Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về phân loại, phân tích hàng hóa xuất nhập khẩu

Báo Hải quan|04/01/2021 08:18

(VLR) Nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác phân tích, phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế, hạn chế việc áp dụng một mặt hàng có kết quả phân tích khác nhau dẫn đến phân loại khác nhau, Tổng cục Hải quan đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 14/2015/TT-BTC theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các chính sách để việc tự kê khai, tự tính thuế đảm đúng quy định.

Phân tích mẫu tại Trung tâm phân tích phân loại thuộc Cục Kiểm định hải quan - Ảnh: H.Nụ

Phân tích mẫu tại Trung tâm phân tích phân loại thuộc Cục Kiểm định hải quan - Ảnh: H.Nụ

Ngày 30/01/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 14/2015/TT-BTC hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK (sau đây gọi tắt là Thông tư 14). Thông tư 14 được xây dựng trên cơ sở Quyết định 49/QĐ-CTN ngày 6/3/1998 của Chủ tịch nước, Nghị định thư quy định về việc thực hiện Danh mục AHTN, Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.

Theo Cục Thuế XNK, sau 5 năm triển khai thực hiện, Thông tư 14 được xem là căn cứ pháp lý trong công tác phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, tạo sự thống nhất trong việc thực hiện nội luật hóa đầy đủ Công ước hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới (Công ước HS). Bên cạnh đó, các quy định tại Thông tư 14 đã khắc phục những tồn tại trong công tác phân tích, phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế, hạn chế việc áp dụng một mặt hàng có kết quả phân tích khác nhau dẫn đến phân loại khác nhau, góp phần tạo thuận lợi cho DN trong việc tự kê khai, tự tính thuế.

Trong hơn 5 năm thực hiện, Tổng cục Hải quan đã ban hành trên 20.000 thông báo kết quả phân loại và trên 60.000 thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu hải quan về phân tích, phân loại hàng hóa. Thông tư 14 cũng đã góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của công tác phân tích, phân loại hàng hóa thời gian qua, đáp ứng các yêu cầu quản lý ngày càng cao trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới. Ngoài ra, Thông tư 14 còn giúp cơ quan Hải quan đảm bảo thu đúng, thu đủ cho NSNN.

Mặc dù vậy, bên cạnh những tác động tích cực, trong quá trình thực hiện Thông tư 14 đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cho thấy cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.

Trong đó, thời gian qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã thay đổi dẫn tới các quy định, hướng dẫn tại Thông tư 14 không còn đảm bảo pháp lý phù hợp với các quy định hiện hành.

Đặc biệt, trên cơ sở đánh giá tổng kết về kết quả và tồn tại trong quá trình thực hiện Thông tư 14, Tổng cục Hải quan nhận thấy một số quy định không còn phù hợp với nội dung của Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung một số điều tại Thông tư 38/2015/TT-BTC như: yêu cầu người khai hải quan phải khai đầy đủ các tiêu chí theo Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam để xác định được mã số hàng hóa hay nêu cụ thể căn cứ hướng dẫn phân loại và xử lý khiếu nại cho một số trường hợp đặc biệt hay bổ sung tài liệu kỹ thuật trong hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại…

Bên cạnh đó, quy trình xử lý kết quả phân tích, phân loại liên quan đến nhiều cấp, dẫn đến kéo dài thời gian ban hành thông báo kết quả phân loại. Hay thẩm quyền ban hành thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa chưa được pháp luật hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện…

Theo đó, để có cơ sở hướng dẫn chi tiết về phân loại hàng hóa theo quy định tại Luật Hải quan, Nghị định 59/2018/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tế thực hiện Thông tư 14 vừa tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan được chặt chẽ, Tổng cục Hải quan đã triển khai dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 14.

Theo Cục Thuế XNK, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 14 sẽ bổ sung các nội dung mới về phân loại hàng hóa để phù hợp với yêu cầu quản lý, đồng thời tổng hợp các nội dung hướng dẫn phân loại hàng hóa tại một số văn bản quy phạm pháp luật khác đang có hiệu lực và mới ban hành.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 14 sẽ bổ sung các quy định cụ thể về mô tả hàng hóa theo Danh mục HS để đảm bảo thực hiện đúng quy định của điều ước quốc tế, tạo thuận lợi khi giải quyết, xử lý các vướng mắc liên quan đến việc dịch các mô tả hàng hóa từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 14 cũng sẽ bổ sung quy định liên quan đến hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại. Cụ thể hóa quy định này tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 14 nhằm tạo thuận lợi cho công tác phân tích, phân loại và giảm thời gian phải có văn bản trao đổi yêu cầu bổ sung tài liệu kỹ thuật, nâng cao tính chính xác trong việc phân tích hàng hóa, đề xuất bổ sung trong hồ sơ gửi phân tích có kèm tài liệu kỹ thuật của hàng hóa.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 14 cũng sẽ sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về mẫu hàng hóa phân tích để phân loại; thông báo kết quả phân loại; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; nguồn thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa XNK…


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về phân loại, phân tích hàng hóa xuất nhập khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO