Không ai chọn cho mình được nơi sinh ra. Hay nói cách khác cố thổ chỉ có một. Không ai chọn cho mình bố mẹ sinh thành. Hay nói cách khác mỗi người hiện diện trên trái đất này đều có song thân. Nói như nhà thơ Đỗ Trung Quân “Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ một mẹ thôi / Quê hương nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nổi thành người”. Bốn câu thơ giản dị nhưng sống mãi, bởi đã trở thành tiếng lòng mỗi người.
Quê hương, quá đỗi thiêng liêng. Chính vì thế, dù làm ăn ở đâu, Tết đến, Xuân về trở lại quê hương cùng họ hàng, gia đình đoàn viên, trở thành nguyện vọng tha thiết của mỗi người; kể cả kiều bào ở nước ngoài phải bay nửa vòng trái đất. Hãy nhìn dòng người ở các cảng hàng không Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh) hay Nội Bài (Hà Nội); hãy nhìn các cửa ngõ Thủ đô, các thành phố lớn, sẽ thấy điều đó.
Với các nhà thơ, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, quê hương luôn là chủ đề lớn của cảm xúc. Không có nhà thơ nào không viết về quê hương mình. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, một người con Nam Định, hiện sinh sống và viết tại TP. Hồ Chí Minh, không ngoại lệ.
Trần Mạnh Hảo viết khá nhiều về mùa xuân. Trong “Trần Mạnh Hảo – Tuyển tập thơ”, NXB Hội Nhà văn năm 2022, với hơn 570 bài thơ; dù đa đề tài từ thế sự đến tình yêu, từ thân phận đến thơ thiếu nhi; tuy nhiên, không thể thiếu đề tài mùa xuân. “Gió em xuân”, “Em trong gương mùa xuân”, “Mùa Xuân ru con”, “Riêng Xuân”, “Lời ngỏ mùa xuân”, “Ngày xuân viếng mộ Tú Xương”, “Mùa xuân chạy”...
Riêng về đề tài Tết, ông có: “Tết này mẹ vẫn đợi con”, “Gió Tết rừng xưa”, “Thơ viết đêm Giao thừa năm Mậu Tuất”, “Về làng ăn Tết”, “Nhớ Tết Hà Nội”, “Rét cóng mẹ vẫn xuống sông mò Tết”, “Con sâu đo đi Tết”, “Tết xưa”, “Tết đã qua”, “Giữ lấy chiều ba mươi”, “Chúc Tết”, “Giao thừa nhớ Nguyễn Bính”...
Trần Mạnh Hảo là người mang nặng ký ức, hoài cổ. Tết là thời khắc thiêng liêng, lòng ông vừa thanh thoát, vừa bề bộn. Tết xưa ở vùng quê Nghĩa Hưng (Nam Định), thời ông còn là cậu bé, sống lại bời bời.
...
Khói nâng mái rạ lên chiều
Cha nhờ gió buộc cây nêu mưa phùn
Tôi ngồi xem lửa run run
Mẹ mang rế rách chổi cùn giấu đi
(Tết xưa)
Bài “Tết xưa”, nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết năm 1978, khi người lính Trần Mạnh Hảo vừa đi qua chiến tranh chưa lâu. Nhiều cái Tết của thời lửa đạn, người lính Trần Mạnh Hảo ở chiến trường “Anh bế nhành mai vàng như bế sung / Lá chiến hào mắt biếc liếc dung nhan / Em đã đến làm chiến tranh ấp úng”, (Gió Tết cửa rừng xưa). Hết chiến tranh, nhà thơ Trần Mạnh Hảo mong về lại quê nhà, gặp lại quê hương, những người thân quen, nhất là bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Hình ảnh “mái rạ”, “cây nêu”, “bếp lửa”, “mẹ” trong bài thơ thật gần gũi, dung dị, ấm áp...thế nhưng rất thơ, rất đẹp.
Tết về viếng mẹ thương cha
Đứa con quê kiểng lạc ra thị thành
Ai vừa nghiêng nón trời xanh
Ngoảnh đi...người của đoạn đành ngày xưa
Môi người chừng cắn hạt dưa
Đỏ hơn thời của ngày chưa lỡ làng
Về thương chúc Tết họ hàng
Chợt nghe mưa bụi bạc ngang tóc mình
(Về làng ăn Tết)
Làng, nói như nhà thơ Nga Gamzatop, không thể đổi lấy bất cứ thứ gì. Bởi ở ngôi làng nơi sinh ra, gìn giữ cho mỗi người cả khoảng trời ký ức, nơi có mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ...và cả bóng hình cô thôn nữ một thời làm ông bâng khuâng, rạo rực.
Trần Mạnh Hảo là người “góc cạnh”, “đanh đá”...trước nhiều vấn đề thời sự, thời cuộc; nhưng trong chiều sâu tâm hồn, ông mong manh, dễ vỡ, dễ run rẩy... trước cái đẹp, trước mùa xuân. Dẫu trước cái đẹp của mùa xuân, của Tết, nhiều lúc tâm hồn ông thăng hoa, phấn kích trong xúc cảm. Nhiều câu thơ ông viết trong tâm thế bùi ngùi, bâng khuâng, rớm lệ.
...
Ôi trời cũ còn xanh màu lá bánh
Hãy gói lòng ta bằng chiếc lạt mưa phùn
Mây mở hết áo bông trời bớt lạnh
Thanh củi đón giao thừa làm lửa cũng run run
(Nhớ Tết Hà Nội)
Trong Tết xưa, có lẽ chiều 30 Tết thật đặc biệt, không chỉ về thời khắc mà còn tinh thần, tâm linh. Chiều cuối năm, có bữa cơm Tất niên, có ý nghĩa đặc biệt. Ở Việt Nam, Tất niên thường được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm tính theo lịch Âm (tức là ngày 30 tháng 12 Âm lịch, hay còn gọi là ngày 30 Tết). Một số năm thiếu như năm 2022 thì Tất niên sẽ được tổ chức vào ngày 29 tháng 12 Âm lịch.
Bữa cơm Tất niên chiều 30 tết là bữa cơm gắn kết mọi thành viên, thế hệ trong gia đình. Theo quan niệm xưa, những gia đình nào càng đông đủ con cháu, các thế hệ cùng dùng bữa cơm này chứng tỏ gia đình ấy nhiều phúc, lộc và may mắn. Không chỉ mang ý nghĩa sum họp gia đình, bữa cơm tất niên còn là nghi thức để kết thúc năm cũ, đón năm mới, mời ông Công ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản bếp núc. Sau bữa cơm tất niên, gia đình sẽ sửa soạn để cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón chào năm mới. Đó cũng là thời khắc, Trần Mạnh Hảo bâng khuâng, không chỉ trước tiết mùa sắp chuyển giao; ông còn nhìn thấy màu thân phận, qua hình ảnh người mẹ:
...
Gió bấc sôi trong nồi bánh chưng
Mùa đông e sắc lửa đang hừng
Mây vụn tôi thương trời vá áo
Mẹ ngồi như cõng gió trên lưng
(Giữ lấy chiều ba mươi)
Thơ Tết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo không chỉ là ký ức cá nhân; mà qua thơ ông người đọc được sống lại cùng hoài niệm vùng miền, thấy cả hôm qua, hôm nay và ngày mai. Xã hội đã phát triển về vật chất, người giàu (kể cả giới thượng lưu) ngày càng tăng lên; nhưng biết bao số phận, bao cuộc đời “nhạt muối, đói cơm” còn đó. Tết năm nào, cả hệ thống chính trị, các mạnh thường quân chẳng phải chung sức vì người nghèo, để người nghèo có Tết, được an ủi. Đó cũng là vẻ đẹp “Bầu ơi thương lấy bí cùng” giàu nhân vị Việt Nam. “Sống trong đời sống phải có một tấm lòng”, (ca khúc Trịnh Công Sơn), đã và đang lay thức trắc ẩn, vẻ đẹp sẻ chia.
....
Tâm hồn con là dòng sông rét mướt
Mẹ mò Tết nuôi con dù ở trên đời
Con hãy ngủ như vẫn còn đất nước
Như nghìn đời mẹ vẫn hát à ơi
(Rét cóng mẹ vẫn xuống sông mò Tết).
Ngày 28 Tết Quý Mão 2023
NĐH