Thành phố thông minh: Xu hướng tất yếu của sự phát triển

17/08/2017 10:43

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Khái niệm “Thành phố thông minh” gần đây nhận được sự quan tâm nhiều hơn bao giờ hết khi các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều nhìn nhận việc kiến tạo một nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ giúp giảm gánh nặng và tác động từ hiện tượng gia tăng dân số, các vấn đề từ đô thị hóa trong đô thị đang ngày càng trở nên phổ biến.

(Vietnam Logistics Review) Khái niệm “Thành phố thông minh” gần đây nhận được sự quan tâm nhiều hơn bao giờ hết khi các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều nhìn nhận việc kiến tạo một nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ giúp giảm gánh nặng và tác động từ hiện tượng gia tăng dân số, các vấn đề từ đô thị hóa trong đô thị đang ngày càng trở nên phổ biến.

Theo báo cáo mới nhất tại hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan đã diễn ra Đối thoại APEC về Đô thị hóa bền vững do Nhóm bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hóa tổ chức, hiện đang có khoảng 1,8 tỷ người (khoảng 60% dân số) trong khu vực sống tại đô thị. Dự kiến dân số sống trong đô thị vào năm 2050 sẽ là 2,4 tỷ người, tăng 33%; một số nền kinh tế sẽ đô thị hóa trên 80%, trong khi các nền kinh tế khác cũng tiếp tục đô thị hóa nhanh chóng và sẽ có tới 14/37 siêu đô thị của thế giới nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Những con số này đang đặt ra một bài toán khó khăn chung cho nhiều quốc gia là làm sao để vừa phát triển kinh tế bền vững vừa đảm bảo môi trường sống khỏe mạnh cho người dân.

Trong bối cảnh đó, khái niệm “Thành phố thông minh” càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn bao giờ hết khi các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều nhìn nhận việc kiến tạo một nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ giúp giảm gánh nặng và tác động từ hiện tượng gia tăng dân số, các vấn đề từ đô thị hóa trong đô thị đang ngày càng trở nên phổ biến.

Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng chung đó. Việc học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình Thành phố thông minh trên thế giới sẽ giúp ích cho việc giải quyết vấn đề quá tải ở các Thành phố lớn Việt Nam như hiện nay, trong đó TP.HCM là một điển hình. Dưới đây là một số Thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.

Thành phố Seoul – Hàn Quốc

Thành phố Seoul là một trong những thành phố dẫn đầu về quản lý điện tử. Kế hoạch Smart Seoul (2015) đã được đưa ra để khẳng định vị thế của Seoul với tư cách là Thành phố dẫn đầu công nghệ cao và duy trì khả năng cạnh tranh. Chính quyền Thành phố cũng thấy rằng sự mong đợi của công dân ngày càng tăng với một số vấn đề bao gồm: khoảng cách số, sự già hóa, giao thông, tính bền vững.

Chiến lược này là tích hợp CNTT với việc cung cấp dịch vụ. Hầu hết các dịch vụ đều do chính quyền Trung ương hoặc Thành phố cung cấp. Các giải pháp được đưa ra như:

» Phổ cập công nghệ thông tin cho người cao tuổi và người có thu nhập thấp (200.000 người/năm). Tính đến tháng 3.2012, wifi có trên tất cả các tàu điện ngầm của Seoul với mục tiêu là cung cấp wifi miễn phí và liên tục cho người dân.

» Dịch vụ an toàn U-Seoul: sử dụng định vị và CCTV cho phép phụ huynh kiểm tra đường đi của con em và có thể thông báo cho cơ quan trong trường hợp khẩn cấp.

» Dịch vụ chăm sóc U-Health: được thiết kế để cung cấp dịch vụ khám sức khỏe và ưu tiên chăm sóc y tế cho người khuyết tật và người cao tuổi bị hạn chế về di chuyển. Các ứng dụng trên điện thoại di động ở Seoul cung cấp hơn 60 dịch vụ bao gồm xác định các phòng vệ sinh công cộng gần đó và cho phép công dân đề xuất các phương pháp để cải thiện Thành phố.

» OPIS (dịch vụ vận tải và thông tin) kết hợp thông tin từ tất cả các phương tiện vận tải công cộng và liên kết với hệ thống tín hiệu giao thông để ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển công cộng. Các màn hình kỹ thuật số được lắp đặt tại các trạm tàu điện ngầm ở Seoul cung cấp hướng dẫn chi tiết và các tuyến đường tốt nhất để thực hiện khi bắt đầu và điểm đến.

» T-Money: là loại tiền dưới dạng một tấm thẻ có thể thanh toán cho mọi phương tiện giao thông công cộng.

» Cửa hàng ảo: cho phép khách hàng mua hàng từ màn hình hiển thị trong khi đợi ở bến xe buýt (sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh có thể đọc mã vạch sản phẩm).

Thành phố Toronto – Canada

Thành phố Toronto được đánh giá cao nhất về Thành phố thông minh ở Bắc Mỹ. IBM đã mở một Trung tâm Phân tích giải pháp kinh doanh tại Toronto. Toronto cũng là một thành viên tích cực của C40 (một mạng lưới các Thành phố lớn trên thế giới cam kết giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu) đang tìm cách chuyển sang nền kinh tế ít khí thải cacbonic. Khu vực tư nhân ở Toronto đang tạo ra một sáng kiến mới về phương tiện vận chuyển thông minh với hy vọng nâng cao hiệu quả vận chuyển trong khu vực đô thị. Toronto gần đây đã bắt đầu sử dụng khí đốt tự nhiên từ các bãi rác để cung cấp nhiên liệu cho xe tải thu gom rác trong Thành phố. Khi Toronto được công nhận là Thành phố thông minh nhất trên thế giới, cần phải có thời gian để đối phó với những vấn đề phát triển nhanh chóng như nhà ở giá rẻ, tỷ lệ sinh thấp và thất nghiệp tăng cao. Họ áp dụng nhiều chiến lược thành phố thông minh để cải thiện những vấn đề trên như:

Toronto có Liên minh dịch vụ tài chính Toronto (TFSA) là một công ty tư nhân độc lập dành riêng cho việc xây dựng Toronto làm trung tâm dịch vụ tài chính toàn cầu. Toronto là trung tâm của ngành công nghiệp tài chính - ngân hàng, quỹ đầu tư và phát triển, quỹ lương hưu và các công ty bảo hiểm ở Canada.

Ngành công nghiệp tài chính là động lực chủ chốt của nền kinh tế Toronto và Canada. Nó tạo ra 13 tỷ đô la lợi ích tài chính cho Chính phủ Canada, Ontario và Thành phố Toronto. Nó cũng hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp hơn 420.000 việc làm trên khắp Canada.

Toronto là nơi cung cấp thông tin công nghệ, khoa học đời sống, công nghiệp ô tô của Canada. Nhiều viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu hàng đầu của đất nước đều được đặt tại đây.

Xương sống của ngành ICT ở khu vực Toronto là cơ sở hạ tầng viễn thông. Các đường ống dữ liệu được đầu tư về chất lượng và luôn sẵn có.

Toronto tập trung một số lượng lớn lao động trình độ học vấn cao. Với hơn 220.000 người làm việc trực tiếp tại khu vực tài chính của Toronto. Do đó, Toronto là nơi có lực lượng lao động dịch vụ tài chính lớn thứ hai ở Bắc Mỹ.

Chiến lược đến nay đã có nhiều thành công rõ rệt, lực lượng lao động sáng tạo của Toronto đã tăng 34% kể từ năm 2001, gấp hơn hai lần tỷ lệ tổng số lao động. Văn hóa và nghệ thuật đóng góp 11,3 tỷ đô mỗi năm cho GDP của Thành phố. Toronto có tỷ lệ tội phạm thấp nhất trong các thành phố ở Canada.

Thành phố Jakarta - Indonesia

Ở Indonesia, thuật ngữ “Thành phố thông minh” thường dùng để chỉ việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để theo dõi, tự động hóa cơ sở hạ tầng và hoạt động của Thành phố. Cụ thể, nó bao gồm việc sử dụng cảm biến không dây trong toàn Thành phố để theo dõi và thu thập dữ liệu để cải tiến quy hoạch, tăng hiệu suất, giảm chi phí hoặc thậm chí cung cấp các dịch vụ mới. Khó khăn ở đây là cần có một khoản vốn đầu tư khổng lồ để thực hiện các giải pháp dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông trên toàn quốc gia. Theo một nghiên cứu gần đây, lưu lượng dữ liệu của Indonesia dự báo sẽ tăng lên 6 lần, từ 84 exabyte năm ngoái lên 656 exabyte vào năm 2020. Nhiều chiến lược đã được xây dựng và các giải pháp ở đây đã áp dụng như:

Bộ trưởng Công nghệ Indonesia đang tìm cách hợp thức hóa việc xây dựng mạng viễn thông mới và yêu cầu ba hãng viễn thông lớn của nước này đệ trình kế hoạch. Nhằm đảm bảo rằng việc đẩy mạnh cơ sở hạ tầng viễn thông có hiệu quả trên toàn quốc và không chỉ giới hạn tại Jakarta. IndiHome là một gói dịch vụ viễn thông gồm internet tốc độ cao, truyền hình cáp và dịch vụ điện thoại tại nhà.

Năm 2015, Telkom (công ty dịch vụ viễn thông lớn nhất ở Indonesia) đang xây dựng một mạng cáp quang có khả năng phục vụ tới ba triệu khách hàng của gói IndiHome. Tất cả những điều này là một phần trong sáng kiến kết nối toàn bộ quần đảo từ Aceh, Bắc Sumatra đến Papua ở Đông Indonesia.

Nhờ những nỗ lực này, mỗi ngày hơn 2.000 khách hàng mới đăng ký dịch vụ IndiHome của Telkom, theo báo cáo của công ty truyền thông Detik. Cáp quang cho phép truyền dữ liệu với tốc độ cao. Điều đó có nghĩa là giảm “khoảng cách số” tại đảo quốc này, có thể coi đây là xúc tác cho giáo dục, giảm bớt đi sự khác biệt về văn hóa giữa các hòn đảo.

Thành phố Barcelona – Tây Ban Nha

Hai tác giả Wareham và Zygiaris (2013) đã phân tích chiến lược xây dựng thành phố thông minh ở Barcelona - thành phố lớn thứ hai ở Tây Ban Nha. Barcelona đang triển khai công nghệ để biến mình thành một Thành phố thông minh và cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức toàn cầu, phân tích sự chuyển đổi của Barcelona trong các lĩnh vực của Thành phố thông minh về sự quản lý; trình điều khiển, tắc nghẽn, điều kiện và tài sản. Thành phố thông minh đã được bắt đầu thúc đẩy đổi mới, tạo ra các kênh truyền thông mới, tạo điều kiện tiếp cận tới thông tin cả ở địa phương và quốc tế và nâng cao hiệu quả dịch vụ công cộng.

Bốn nhân tố chính trong mô hình Thành phố thông minh của Barcelona là quản trị thông minh, kinh tế thông minh, cuộc sống thông minh và con người thông minh. Các sáng kiến Thành phố thông minh được đưa ra và giải quyết triệt để, cải cách cụ thể ở từng lĩnh vực dựa vào yếu tố chính đó là ICT để phát triển cải tạo từng lĩnh vực. Điểm yếu rút ra trong mô hình này là chưa thông qua phân tích định lượng khảo sát ý kiến sáng tạo của người dân ở Barcelona mà chỉ đứng trên quan điểm của các nhà chính trị. Bốn nhân tố chính được đưa ra mang tính khái quát cao nhưng vẫn còn thiếu một số nhân tố để phát triển Thành phố thông minh một cách toàn diện.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thành phố thông minh: Xu hướng tất yếu của sự phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO