Thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển logistics thành ngành mũi nhọn

01/10/2019 14:15

(VLR) Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP. HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Sở Công Thương TP. HCM vừa được UBND TP. HCM phê duyệt đã hoạch định chiến lược phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn không chỉ của thành phố, mà còn của cả khu vực. Với đề án này, TP. HCM kỳ vọng sẽ nâng tỷ lệ đóng góp của ngành dịch vụ logistics lên mức 8% - 10% GDP, tăng trưởng 15% - 20%. Đồng thời hình thành được dịch vụ logistics chuyên nghiệp, giúp nâng tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics lên mức 50% - 60%, góp phần giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống còn 16% GDP vào năm 2025. Với vai trò đầu tàu, liệu TP. HCM có thể đưa logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới?

Thuận lợi

TP. HCM không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất nước, mà còn là trung tâm phân phối, cung ứng hàng hóa lớn nhất phía Nam. Nằm giữa các trục đường bộ Đông - Tây, Bắc - Nam cùng với hệ thống hải cảng lớn như: Cát Lái, Hiệp Phước, Bến Nghé, Tân Thuận,... nên hầu hết hàng hóa giao thương giữa các tỉnh/thành, hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực phía Nam đều đi qua TP. HCM.

TP. HCM còn nằm cạnh các tuyến hàng hải trọng yếu trên biển Đông, nơi mỗi năm có trên 140.000 lượt tàu trọng tải trên 100.000 tấn đi qua, vừa có hệ thống giao thông đường bộ thuận lợi, có thể kết nối lưu chuyển hàng hóa đa phương thức với nhiều nước.

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao logistics. Như vậy, hiện nay TP. HCM đã hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có thể tạo ra những đột biến để trở thành nơi trọng điểm về logistics của cả vùng, thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế của không chỉ thành phố này mà còn của cả nước.

Nền kinh tế hiện tại có độ mở rất lớn, cùng cơ hội to lớn thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, hoạt động logistics không khác gì những “mạch máu” để “cơ thể” kinh tế phát triển. Hiện nay, TP. HCM có một hệ thống hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ và thu hút được những nhà đầu tư chiến lược, tạo tiền đề cho nền công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ.

Những lực cản

Tuy nhiên thực tế, dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng, hiện nay, TP. HCM vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu Việt Nam.

Hoạt động logistics của TP. HCM hiện nay chủ yếu tập trung tại khâu vận chuyển, đưa rút hàng khỏi cảng - vốn là một trong những khâu tạo ít giá trị gia tăng nhất trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Vận tải đường bộ vẫn duy trì là xương sống, trong khi đường hàng không thì không có máy bay chở hàng chuyên dụng, còn đường thủy thì hạn chế về luồng lạch và chưa được đầu tư đúng mức.

Dịch vụ vận tải đường bộ được cung cấp bởi hàng trăm doanh nghiệp phần lớn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố, đã gây ra nhiều bất cập như cạnh tranh không lành mạnh, khai thác không hiệu quả... Theo đó, chi phí vận tải còn cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ, xe đa phần chạy hàng một chiều), tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà, chất lượng dịch vụ kho bãi thấp. Chưa giảm được thời gian gom hàng, trả hàng, làm thủ tục, khiến tăng thêm về chi phí.

Từ đó đã đẩy chi phí logistics lên khá cao, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Nguyên nhân khác cũng làm chi phí logistics cao là do phí nội địa cao như phí cầu đường, BOT, phí và phụ phí hãng tàu thu bất hợp lý, lệ phí cảng, ICD, kho hàng thu không thống nhất.

Khó khăn của các doanh nghiệp logistics còn đến từ các yếu tố vĩ mô . Cụ thể, cơ sở hạ tầng phát triển không theo kịp tốc độ phát triển hàng hóa và logistics. Các cao tốc hiện nay cũng không thể gọi là cao tốc được nữa, do tình trạng kẹt xe thường xuyên diễn ra.

Ngoài ra là tính liên kết giữa các doanh nghiệp rất kém, do 80% - 90% doanh nghiệp có vốn pháp định chỉ từ 1,5 đến 2 tỷ đồng khiến cho hoạt động cung cấp dịch vụ phân mảnh và manh mún. Các DN cũng hạn chế trao đổi thông tin, thiếu cung cấp các dịch vụ tích hợp cho khách hàng nên khả năng cạnh tranh với DN nước ngoài kém. Thêm vào đó, văn hóa cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá và hoa hồng cũng là yếu tố làm tăng chi phí logistics của Việt Nam.

Mặt khác, còn có các điểm yếu về nguồn nhân lực hạn chế cả về số lượng và chất lượng; các dịch vụ chưa tốt do thông tin về DN chưa minh bạch, quy trình chưa được chuẩn hóa, việc chậm giao hàng thường xuyên xảy ra và việc áp dụng công nghệ thông tin ở mức độ sơ khai, còn các phần mềm các DN cũng mới chỉ áp dụng, các phần mềm hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), robot hay logistics đám mây thì chưa được phổ biến.

Từ những hạn chế kể trên, các DN logistics phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Trong đó, từ phía khách hàng, tỷ lệ thuê ngoài hiện rất thấp, chỉ đạt khoảng 30% - 40%, trong khi ở các nước khác, tỷ lệ này ở mức khoảng 60% - 70%. Đối với các DN sử dụng dịch vụ logistics cũng cho thấy, chi phí cao chính là lý do hàng đầu khiến các DN tự làm logistics thay vì thuê ngoài (72,2%). Qua đó cho thấy, chi phí chính là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của dịch vụ logistics Việt Nam.

Giải pháp

Để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn TP. HCM, UBND TP. HCM đã ban hành quyết định phê duyệt Đề cương Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đề cương đã được phê duyệt, đề án có 3 nhiệm vụ cốt lõi. Đó là hoạch định chiến lược phát triển ngành logistics TP. HCM dựa trên nguyên tắc liên kết vùng. Theo đó, về hạ tầng kỹ thuật, xác định nhu cầu, đề xuất vị trí, quy mô thành lập 3 trung tâm logistics. Ba trung tâm này sẽ đáp ứng yêu cầu trung chuyển, lưu trữ, cung cấp hàng hóa cho các chuỗi phân phối trong nội thành (siêu thị, cửa hàng bán lẻ,...) và trung chuyển, phân phối hàng hóa giữa TP. HCM đi các tỉnh, thành, hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cửa ngõ thành phố. Ngoài ra, về dịch vụ logistics, nâng cao tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài, cụ thể, DN sản xuất chỉ lo tập trung sản xuất, còn việc vận chuyển, giao nhận... sẽ do các DN dịch vụ logistics đảm nhận. Việc chuyên môn hóa sẽ giúp kéo giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cả trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Hiện nay, Cảng Cát Lái (TP. HCM) tập trung hơn 70% lượng container xuất, nhập của cả nước, với lượng xe container ra vào cảng Cát Lái rất lớn (hiện nay bình quân khoảng 22.000 xe/ngày đêm, có thời điểm lên đến 23.500 xe/ngày đêm). Với nỗ lực đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông phục vụ cho phát triển dịch vụ logistics, TP. HCM đang triển khai dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức BOT đường thủy (xây mới cầu đường sắt Bình Lợi và nạo vét luồng sông Sài Gòn), dự kiến hoàn thành năm 2019. Sau khi hoàn thành, sẽ hỗ trợ khai thác hiệu quả tuyến sông Sài Gòn từ trung tâm thành phố đi Củ Chi và Bình Dương, từ đó sẽ góp phần phát triển hệ thống cảng cạn ICD các khu vực trên, góp phần giảm tải phương tiện vận tải hàng hóa bằng đường bộ.

Ngoài ra, TP. HCM đang nghiên cứu tuyến đường thủy qua Sông Tắc (nối sông Sài Gòn - sông Đồng Nai), chủ trương đầu tư nạo vét tuyến rạch Ông Nhiêu nối cảng Cát Lái đến Khu công nghệ cao. Khi hoàn thành, tuyến này sẽ vận chuyển hàng hóa qua cảng Cát Lái, giúp chia sẻ các tuyến đường bộ phía Đông thành phố. Bên cạnh đó, để tập trung đầu tư hệ thống cảng biển tại khu vực Hiệp Phước (trên sông Soài Rạp) với tổng diện tích 384ha thành khu cảng tiềm năng trong tương lai.

Với những giải pháp tích cực cả về hệ thống giao thông thủy, bộ lẫn hệ thống kho bãi, cảng biển, hứa hẹn trong thời gian tới, dịch vụ logistics sẽ có những bước tăng trưởng bền vững, trở thành nền kinh tế mũi nhọn của TP. HCM.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển logistics thành ngành mũi nhọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO