớn...

Người Tây đến Việt Nam trước đây, khi mô tả trên bản đồ, thì gọi theo màu sắc nước sông giống như dân ta gọi sông Hồng, họ gọi sông Đà là sông Đen (rivière Noire) và sông Lô là sông Sáng (rivière Claire)... Khác sông Hồng quanh năm nước đỏ hồng, sông Lô và sông Đà mỗi năm có hai màu, đỏ hồng mùa lũ và trong xanh mùa cạn. Mùa nước trong, sông Đà chảy dưới chân các dãy núi đá vôi cao vút nên màu nước phản chiếu thành ra xanh đen, còn sông Lô thảnh thơi giữa các làng quê, đồng lúa, triền cây mà phản chiếu thành màu sáng xanh... Chiều đang yên bình quá. Cái yên bình sau bao nhiêu thời kỳ loạn lạc, chia phôi, súng gươm, máu lửa...

Vào thời điểm này cách đây vừa đúng 44 năm là đang chuẩn bị bước vào đêm trước của cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt và đau thương. Như rất nhiều con dân nước Việt vào dịp này, chúng tôi tụ lại với nhau, để hồi ức về cuộc chiến tranh ấy.

TS. Trần Bảo Khánh, người có cả tuổi thơ lớn lên ở thị xã Tuyên Quang (ngày ấy còn là tỉnh Hà Tuyên, gộp Tuyên Quang và Hà Giang lại), kéo chúng tôi lên thành Tuyên, trước là gặp gỡ với đám bạn lính cùng nhập ngũ, chiến đấu cùng đơn vị, rồi tiện thể thì du hí đầu năm. Trần Bảo Khánh may mắn hơn nhiều bạn bè đồng ngũ, học hành thành đạt, có chút chức vị (Hiệu trưởng Trường Truyền hình), giờ sống ở Hà Nội. Anh bảo, năm nào vào dịp 17/2 cũng phải sắp xếp lên Tuyên ngồi cùng đám bạn này một bữa rượu hồi cố. Những người lính giữ biên cương ngày ấy giờ đều đã ngoài sáu mươi, đầu bạc trắng cả rồi.

Cuộc chiến tranh biên giới thời ấy không được lãnh đạo cả hai bên khuyến khích nhắc lại. Thành ra nó không có cái hoành tráng, hào sảng của "Bạch đầu quân sĩ tại/Vãng vãng thuyết Nguyên Phong" trong thơ Trần Nhân Tông tả những người lính già đầu bạc say sưa kể chuyện chống giặc Nguyên Mông cho hậu thế nghe. Nhưng bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng đều không phải là trò đùa. Vì thế, dẫu không được khuyến khích thì những người đã trải qua vẫn cứ nhắc lại, nhiều ký ức không thể quên cũng không quên đi được...

Có một mách bảo nào đó mà hơn hai chục người chúng tôi cùng lên một chiếc xe đi ra khỏi thành Tuyên đầy ánh sáng điện, chạy non hai chục cây số, vào một chân núi đá gặp một ngôi nhà giữa vườn cây ở thôn Hàm Ếch, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, để hàn huyên. Thịt dê non vừa bắt từ núi xuống, rượu trắng rót tràn ra, rồi sau đó là những hồi ức, chia sẻ... Bao nhiêu uất hận, đau đớn, xả thân được kể lại. Rồi hát to lên cùng nhau những bài hát cũ, rồi thơ phú... Đêm nay, cứ sống cho đã những phút giây hồi cố, rồi ngày mai ta lại hòa vào với đời thường. Các bạn may mắn đường đời thì khỏi nói, còn lại chúng tôi đây, có ông tiếp tục xuống nhà đò kiếm cá ốc bán, có ông dậy sớm ra gác chợ, cố nhặt thêm vài đồng sinh nhai...

332866583_592372996090787_67190804166464825_n.jpg
"Sống sót qua chiến tranh / Với cha là đã lãi", thơ Đoàn Xuân Hòa

Sau chiến tranh, bất kể là tướng hay lính, cứ được sống mà trở về, đều đã là lãi lớn. Mà ngay cả những người từng lập nên công trạng cao vời với giang sơn xã tắc, sau chiến tranh chắc gì đã được yên ổn đâu?

Trên đường về, tôi chỉ tay ra sông Lô đang ảo mờ mà nói với mấy cựu binh rằng, ở phía ấy, lui xuống một đoạn nữa, trên đất Phú Thọ, là đoạn sông Trần Nguyên Hãn lao người xuống chết mang theo mối hận thấu tận trời xanh. Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn cùng với Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi, đều hậu duệ nhà Trần, là cháu nội và ngoại của quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Hai người đã cùng chung tâm sức phò tá Lê Lợi làm nên nghiệp lớn. Nguyễn Trãi cơ mưu túc trí, Trần Nguyên Hãn binh pháp dạn dày. Trong Hội thề Đông Quan, Trần Nguyên Hãn là người xếp thứ hai ngay sau chủ soái Bình Định Vương Lê Lợi. Thế mà Lê Lợi lên ngôi xong, quyền lực thu về, thì chỉ chưa đầy hai năm sau, Trần Nguyên Hãn đã phải chết thảm, rồi sau đó thì đến lượt Nguyễn Trãi bị tru di...

Trong lịch sử nước Nam không có nhiều vị vua vừa tài đánh giặc vừa giỏi trị bình. Người lính soạn bành, dẫn voi cho vua ngồi đuổi giặc, thắng trận về làng sinh sống tiếp, nghe tay trương tuần quát, vẫn run cả người lên, như trong thơ Lưu Quang Vũ ấy. Thì thôi, cứ lấy những điều ấy ra mà tự an ủi để bình tĩnh sống vậy...

2. "Sông nuôi dân thiên thu đã hòa mạch máu bao người. Sông xuôi quanh co về, hòa mạch cùng với xuôi...". Trong bài hát "Trường ca Sông Lô" tuyệt tác của Văn Cao có đoạn ca từ này.

Buổi trưa lên thành Tuyên, thì đầu giờ chiều, tôi đã đi với TS. Trần Bảo Khánh và nhà thơ Mai Nam Thắng, ra tha thẩn bên mép nước sông Lô. Con sông trào sôi sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa oai hùng xa xưa, giờ người dân đang bám vào để kiếm sống. Mặt sông dập dềnh các nhà nổi và thuyền bè. Dọc triền sông nhiều người cuốc đất, xách nước chăm rau. Ngọn núi cao xanh sừng sững ngay gần đấy đang bị bạt đá xuống để làm vật liệu xây dựng...

Nhìn rộng, nhìn xa bao la, rồi lại nhìn xuống ngay dưới chân mình, tôi bỗng ngạc nhiên thấy những bóng trắng tròn nhỏ lập lờ dưới nước. Cúi xuống vớt lên thì ra là những quả trứng nhỏ giống trứng gà, có quả còn âm ấm như vừa được đẻ ra trên ổ rơm. Đập thử một quả ra, lòng đỏ lòng trắng tươi rói. Lạ thế, sao lại có trứng gà vừa đẻ xuống ở mép nước sông này? Nhìn quanh băn khoăn, thì thấy một bầy ngan dé đang bơi lội tung tăng kiếm ăn. Có lẽ đó là trứng của bầy ngan này mới đẻ ra chăng?

Đút mấy quả trứng vào túi áo khoác, bước tiếp thì thấy ở một vụng nước quẩn có một đám trai sông. Nhiều lắm, bằng cả một buổi thuở nhỏ tôi ngâm nước lội bùn dận trai tím tái tay chân ở bến sông quê mới mò được thế. Vớt thử một vài con lên, cầm trên tay thì thấy lưỡi trai trắng mềm thụt dần vào trong vỏ, cũng tươi roi rói. Tôi đi lên gặp một cụ già, đưa biếu cụ mấy quả trứng, rồi bảo cụ cùng đi vớt trai. Cụ già hào hứng xắn quần lội xuống, một lúc đã tung lên bờ cả rổ trai sông béo dày. Ngồi chuyện trò với cụ già, tôi bảo trai này chắc chỉ nấu cháo là ngon. Cụ bảo không không, đem nó về xào với chuối xanh, tốn rượu đấy. Thế là hỏi kỹ, lại học thêm được một món ngon. Rồi cụ già nhìn tôi khẽ nói, anh đi giày da, quần là áo lượt, ở đâu tới đây, mà nhặt được trứng mà nhìn thấy trai để cho lão chứ, hay anh là người trời sa xuống đây? Tôi bật cười, dạ không, con về bến sông đây, là trở lại làm thằng bé đi ra sông kiếm ăn thời đói kém đấy cụ ạ.

332838182_747633166747177_5011087142400161084_n.jpg
Cụ già hào hứng xắn quần lội xuống, một lúc đã tung lên bờ cả rổ trai sông béo dày...

Khi kể lại chuyện này với nhà thơ đồng hương sông nước Thái Bình Nguyễn Linh Khiếu, ông hóm hỉnh nói: Tôi đã đoán rằng thế nào rồi ông cũng lần ra đứng ngắm sông Lô, ngắm sông ấy bằng đủ các con mắt nhìn như thi sỹ, như quy hoạch, môi trường... nhưng cuối cùng vẫn kết lại là nhìn sông Lô bằng con mắt kiếm ăn thôi. 

3. Tuyên Quang là một miền gái đẹp. Ông TS. Ngô Văn Giá bận việc, buổi sáng tiễn chân chúng tôi, hẹn xong thì chiều sẽ lên tới. Lại bảo, trong lúc chờ, rảnh rỗi thì các ông ra chỗ cổng trường cấp ba ngồi cà phê đợi tan trường mà ngắm các em, các cháu gái xứ Tuyên vừa mới lớn lên, là thấy đầy đủ cho chuyến đi rồi.

Bữa chia tay thành Tuyên, chúng tôi ngồi ngâm nhi ly rượu, điểm các tên tuổi người đẹp Tuyên Quang qua các thời kỳ. Danh sách sao dài thế, kể mãi không hết. Thì lại quay về bàn luận vì sao xứ Tuyên nhiều gái đẹp...

gai-tuyen05122020111821.jpg
Vẻ đẹp người con gái Thành Tuyên. Không phải tự nhiên mà có thành ngữ "Chè Thái, gái Tuyên"

Tuyên Quang là vùng đất của nhiều ly loạn, xung đột, cát cứ. Ngay từ thời Lý ở đây đã xây đồn Tam Cờ, dấu vết để lại hiện nay là cái chợ lớn Tam Cờ vẫn đang nhộn nhịp và gần đấy là con phố Tam Kỳ mới được quy hoạch lại. Cuối thế kỷ 16, nhà Mạc, sau 66 năm trị vì kinh đô, bị thế lực trung hưng nhà Lê hạ bệ, phải chạy lên vùng núi Việt Bắc, rồi trụ lại ở Cao Bằng tồn tại tiếp gần 80 năm nữa.

Thời ấy thành nhà Mạc được xây lên ở Tuyên Quang làm cửa ngõ cố thủ. Cái câu chồng dặn vợ lúc chia tay: "Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng", chắc là diễn ra ở đây. Nhà Mạc trị vì lâu thế thì cung tần mỹ nữ là nhiều không xiết kể. Họ theo đến Tuyên rồi thì không theo được nữa, liền tản ra xung quanh mà thành dân thường rồi gieo gien giống. Gen đẹp lại gặp nước sông Lô, gặp thổ nhưỡng hợp để nuôi dưỡng trong vùng khí hậu hài hòa, mà thành ra miền gái đẹp hiện nay. Chưa kể, đấy là miền đất của Chúa Bầu. Ông Chúa này lúc theo nhà Mạc khi ngả về họ Lê rồi thành ra cát cứ. Đến giữa thế kỷ 19, thời vua Thiệu Trị, thành Tuyên được xây lại to lớn hơn. Rồi ngay cả sau này nữa, thời Thủ đô kháng chiến, tinh hoa vẫn tiếp tục tụ về. Con gái ở miền này cứ thế, đã đẹp lại thông minh, duyên dáng, tài năng tôn thêm vào cho nữa...

thanh-nha-mac-cong-tay-205122020111246.jpg
Cồng Tây Môn thành nhà Mạc ở Tuyên Quang

Điều ấy cuối chuyến đi này, hữu duyên nên chúng tôi được chứng kiến. Buổi sáng, có người đẹp Thèn Hương cây bút thơ trẻ đi cùng Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, nhà thơ Tạ Bá Hương đến mời cà phê. Buổi trưa, có ca sĩ Đỗ Tố Hoa đến cùng nguyên giám đốc Sở Văn hóa và các bạn mời rượu. Người đẹp đã về Hà Nội, lại có chuyến ngược lên Tuyên đầu xuân nên thành duyên gặp gỡ. Mà ngồi ngay gần cạnh Quán quân Thính phòng Sao Mai, giọng ca nữ soprano cao vút quý hiếm đặc sắc nhất hiện nay, được cô hát trực tiếp cho nghe, những "Qua cầu gió bay", "Hoa thơm bướm lượn", "Nhà em ở lưng đồi", hát Chúc rượu (dân ca dân tộc Choang), rồi cả các khúc thức nhạc Hoa trong Tây du ký... thì còn hay gấp ngàn lần ngồi trong Nhà hát lớn ở Hà Nội mà nghe ấy chứ nhỉ!

Chao ôi...

Bài liên quan
  • Tết nhân vị trong thơ Trần Mạnh Hảo
    Đó cũng là vẻ đẹp “Bầu ơi thương lấy bí cùng” giàu nhân vị Việt Nam. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” (lời một ca khúc của Trịnh Công Sơn) đã và đang lay thức lòng trắc ẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Sông Lô xanh thắm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO