Thanh Hóa đẩy mạnh hoàn thiện và hiện đại hóa cảng Nghi Sơn

Duy Ngợi|19/03/2021 06:05

(VLR) Những năm gần đây, với hạ tầng ngày càng hoàn thiện, lượng hàng hóa thông qua cảng ngày một phong phú, hệ thống cảng biển Nghi Sơn mở ra cơ hội phát triển to lớn với xứ Thanh và khu vực Bắc Trung Bộ.

Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn

Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn

Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại

Từ tháng 5–2019, với sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh và sự nỗ lực của các doanh nghiệp khai thác cảng, Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKT Nghi Sơn) bắt đầu hình thành và khai thác tuyến container quốc tế. Từ đó đến nay, Tập đoàn CMA CGM – một hãng tàu vận tải container hàng đầu thế giới đã có 40 chuyến tàu cập cảng Nghi Sơn để đưa hàng hóa đến và đi nhiều nước trên thế giới. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Cục Hải quan và các đơn vị có liên quan để làm việc, mời gọi một số hãng tàu quốc tế khác, như: Hyung A (Hàn Quốc), SITC (Việt Nam) nhằm khai thác thêm các tuyến container quốc tế đi và đến Nghi Sơn. Lượng hàng hóa nhập và xuất khẩu qua cảng đã nộp ngân sách Nhà nước gần 600 tỷ đồng trong gần một năm qua.

Có được kết quả trên, đầu tiên phải kể đến việc các doanh nghiệp đầu tư cảng không ngừng đầu tư, xây dựng hạ tầng cảng biển Nghi Sơn hiện đại, có thể đón được các tàu hàng có tải trọng lớn của thế giới. Về các bến cảng tổng hợp, đến nay cảng biển Nghi Sơn đã có 13 bến được đưa vào vận hành, trong đó có 8 bến khá hiện đại của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn và Công ty Xi măng Long Sơn. Các bến cảng tổng hợp còn lại đang được các chủ đầu tư triển khai xây dựng và hoàn thiện. Bên cạnh đó, đã có 10 bến cảng container được chấp thuận chủ trương đầu tư; trong đó, Công ty CP Gang thép Nghi Sơn là chủ đầu tư 4 bến, 6 bến còn lại của Công ty Xi măng Long Sơn.

Riêng các bến chuyên dụng, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng tại vùng biển Nghi Sơn, góp phần đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng, phát triển mạnh hạ tầng cảng cũng như sự cạnh tranh lành mạnh trong dịch vụ bốc xếp và vận chuyển hàng hóa qua các cảng biển. Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát đang triển khai đầu tư 2 bến nhô dạng trụ cập phía ngoài cho tàu hàng có tải trọng đến 20.000 tấn cập bến. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng xây dựng hệ thống kho xăng dầu ngoại quan và nội địa ngay gần cảng với tổng dung tích 165.200 m3 và kho LPG công suất 2.000 tấn để có thể đón các tàu dầu và khí hóa lỏng vào ra nhập và lấy hàng. UBND tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng bến cảng chuyên dùng phục vụ kho dầu đầu mối LPG và kho nhựa đường lỏng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn do Công ty TNHH Tân Thành 8 làm chủ đầu tư, với công suất kho bồn chứa LPG 57.000 tấn/năm và kho chứa nhựa đường lỏng 48.000 tấn/năm. Nhiều bến chuyên dụng khác đã hoàn thành và phát huy tác dụng từ nhiều năm qua, như các bến của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, của Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Hiện tại, phía Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 cũng đang khẩn trương xây dựng bến cảng chuyên dụng riêng của mình.

Hạ tầng cảng quốc tế Nghi Sơn ngày càng được hoàn thiện, hiện đại hóa

Hạ tầng cảng quốc tế Nghi Sơn ngày càng được hoàn thiện, hiện đại hóa

Trung tâm logistic Bắc Trung Bộ

Với hạ tầng giao thông phát triển sẽ có lợi thế khai thác dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức cho hàng hóa qua cảng biển. Đây là tiềm năng và lợi thế phát triển của cảng biển Nghi Sơn nói riêng và hệ thống cảng biển tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Trong lĩnh vực logistics, tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đầu tư khu dịch vụ hậu cần cảng và một số dự án liên quan với tổng quy mô 60 ha ngay tại khu vực cảng biển Nghi Sơn. Các dự án đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó một số dự án đã được các chủ đầu tư đưa vào khai thác.

Với nhiều ưu thế thuận lợi, Thanh Hóa dần trở thành Trung tâm logistics Bắc Trung Bộ

Với nhiều ưu thế thuận lợi, Thanh Hóa dần trở thành Trung tâm logistics Bắc Trung Bộ

Mới đây, 3 doanh nghiệp lớn gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý Tài sản Á Châu (ASHICO), Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn - Công ty CP dịch vụ biển Tân cảng (SNP-TCO) và Công ty CP Hàng Hải tân cảng miền Bắc (TCM) đề xuất đầu tư trung tâm Logistics Bắc Trung Bộ và hạ tầng khu công nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn - Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng.

Dự án bao gồm các hạng mục chính, là: Đầu tư xây dựng Trung tâm logistic Bắc Trung Bộ, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và cảng Containe 50.000 DWT. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp đạt 1.000 tỷ đồng, chiếm 16,67%, vốn vay ước 5.000 tỷ đồng, chiếm 83,73%.

Công ty ASHICO và các đối tác mong muốn được triển khai thực hiện dự án trên diện tích đất khoảng 395 ha trên địa bàn các xã, phường Mai Lâm, Tĩnh Hải, Hải Yến( Thị xã Nghi Sơn). Trong đó, 370 ha đất KCN số 6 và 25 ha đất thuộc quy hoạch cảng biển.

Theo kế hoạch, dự án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến hết năm 2024, dự kiến triển khai trên diện tích 200 ha bao gồm các thủ tục đăng ký, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng cạn ICD, hệ thống kho bãi, triển khai các dịch vụ logistics, dịch vụ xuất nhập khẩu… Giai đoạn 2 từ năm 2025 đến hết năm 2028.

Mục tiêu của dự án là xây dựng trung tâm logistics cho khu vực Bắc Trung Bộ, phục vụ nhu cầu Logistics cho Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá cũng như các khu vực lân cận, xây dựng cảng nước sâu để đón tàu 50.000 DWT và cung cấp đầy đủ các dịch vụ logistics chủ yếu theo quy định tại Nghị định số 140/2007/NĐ-CP của Chính phủ...

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Nghi Sơn

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Nghi Sơn

Hiện nay, nhiều khu vực luồng lạch tại đây có hiện tượng bồi lắng nên UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đấu mối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án nạo vét luồng vào Cảng Nghi Sơn. Đây là dự án lớn có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.400 tỷ đồng, được đề nghị sử dụng nguồn vốn ODA của Tổ chức JICA (Nhật Bản).

Cảng quốc tế Nghi Sơn được quy hoạch thế nào?

Theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn đã được Chính phủ phê duyệt, hệ thống Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch với tổng cộng 62 bến, trong đó có 12 bến container, 20 bến tổng hợp và các bến, khu bến chuyên dùng.

Theo quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2368/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016, giai đoạn 2020 – 2030, bao gồm, Cảng Nghi Sơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I, tiếp nhận tàu đến 50.000DWT (riêng khu bến đảo Hòn Mê tiếp nhận tàu đến 400.000 DWT); lượng hàng thông qua cảng dự kiến vào năm 2020 khoảng 32,7 - 38,7 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 56,4 - 65,6 triệu tấn/năm.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa đẩy mạnh hoàn thiện và hiện đại hóa cảng Nghi Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO