Các trung tâm thương mại trong khu dân cư đang giữ vai trò quan trọng khi đáp ứng nhu cầu mua sắm thiết yếu của người dân
Theo Savills, doanh thu bán lẻ tại Hà Nội cũng giảm trong vài tháng gần đây, riêng trong tháng 6 giảm 9% so với năm trước. Song, nhờ các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ trong các đợt dịch trước, Hà Nội đã đạt mức tăng 7 điểm theo năm trong nửa đầu năm 2021. Nhìn chung, xu hướng tiêu dùng bán lẻ trong thời gian này vẫn có những điểm sáng nhất định mà các nhà đầu tư nên lưu ý.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội nhận định: “Trung tâm thương mại đang dần chiếm một vị trí không thể thay thế đối với người dân Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Đây không còn chỉ là nơi để mua sắm mà đã trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt đối với các gia đình sống trong những căn hộ nhỏ và không đầy đủ tiện nghi vui chơi giải trí. Xu hướng phát triển các trung tâm thương mại trong tương lai cũng được cân nhắc tích hợp trong các dự án phức hợp nhà ở hoặc kết nối trực tiếp vào tuyến tàu điện ngầm của đô thị”.
Báo cáo Tổng quan Thị trường 6 tháng đầu năm 2021 của Savills Việt Nam cũng cho thấy, do không có nguồn cung mới, tổng nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội trong quý II/2021 ghi nhận đạt khoảng 1,6 triệu m2, ổn định theo quý và tăng 2% theo năm. Khu vực Nội thành với thị phần 42% ghi nhận mật độ bán lẻ cao nhất là 0.48 m2/người.
Theo Savills, bán lẻ tại Việt Nam cũng đang đón nhận mô hình phát triển mới tương tự với các nước trên thế giới, đó là sự bùng nổ của các loại hình giải trí, F&B và e-Sport tại các trung tâm thương mại. Các trung tâm thương mại trong tương lai sẽ rất khác so với 5 - 10 năm trước.
“Để có thể tồn tại, thích ứng và phát triển trước những thách thức hiện hữu này, mặt bằng cho thuê bán lẻ cần đa dạng hóa bằng cách bổ sung thêm các ngành hàng ăn uống và cung cấp các dịch vụ đa dạng hơn, thậm chí cả không gian làm việc. Trong tương lai, sẽ khó để có thể thấy trung tâm thương mại tồn tại chỉ với 100% khách thuê bán lẻ và giải trí”, báo cáo của Savills nhấn mạnh.
Nghiên cứu của Savills toàn cầu cũng chỉ ra xu hướng ổn định của trung tâm thương mại. Các siêu thị vẫn luôn được mở xuyên suốt, giữ doanh số ổn định trong dịch. Dữ liệu của Savills cho thấy vào năm ngoái, khối lượng giao dịch siêu thị toàn cầu cao hơn 40% so với mức trung bình của 5 năm trước đó.
Ví dụ điển hình là Trung Quốc - quốc gia có tỷ lệ thâm nhập của thương mại điện tử cao nhất thế giới với gần 1/3 các giao dịch bán lẻ diễn ra trực tuyến - khi nền kinh tế được mở cửa trở lại, các trung tâm thương mại tại đây vẫn ghi nhận số lượng lớn người tiêu dùng tới và mua sắm. Bất động sản bán lẻ tại các thị trường như Trung Quốc đã phát triển và thích ứng trước sự bùng nổ của thương mại điện tử, cho phép các nhà bán lẻ châu Á và các chủ mặt bằng bán lẻ nắm bắt được hình thức kinh doanh đa kênh nhanh chóng hơn so với các thị trường tại châu Âu và Mỹ.
Cũng theo Oxford Economics, từ năm 2010 đến 2020 tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm trong doanh số bán lẻ tại châu Á - Thái Bình Dương cao gấp đôi so với các nước khác trên thế giới. Doanh số bán lẻ tại đây được dự báo sẽ tiếp tục tăng và chiếm khoảng một nửa doanh số bán lẻ toàn cầu vào năm 2030. Nguồn cung bán lẻ tại đây cũng được xem là tương đối thiếu so với nhu cầu thực tế. Riêng tại Trung Quốc, mật độ bán lẻ chỉ bằng một nửa so tại Úc, và hiện chỉ số này chỉ tăng tại mức 1%/năm.