Thị trường Châu Phi: tận dụng cơ hội để trụ vững

10/06/2014 18:29

(VLR) Trong khi các sản phẩm hàng hóa XK của VN đang gặp khó khăn ở các nước phát triển do nhiều nguyên nhân như khủng hoảng kinh tế, bảo hộ thương mại bằng các rào cản kỹ thuật, sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều quốc gia khác... thì kim ngạch XK sang thị trường châu Phi luôn có tốc độ tăng trưởng cao.

Trong khi các sản phẩm hàng hóa XK của VN đang gặp khó khăn ở các nước phát triển do nhiều nguyên nhân như khủng hoảng kinh tế, bảo hộ thương mại bằng các rào cản kỹ thuật, sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều quốc gia khác... thì kim ngạch XK sang thị trường châu Phi luôn có tốc độ tăng trưởng cao.

Liệu các DNVN có xây dựng được các chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm mở rộng và trụ vững tại thị trường đầy tiềm năng này hay không? Nhất là mối quan hệ chính trị - kinh tế giữa VN và các nước châu Phi đang phát triển tốt đẹp.

THỊ TRƯỜNG ĐẦY TIỀM NĂNG

Trước đây, châu Phi bị phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế châu Âu và thế giới thì trong nhiều năm gần đây, nhiều quốc gia trong khu vực này đã tìm cách vực dậy nền kinh tế dựa vào những nguồn nội lực, nhất là tài nguyên khoáng sản, trong đó có dầu lửa. Năm 2013, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự báo, trong số 20 quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng cao nhất giai đoạn từ 2013-2017, thì châu Phi có tới 13 đại diện bao gồm Libi, Guinea, Nam Sudan, Rwanda, Gambia, Côte dIvoire, Ghana, Zambia, Mozambique, Cộng hòa Congo, Tanzania, Kenya và Ethiopia.

Sự phát triển nhanh chóng và tăng trưởng cao của nền kinh tế, cũng sẽ giúp cải thiện đời sống của nhân dân. Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy, năm 2012, 65 triệu người châu Phi có mức thu nhập trên 3000 USD/năm và con số này sẽ tăng lên 100 triệu người vào năm 2015.

Dân số đông và không ngừng gia tăng cũng khiến cho nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng cao. Trong khi đó trình độ sản xuất vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, vì vậy châu Phi phải NK rất nhiều sản phẩm hàng hóa từ nước ngoài nhằm đáp ứng được nhu cầu trong nước, nhất là các sản phẩm phục vụ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Do đó thị trường châu Phi được đánh giá rất tiềm năng cho các nước XK trong đó có VN.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cùng với mối quan hệ chính trị không ngừng ở rộng, mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa VN và châu Phi luôn tăng trưởng cao. Nếu như năm 1991 thị trường XNK của VN sang thị trường khu vực châu Phi chỉ có 3 nước, thì hiện nay VN đã có quan hệ XNK hàng hoá với hơn 50 quốc gia trong khu vực này. Năm 2002, kim ngạch thương mại hai chiệu chỉ đạt 196 triệu USD, nhưng đến 2013, con số này đã lên tới 4,29 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2012.

Những mặt hàng XK chủ yếu của VN bao gồm máy móc thiết bị, lương thực thực phẩm (hàng nông sản & thủy sản), quần áo, giày dép, thiết bị & linh kiện điện tử... Ngược lại, VN NK những mặt hàng nguyên liệu đầu vào quan trọng như hạt điều, bông, gỗ, dầu thô, khoáng sản, sắt thép phế liệu… từ châu Phi để phục vụ ngành công nghiệp chế biến trong nước.

Tuy nhiên, hoạt động XNK không phải là không có trở ngại, thách thức. Với vị trí địa lý xa xôi, trình độ dân trí chưa phát triển, cùng với đói nghèo nên nhiều nước châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh - chính trị - xã hội. Việc giao thương mua bán, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển vẫn là những lo ngại cố hữu của bất kỳ DNXK ở hầu hết các quốc gia. Qua hoạt động thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất mà các DNXK của VN gặp phải đó là năng lực tài chính có hạn, dẫn đến khâu thanh toán (thường trả chậm); tập quán kinh doanh (mua CIF); thông tin về thị trường, DN chưa minh bạch (có thể bị lừa đảo), chi phí vận chuyển tăng cao do có nhiều rủi ro.

CẦN TRANH THỦ CƠ HỘI

Tại nhiều cuộc tiếp xúc song phương tại Hà Nội gần đây, các đại diện đến từ châu Phi luôn đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội mà VN đạt được và mong muốn được phát triển mối quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế thương mại.

Các chuyên gia cho rằng, có lẽ bối cảnh lịch sử quá khứ giữa VN và các nước châu Phi có nhiều điểm tương đồng vì cùng là nước thuộc địa. Công cuộc đấu tranh giành độc lập, phát triển kinh tế ở VN còn là bài học khích lệ họ, do vậy hầu hết các nước châu Phi luôn giành cho VN nhiều thiện cảm. Thêm vào đó, từ nhiều năm qua, Chính phủ, cùng các Bộ ngành cũng đã đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại nhằm tạo cơ hội cho hàng hóa xâm nhập vào thị trường này.

Trong bối cảnh thị trường hàng hóa XK của VN đang gặp khó khăn ở các thị trường phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản... do những đối thủ khác, cũng như phong trào bảo hộ thương mại với những hàng rào kỹ thuật khắt khe, thì thị trường châu Phi lại tương đối dễ chịu. Bởi vì tâm lý tiêu dùng, các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa phải là vấn đề quá lớn. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, hệ thống hạ tầng, phương tiện giao thông, logistics cũng đang góp phần tạo điều kiện cho mối quan hệ giao thương hàng hóa phát triển dễ dàng.

Thị trường đầy tiềm năng, chính sách của nhà nước rõ ràng và thuận lợi, có ưu thế cạnh tranh là những yếu tố căn bản và là cơ hội lớn cho các DNVN đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến thương mại, thâm nhập và trụ vững tại thị trường châu Phi nếu biết tận dụng. Đặc biệt phải có chiến lược, kế hoạch cụ thể, triển khai nhanh chóng, bên cạnh đó phải không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu không sẽ đánh mất ưu thế cạnh tranh, nhất là các quốc gia lân cận cũng đã và đang có kế hoạch tấn công thị trường này.

Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục những hạn chế nêu trên, đẩy mạnh XK. Nhà nước tiếp tục ký kết và triển khai thực hiện các thỏa thuận cấp cao. Tăng cường thêm đại diện thương mại tại nhiều nước châu Phi nhằm chắp nối các cơ hội hợp tác, làm đầu mối thông tin, xử lý tranh chấp, giảm thiểu các rủi ro cho DN. Còn các DNVN cần phối hợp, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, ưu tiên, lựa chọn những sản phẩm thế mạnh để xuất khẩu. Thậm chí có thể đầu tư trực tiếp vào một số lĩnh vực sản phẩm ở các thị trường có nhu cầu cao.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thị trường Châu Phi: tận dụng cơ hội để trụ vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO