Ngày 28.8.2012 vừa qua, Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo: Thị trường Hoa Kỳ - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Hội thảo đã thu hút đông đảo các trong nghiệp trong nước.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 10,83 tỉ USD bảy tháng đầu năm 2012, tăng 16,14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các mặt hàng như dệt may, giày dép là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực .
Với mục tiêu kim nghạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 20 tỷ USD, cần có sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp, vì thế hội thảo lần này được tổ chức “nhằm cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam những thông tin cập nhật về thị trường Hoa Kỳ trong giai đoạn kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những thông tin về môi trường pháp luật, cách tiếp cận thị trường và những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý khi kinh doanh” , bà Lê Hoàng Oanh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Duy Khiên - Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Mỹ - Bộ Công Thương, cho rằng “ Năm 2011, giá trị nhập khẩu của Hoa Kỳ đạt 2.300 tỷ USD, cho nên thị trường Mỹ có nhiều tiềm năng và là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết tận dụng. Do giá thành lao động cao nên các ngành sản xuất mà sử dụng nhiều lao động ở Mỹ không phát triển nên họ chỉ tập trung vào ngành công nghệ cao; bên cạnh đó dân số đông, đa chủng tộc, tâm lý tiêu dùng thoải mái, cộng với thị trường Mỹ không khó tính như thị trường Nhật và Tây Âu và họ có xu hướng tìm nhiều nguồn cung để đa dạng thị trường cũng như tránh rủi ro, lệ thuộc. ”
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải vì là “người đến sau” trong sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc và các nước châu Á. Trong khi các quốc gia khác đã trở thành bạn hàng đối tác, quen với thị trường Mỹ từ rất lâu thì Việt Nam mới chỉ chính thức thâm nhập thị trường Hoa Kỳ trên dưới 10 năm. Những rào cản về thương mại, luật pháp, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, môi trường, ... luôn là những trở ngại mà hàng hoá Việt Nam đang gặp phải. Một trong những điểm yếu nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải là khâu thâm nhập thị trường, bao gồm từ việc nghiên cứu thị trường, các yếu tố liên quan đến sản phẩm, xu hướng tiêu dùng, phương thức xúc tiến thương mại... đơn cử như muốn sản xuất một cái phích điện, thì doanh nghiệp phải biết ở Mỹ họ dùng sản phẩm chân dẹt, hoặc một cái ghế đang dùng trong điều kiện bình thường bị gãy, gây hậu quả cho người sử dụng thì nhà sản xuất sẽ bị kiện vì thiết kế, sản xuất...không an toàn. Nhiều sản phẩm nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ giá thành cao do cồng kềnh dẫn đến chi phí đóng gói và vận chuyển quá lớn nên không thể cạnh tranh, hoặc cách bán hàng qua hội chợ tại Mỹ là không hiệu quả, vì sẽ gây mâu thuẫn và cạnh tranh với chính những nhà nhập khẩu tại Mỹ.
Để thâm nhập thị trường Mỹ, ông Lê Xuân Dương – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu – Cục xúc tiến thương mại cho rằng doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc đầu tư cho lĩnh vực sản xuất thì nên xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, marketing thông qua các hội chợ, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, các nhà bán lẻ, hoặc thành lập văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ và tận dụng thương mại điện tử để tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Nhằm cạnh tranh có hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý đến các hoạt động Logistics, trong đó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là một lợi thế để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh đối với các quốc gia khác.
Tại hội thảo nhiều doanh nghiệp cũng đặt các câu hỏi liên quan đến việc thành lập văn phòng đại diện, hoặc các cơ chế chính sách khác của nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thâm nhập được thị trường Hoa Kỳ.