Đầu tư công được xem là lực đẩy quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - (Ảnh minh họa: KT)
2021 được dự đoán sẽ là một năm phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và đầu tư công được xem là một trong những bánh xe quan trọng của “cỗ xe tam mã” (gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) giúp kéo nền kinh tế đi lên.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ mới đây về dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Thủ tướng yêu cầu tập trung vào những hạ tầng quan trọng, then chốt, tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội mở đầu cho giai đoạn 5 năm.
Thủ tướng đã thống nhất phương án phân bổ vốn ngân sách trung hạn trong phạm vi nguồn vốn đã báo cáo Quốc hội, trong đó tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 là 2,75 triệu tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 1,38 triệu tỷ đồng, ngân sách địa phương 1,37 triệu tỷ đồng. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải lưu ý thúc đẩy thu hút các nguồn lực đầu tư khác thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách.
Thủ tướng yêu cầu việc phân bổ vốn trung hạn phải tập trung vào những hạ tầng quan trọng, then chốt, là cú hích; phát triển kinh tế - xã hội đất nước, mở đầu cho giai đoạn 5 năm tới như đường ven biển; đường vành đai các trung tâm kinh tế và đô thị lớn; các cao tốc khu vực; hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia, khoa học công nghệ; bên cạnh các dự án phát triển kinh tế thì cũng cần chú trọng các dự án lĩnh vực văn hóa xã hội, trong đó có các bệnh viện lớn. Trong phân bổ đầu tư cần cân đối giữa các vùng, miền cho hợp lý.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), kế hoạch đầu tư công trung hạn bám sát thực hiện các quan điểm, mục tiêu đột phá và nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược 10 năm và Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua. Qua đó thực hiện hiệu quả cơ cấu đầu tư công, ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, vốn ngân sách Nhà nước thực sự là vốn mồi, thu hút tối đa vốn từ các thành phần kinh tế khác, tăng cường kỷ luật kỷ cương đầu tư công, không bố trí vốn vào các dự án mà thành phần kinh tế khác có thể đầu tư…
hủ tướng nêu rõ: Kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước
Số liệu từ Bộ KHĐT cho thấy, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 28/2/2021 là 23.487,61 tỷ đồng, đạt 5,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm trước đạt 7,38%). Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp dưới 5%.
Bộ KHĐT cho rằng, nguyên nhân giải ngân chậm và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020, là do tháng 02/2020 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công. Đây cũng là thời điểm các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, chuyển kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 sang năm 2021…
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra.
Để giải ngân đầu tư công đạt hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án theo kế hoạch đề ra, gắn trách nhiệm của lãnh đạo, tổ chức, cá nhân với kết quả giải ngân của từng dự án được phân công, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngay từ đầu năm để tạo động lực và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra. Theo đó, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, để thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2021, khiến đầu tư công thực sự trở thành lực kéo tăng trưởng kinh tế, ngay từ khâu lập kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021, Quốc hội, Chính phủ đã quán triệt nguyên tắc tập trung bố trí cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành, đã đảm bảo thủ tục đầu tư.
Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm trong năm 2021, Bộ Tài chính đang xây dựng Chương trình công tác với nhiều giải pháp cụ thể. Trước hết, về xây dựng chế độ, chính sách, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành trong Quý I/2021 Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm tạo khung khổ pháp lý đồng bộ về quản lý, thanh toán, quyết toán các dự án đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan. Minh bạch hóa quy trình thanh toán, quyết toán, quy định rõ trách nhiệm giữa chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan thanh toán trong quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, đầu tư công được thúc đẩy với sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp và sát sao của Chính phủ và hành động của các bộ. Giải ngân đầu tư công tốt hơn nhiều so với các năm trước, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng của năm nay và nhiều năm sau.
Mặc dù vậy, TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, đầu tư công tuy được đẩy nhanh nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ cải thiện hiệu quả mạnh mẽ hơn, trong thời gian qua chưa có công trình, dự án đầu tư công lớn nào được triển khai.
Đầu tư công, bao năm nay bị đánh giá là dàn trải, kém hiệu quả thì nay khi chọn đầu tư, phải tính đến yếu tố hiệu quả đầu tiên. Thay vì có vài chục dự án, 10 năm mới xong thì nên gom lại, làm 2-3 dự án hiệu quả trước, sẽ tạo ra tác động lớn thay vì kéo dài, chậm tiến độ, đội vốn... Việc lựa chọn những nơi để đầu tư cũng thế. Phải ưu tiên những nơi có tiềm lực, động lực kinh tế để phát triển trước. Chỗ nào tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn thì hãy đầu tư. Còn phát triển bao trùm là chiến lược dài hạn, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, phải dành cho chỗ nào có khả năng sinh lợi, tạo ra nhiều nguồn lực hơn, nguyên Viện trưởng CIEM chỉ rõ.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng lưu ý, cần phải bỏ những xin cho, chia chác trong phân bổ nguồn lực. Việc quyết định chủ trương đầu tư không quan trọng là ai quyết thay vào đó phải lựa chọn được dự án đầu tư tốt. Để có được dự án tốt đòi hỏi chuyên môn và sự chuyên nghiệp của nhà đầu tư thay vì lựa chọn dự án theo thủ tục hành chính. Cần có một lực lượng độc lập lựa chọn dự án theo nhu cầu thị trường thay cho nhà nước.
Việc phân bố dự án có thể theo nguyên tắc ngành ưu tiên được nhiều vốn, ngành không ưu tiên được ít vốn và để lực lượng độc lập tự quyết định về việc lựa chọn dự án. Cơ quan nào đó giám sát việc họ làm, chỉ "thổi còi" khi họ làm không đúng định hướng, ông Cung nêu quan điểm.