Tết Nhâm Thìn 2012 đang đến gần. Ghi nhận của phóng viên tại các vùng trồng đào, quất của Thủ đô, trong khi quất đang hứa hẹn một vụ mùa bội thu thì người dân trồng đào lại nơm nớp lo bởi nhiều cây đào đã sớm khoe sắc thắm. |
Thời tiết có khắc nghiệt đến đâu, người trồng đào vẫn có thể xử lý và tạo ra được những cành đào Nhật Tân đẹp nhất chào đón Tết Ảnh: Hoàng Long "Đánh bạc” với thiên nhiên Có mặt tại vườn đào Nhật Tân (Hà Nội) vào những ngày này, chúng tôi bắt gặp một bầu không khí vô cùng khẩn trương, tất bật. Tại các luống trồng đào, các chủ vườn đều đang tỉ mỉ thực hiện các công đoạn cuối cùng như cắt cành, tuốt lá... Năm nay, diện tích trồng đào Nhật Tân vào khoảng 38ha, tăng 2ha so với năm 2011, được HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Nhật Tân khoán cho hơn 800 hộ gia đình. Ông Nguyễn Trọng Mẫn – Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: "Đầu năm nay, thời tiết rất thuận lợi cho sự phát triển của cây đào. Song, tầm tháng 7, 8 âm lịch, giai đoạn hãm đào để tạo mắt hoa, lá thì thời tiết lại chuyển mưa nhiều nên công đoạn tạo mắt hoa bị ảnh hưởng, đa phần trở thành mắt lá”. Ông Chu Văn Hường (cụm 2, phường Nhật Tân), chủ của hơn 300 gốc đào bày tỏ nỗi lo: "Thời tiết năm nay ảnh hưởng nhiều tới cây đào, nếu năm ngoái, tiết trời rét, chúng tôi phải tăng cường bón phân, tưới nước để lấy lực phát triển cho đào thì năm nay lại trái ngược, nắng ấm khiến đào bung nở, gia đình tôi đã phải bán rẻ nhiều cây đào với giá chỉ bằng 1/3 giá đào bán trúng ngày Tết”. Cùng chung hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Hùng (cụm 2, phường Nhật Tân) chia sẻ: "Làm cái nghề này thì phải phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, gần như đánh bạc với thiên nhiên. Trời rét quá thì đào non, khó nở. Trời nắng ấm thì đào nở sớm. Thêm vào đó, trước kia, chúng tôi trồng đào ở trong đồng, công tác gieo trồng gặp nhiều thuận lợi hơn do chất đất màu mỡ. Giờ diện tích đất bị thu hẹp, đất ở ngoài bãi là đất pha cát nên người dân phải tốn thêm nhiều công sức cải tạo đất”. Vào thời điểm này, đa phần các vườn đào cũng đã thu hút khách đến xem nhưng theo các chủ vườn, phần lớn vẫn là khách quen, phải chừng 20 Tết mới có thể biết số phận vườn đào năm nay ra sao. Trái ngược với nỗi lo của người trồng đào, tại vùng quất Quảng Bá, Tứ Liên... người nông dân đang rất vui mừng hoàn tất những công đoạn cuối cùng trước Tết. Tại các vườn quất, những cây quất to, trĩu quả, độ chín vừa phải chỉ chờ ngày đón Tết. Chị Huê – chủ vườn quất Hùng Huê (Quảng Bá) cho biết, năm nay, gia đình chị có từ 600-700 gốc quất với đủ kích cỡ, chủng loại và hiện 100 cây đã có khách đặt mua. Khác với đào, ngay từ tháng 5, 6 âm lịch, người trồng quất đã có thể dự đoán vụ mùa của quất, bởi vậy, chị Huê khẳng định, vườn quất của chị chắc chắn 100% trúng mùa. Tại nhà vườn Thắng Nga (Tứ Liên), ông bà chủ vườn cũng đang bận rộn dùng dây thép uốn nắn cành quất. Ông Thắng không giấu nổi niềm vui chia sẻ: "Việc trồng quất cũng phụ thuộc vào thời tiết song không bị ảnh hưởng mạnh như đào. Năm nay nhà tôi có khoảng 200 gốc quất, dù không được nổi trội như Tết 2011 nhưng cũng chắc chắn không mất mùa”. Tăng giá vẫn hút khách So với Tết 2011, chủ các vườn đào, quất đều khẳng định, giá đào, quất sẽ tăng từ 10%-30%. Lý giải mức giá mới này, chị Huê cho rằng: So với trồng đào, người trồng quất phải đầu tư hơn rất nhiều. Với đào thì có thể chỉ phải mua giống một lần, nhưng quất thì năm nào cũng cần mua giống mới, cộng với công chăm sóc khổ cực hơn nhiều, thêm nữa, năm nay, giá nhân công, phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng mạnh... nên giá quất tăng cũng là điều dễ hiểu. Như mọi năm, chị Huê chỉ tốn khoảng 300.000 đồng/người/ngày công gò quất thì nay tăng lên 400.000 - 450.000 đồng. Website cây xanh và cây văn phòng tại Việt Nam Về phía HTX, ông Mẫn cho biết, HTX chỉ có thể hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật, tuyên truyền cách chăm sóc như thời điểm bón phân, loại thuốc trừ sâu... HTX cũng đã cố gắng hỗ trợ thêm về phân bón cho người dân song do thiếu vốn nên cũng không nhiều. Thế nhưng, dù gặp nhiều khó khăn, song do có kinh nghiệm truyền đời từ xưa, cộng với sự ưu đãi của thiên nhiên với vùng đất Nhật Tân (nằm giữa Sông Hồng và Hồ Tây, có không khí ẩm, chất đất tốt cho sự phát triển cây đào), do đó, ông Mẫn rất tự tin khẳng định, dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu, người trồng đào vẫn có thể xử lý và tạo ra được những cành đào Nhật Tân đẹp nhất chào đón Tết, giữ vững thương hiệu cho đào Nhật Tân. Như năm ngoái, dù đa phần đào mất mùa, song những nhà vườn có kinh nghiệm nơi đây vẫn có thu nhập ổn định, thậm chí còn cao hơn bình thường. "Hiện nay, mong mỏi lớn nhất của người trồng đào Nhật Tân là thành phố tổ chức một vùng quy hoạch đặc thù riêng, ổn định để người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, không phải lo nỗi lo thiếu đất”. Nguyễn Nga |