Quang cảnh cuộc họp - Ảnh: N.Linh
Xung quanh vấn đề này, chiều ngày 23/4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với hải quan một số tỉnh, thành phố về Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK. Cuộc họp có sự tham dự của một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính và DN chuyển phát nhanh, bưu chính.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, việc xây dựng Đề án hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi hoạt động thương mại điện tử phát triển. Phó Tổng cục trưởng cho biết hiện nay trên thế giới thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng. Tại Việt Nam thương mại điện tử đang có xu hướng phát triển.
Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn áp dụng quy định pháp luật của hoạt động thương mại truyền thống để quản lý hoạt động thương mại điện tử. Do vậy, cần có sự sửa đổi, bổ sung để đáp ứng nhịp đập của thị trường. “Không thể đưa quy định truyền thống để áp đặt vận dụng vào quản lý thương mại điện tử. Bởi trong môi trường điện tử, sự hiện diện của chứng từ không còn đơn thuần là những bản hợp đồng, và hoạt động thanh toán cũng không giống như các đơn hàng truyền thống”-Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách quản lý cũng phải đảm bảo mục tiêu chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép vũ khí, các chất ma túy, chất nỗ… vào thị trường Việt Nam qua thương mại điện tử.
Song song, đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đảm bảo tính liên kết, đồng bộ với các bộ, ngành, qua đó tạo sự thông thoáng cho hoạt động thương mại này.
Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh sản phẩm của Đề án trước mắt phải giải quyết được các vấn đề: Thứ nhất là pháp lý; thứ hai là hạ tầng; thứ ba là quy trình thủ tục.
Theo ban soạn thảo Đề án, hiện nay, thương mại điện tử tại nước ta đã bước sang giai đoạn phát triển nhanh. Sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử cho thấy người tiêu dùng Việt Nam không còn xa lạ trong việc mua hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đặc điểm nổi bật của thương mại điện tử xuyên biên giới là thời gian để đưa ra các giao dịch là rất nhanh, thuận tiện trong việc thnah toán, nhận hàng. Do đó, cơ quan quản lý cũng cần thay đổi theo hướng đơn giản, nhất quán, minh bạch, không phân biệt và tìm ra những biện pháp quản lý nhằm giải phóng nhanh hàng hóa trong khi vẫn phải đảm bảo yêu cầu về tuân thủ pháp luật.
Tại cuộc họp các đại biểu tham dự đã thảo luận các nội dung xoay quanh hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, những vấn đề xoay quanh thảo luận tập trung vào mô hình và phương thức quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, các vấn đề về liên quan đến trị giá, tính thuế, kiểm tra chuyên ngành và thời gian thông quan.
Những ý kiến của các đơn vị dự hội nghị sẽ được Tổng cục Hải quan ghi nhận, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án trình lãnh đạo các cấp. Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cũng đề nghị các DN chuyển phát nhanh, bưu chính tiếp tục nghiên cứu, có những sáng kiến, đề xuất với Tổng cục Hải quan để xây dựng mô hình quản lý hoạt động thương mại điện tử đáp ứng xu hướng hiện nay.
Tại Quyết định 1254/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng và triển khai Đề án tổng thể quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK nhằm mục đích kết nối các cơ quan chính phủ và các bên trong chuỗi cung ứng (bao gồm: các ngân hàng thương mại, bảo hiểm, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics,...) liên quan đến các hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK trên nền Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, bao gồm: Hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính nhằm quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK; Thiết lập cơ chế thanh toán, bảo lãnh và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giao dịch và thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK.