Gia nhập ASEAN được xem là bước đột phá đối với Việt Nam, tạo nền tảng cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia xu thế toàn cầu hóa cũng như tự do hóa thương mại
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và ASEAN năm 2019 đạt 57 tỷ USD, tăng gấp 10 lần cách đây 25 năm và chiếm tỷ trọng 11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan. Bên cạnh đó, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, chỉ đứng sau thị trường Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Cán cân thương mại hàng hóa luôn nghiêng về thâm hụt với các nước ASEAN và trong suốt 20 năm gia nhập, Việt Nam chưa từng đạt thặng dư thương mại với khối này. Tuy nhiên, sự thâm hụt này là cần thiết không đáng lo ngại. Bởi Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong khi thị trường ASEAN với lợi thế địa lý rất gần Việt Nam nên chi phí vận tải thấp, giá nguyên vật liệu có xuất xứ ASEAN lại khá thấp, thuế nhập khẩu các mặt hàng này cũng hầu hết 0% do ưu đãi đặc biệt trong quan hệ của các nước ASEAN nên việc thâm hụt này có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, quan sát biểu đồ chúng ta thấy mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân cao hơn mức tăng trưởng nhập khẩu bình quân của Việt Nam trong ASEAN từ 3% - 5% hàng năm nên mức độ thâm hụt cũng ngày dần thu hẹp và trong giới hạn kiểm soát được và có thể tiến tới cân bằng trong tương lai. Tuy nhiên, xét từng quốc gia riêng lẻ, Việt Nam thặng dư thương mại với các nước Campuchia, Philippine, Myanmar và Lào. Việt Nam đều thâm hụt thương mại với các nước còn lại. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu nhiều sang các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Campuchia và Philipines. Nhập khẩu chủ yếu từ các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore.
Trước năm 2010, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường ASEAN là các mặt hàng truyền thống như dầu thô và gạo. Đến nay, mặt hàng xuất khẩu sang ASEAN rất phong phú. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang ASEAN là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng... với nhiều ngành có lợi thế cạnh tranh bộc lộ. Một số mặt hàng có hàm lượng công nghệ như thiết bị ảnh, thép mạ và tàu đã xuất hiện trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong cơ cấu xuất khẩu của nền kinh tế. Ngoài ra, một số sản phẩm xuất khẩu là thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam như hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, cao su cũng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường ASEAN. Sự gia tăng trong xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường ASEAN do 2 yếu tố, một là nhu cầu thị trường tăng và hai là khai thác các lợi thế có sẵn.
Thực tế đã chứng minh, xuyên suốt chặng đường 25 năm là thành viên tích cực trong ASEAN, dù là thành viên đến sau, trình độ phát triển còn khoảng cách với nhiều nước, nhưng Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN trên cả ba trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Từ một quốc gia kém phát triển, ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và bị bao vây cấm vận, ngay sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình, cũng như tại các cơ chế hợp tác toàn cầu. Trong một phần tư thế kỷ gắn bó với ASEAN, Việt Nam để lại nhiều dấu ấn đậm nét được bạn bè và đối tác ghi nhận. Không quá lời khi nói rằng việc gia nhập ASEAN đã giúp nâng tầm vị thế Việt Nam, tạo cơ sở giúp Việt Nam đẩy nhanh hơn tiến trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để tiếp tục hướng tới phát triển và hợp tác khu vực bền vững, công cuộc hội nhập kinh tế ASEAN, Việt Nam cần có những định hướng, chính sách phù hợp.
Chính phủ nên cung cấp thêm cho doanh nghiệp và người dân những thông tin, hiểu biết về Cộng đồng kinh tế ASEAN, bao gồm các chương trình truyền thông, cung cấp nhiều ấn phẩm, tài liệu tham khảo; tổ chức hội thảo liên tục hàng năm ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Chính phủ cũng nên có giải pháp tái cơ cấu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; bổ sung thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, nghiên cứu và dự báo thị trường, đổi mới công nghệ, bảo vệ thương hiệu, đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường vai trò hỗ trợ và liên kết của các hiệp hội ngành hàng. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp và người dân cần có sự chủ động chuẩn bị và phối hợp với Chính phủ như chủ động tiếp cận thông tin về Cộng đồng kinh tế ASEAN, tích cực nắm bắt các chính sách của Chính phủ nhằm tận dụng sự hỗ trợ về đầu tư, kinh doanh và phát triển phù hợp với định hướng nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng trong sản xuất của Việt Nam trong thời gian tới.