THACO trước “bối cảnh” thuế nhập khẩu ôtô về 0%

26/12/2017 15:11

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Trước bối cảnh thuế nhập khẩu xe con nguyên chiếc về 0% vào năm 2018, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, thực hiện chiến lược phát triển sản xuất lắp ráp ô tô trong nước theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó, Thaco Mazda là nhà máy lớn nhất của Mazda tại Đông Nam Á đang được Thaco xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động vào cuối tháng 3.2018.

(Vietnam Logistics Review)Trước bối cảnh thuế nhập khẩu xe con nguyên chiếc về 0% vào năm 2018, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, thực hiện chiến lược phát triển sản xuất lắp ráp ô tô trong nước theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó, Thaco Mazda là nhà máy lớn nhất của Mazda tại Đông Nam Á đang được Thaco xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động vào cuối tháng 3.2018.

Nhà máy công suất 100.000 xe/năm sắp đi vào hoạt động

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho biết, để xây dựng nhà máy Thaco Mazda, từ năm 2011 Thaco ký kết hợp tác với Tập đoàn Mazda Nhật Bản và đã đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động nhà máy Vina Mazda công suất ban đầu 10.000 xe/năm. Đến năm 2014, nhà máy được nâng lên 30.000 xe/năm. Vina Mazda đã sản xuất lắp ráp hầu hết các mẫu xe của Mazda như Mazda2, Mazda3, Mazda6, Mazda CX-5 và được thị trường ưa chuộng. Đến nay, Thaco đã bán ra hơn 92.000 xe, riêng năm 2016 đạt hơn 32.000 xe, đưa Mazda trở thành thương hiệu ô tô Nhật Bản đứng thứ 2 về doanh số trên thị trường ô tô Việt Nam.

Nhà máy Thaco Mazda có công suất 100.000 xe/năm được khởi công xây dựng vào cuối tháng 3.2017, với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, trên diện tích 35 ha. Dây chuyền của nhà máy này được cung cấp từ các nhà sản xuất thiết bị nổi tiếng của châu Âu, Nhật Bản. Hầu hết thiết bị là tự động và được ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trên cơ sở công nghệ lần thứ 4 của thế giới như dây chuyền hàn tích hợp thân xe tự động hoàn toàn; dây chuyền sơn tĩnh điện theo công nghệ nhúng liên tục kết hợp dòng chảy ngược giảm tối đa tỷ lệ bụi giúp bề mặt sơn không lỗi; dây chuyền sơn màu sử dụng robot, với công nghệ sơn wet on wet, giúp bề mặt sơn cứng cáp, tăng khả năng chống trầy xước và ăn mòn axit trong quá trình sử dụng. Dây chuyền kiểm định được trang bị các thiết bị ứng dụng công nghệ mới, hiện đại và được kết nối với hệ thống thông tin kỹ thuật của trung tâm kiểm định Mazda toàn cầu được đặt tại Nhật Bản. Cùng với đó là đường thử xe có chiều dài 5km với nhiều làn xe chạy thử có đầy đủ các địa hình mô phỏng theo mọi điều kiện đường sá Việt Nam. “Qua kinh nghiệm thiết kế và xây dựng nhà máy Thaco Mazda, chúng tôi sẽ nâng cấp toàn bộ các nhà máy khác để Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ”, ông Trần Bá Dương chia sẻ.

Vai trò “ông lớn” trong ngành ô tô

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, mặc dù, thuế nhập khẩu xe CBU về 0% từ năm 2018, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam dần chuyển sang nhập xe nguyên chiếc từ các trung tâm sản xuất của hãng tại ASEAN, tuy nhiên Thaco vẫn duy trì lắp ráp CKD và đẩy mạnh đầu tư sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đây cũng là cam kết của Thaco với Chính phủ và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nhằm phát triển sản xuất ô tô có quy mô và từng bước cạnh tranh được các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…

Từ năm 2017 Thaco đã thực hiện chiến lược đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô mới như: nhà máy xe du lịch Kia, Mazda, xe du lịch cao cấp, nhà máy xe bus, nhà máy xe tải, cũng như các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40%. Trong đó, Thaco Mazda là nhà máy lớn nhất của Mazda nói riêng và ngành sản xuất lắp ráp ô tô tại Đông Nam Á nói chung, Thaco Mazda có công nghệ hiện đại, tự động hóa hoàn toàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lắp ráp các dòng xe Mazda thế hệ thứ 7. Đây được xem là công trình có ý nghĩa, khởi đầu và là dự án mẫu cho chu kỳ đầu tư mới của Thaco tại Chu Lai. “Thách thức đặt ra cho chúng tôi là làm sao vừa đáp ứng nhu cầu của người dân mua được xe với giá rẻ, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, vừa phải phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc phát triển công nghiệp và nền kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN vào năm 2018”, ông Trần Bá Dương nói. Hiện Thaco đang thực hiện giảm giá theo lộ trình hội nhập khi thuế nhập khẩu về bằng 0% và sẽ tiếp tục giảm giá khi thuế tiêu thụ đặc biệt của dòng xe 2.0 trở xuống giảm 5% từ ngày 01.01.2018.

Từ một DN tư nhân nhỏ, Thaco đã nỗ lực đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô tô và đã vươn lên thành một DN ô tô hàng đầu Việt Nam. Thaco đã từng bước làm chủ thiết kế, công nghệ và hiện đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 50% đối với xe buýt; 30%-35% đối với xe tải. Riêng xe con đạt 18%. Hiện nay, Thaco chiếm hơn 40% thị phần về xe tải, 50% về xe khách. 2 thương hiệu Kia và Mazda chiếm hơn 26% thị phần và đứng đầu thị trường xe con Việt Nam trong năm 2016. Thời gian tới, Thaco tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với dòng xe con với mức phấn đấu 40%. Qua đó, Thaco có thể từng bước xuất khẩu ngược lại sang các nước trong khu vực ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
THACO trước “bối cảnh” thuế nhập khẩu ôtô về 0%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO