Tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý thị trường vàng

Bảo Hân (tổng hợp) |30/12/2023 06:28

Những ngày qua, giá vàng miếng SJC biến động tăng/giảm với biên độ lớn, tốc độ nhanh, tạo sự bất thường trên thị trường vàng. Nguyên nhân giá vàng tăng do đâu, liệu có bất cập gì về cơ chế quản lý thị trường vàng miếng SJC...

Ngày 28/12, thị trường vàng đã có những biến động chưa từng có. Nếu như vào buổi sáng, giá vàng SJC vẫn cán mốc 80 triệu đồng/lượng, thì từ 11h đến 15h, giá đã lao dốc nhanh chóng về mốc 71,5-75,5 đồng/lượng (mua vào - bán ra). Đến cuối giờ chiều qua, giá vàng SJC lại tăng trở lại, khi niêm yết giá mua bán ở mức 74,5-77,52 triệu đồng/lượng.

gia-vang-237.jpg
Giá vàng vẫn đang biến động thất thường (Ảnh: Nguyễn Huế)

Giá vàng biến động mạnh trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra những chỉ đạo để ổn định thị trường kim loại quý.

Theo ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN, trên thị trường trong nước, mặc dù nhu cầu vàng miếng SJC đã giảm so với giai đoạn trước khi Nghị định 24/NĐCP (sau đây gọi tắt là Nghị định 24) được ban hành, nhưng tâm lý thị trường vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Do vậy, có thể thấy nguyên nhân chính khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng trong thời gian qua là do yếu tố tâm lý trước đà biến động tăng của giá vàng thế giới.

Tuy nhiên, qua theo dõi thị trường trong những ngày giá vàng miếng SJC biến động tăng, khối lượng giao dịch mua, bán vàng miếng SJC có tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như giai đoạn trước đây. Sau khi tăng cao, giá vàng miếng SJC có chiều hướng giảm dần từ chiều ngày 28/12/2023, trên thị trường khách hàng đang có xu hướng bán ròng vàng miếng SJC.

Vàng là tài sản có giá trị cao và giá vàng thường biến động mạnh và khó lường, vừa qua lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông điệp cảnh báo người dân nên thận trọng trong giao dịch đầu tư vàng.

Theo Nghị định 24, NHNN mục tiêu xuyên suốt là quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ban ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động kinh doanh vàng.

Hiện nay, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Đồng thời, NHNN đang tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị định 24, trong đó sẽ đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, về dài hạn, NHNN đang tổng kết lại Nghị định 24 và sẽ có sửa đổi cách quản lý vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Ông cho rằng, giải pháp đơn giản nhất là giải quyết cân bằng vấn đề cung - cầu cho thị trường; khi đó thị trường ắt sẽ bình ổn. Ý kiến của một chuyên gia khẳng định "cần bỏ độc quyền vàng". Khi đó, NHNN có thể quản lý vàng thông qua các công ty được phép xuất nhập khẩu, hoặc có thể quản lý qua với tư cách là người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng.

Để ổn định thị trường vàng lúc này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, giải pháp đầu tiên NHNN nên cho phép các nhà kinh doanh vàng có uy tín, năng lực tài chính cùng nhập khẩu vàng để cung cấp nguồn vàng nhằm đáp ứng nhu cầu. Theo ông, nếu cung - cầu ổn định, giá vàng sẽ ổn định trở lại và không có chuyện giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từ 15-20 triệu đồng/lượng như hiện nay.

Vị chuyên gia này cũng nhắc lại quan điểm là NHNN nên rút lại thương hiệu vàng quốc gia với vàng SJC, để các thương hiệu khác có thể cạnh tranh một cách lành mạnh trên thị trường vàng.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá vàng SJC sẽ về ngay hơn 60 triệu/lượng, nếu NHNN có hành động cụ thể.

Về vấn đề "thương hiệu vàng quốc gia", ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, từ khi Nghị định 24 được ban hành, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, NHNN chỉ thuê Công ty SJC gia công vàng miếng khi có nhu cầu, và hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của NHNN.

Thời gian qua, NHNN đã lấy ý kiến các Bộ, ngành chức năng có liên quan, Hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia về báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24. Trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Theo VietnamNet và Vneconomy
Copy Link
Bài liên quan
  • Giá vàng tăng phi mã, “mua đuổi” hay chờ điều chỉnh?
    - Nike dự báo kém lạc quan về nhu cầu tiêu dùng năm 2024 - Nhật Bản nhắm đến thị trường làm đẹp Mỹ với thương vụ của Shiseido - Mỹ ngăn Nga “đi đường vòng” thâm nhập thị trường hải sản trong nước - Các tỉnh phía Nam phối hợp hành động xóa “thẻ vàng” ngành thủy sản - Giá vàng tăng phi mã, “mua đuổi” hay chờ điều chỉnh?

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý thị trường vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO