Tiến sĩ Lê Thanh Hải: "Người đi buôn tri thức"

02/03/2017 09:49

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Quyển sách Giá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết của Tiến sĩ Lê Thanh Hải được tổ chức giới thiệu bằng hình thức tọa đàm tại Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ở TP.Hồ Chí Minh nhân dịp tác giả từ Luân Đôn về Việt Nam tham dự Hội thảo Việt Nam học lần 5 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, chủ đề mà trong quyển sách mới, tác giả cũng đã chạm tới nhiều vấn đề về cách kết nối từ vốn tri thức được tiếp nhận và trải nghiệm với những giá trị cốt lõi, không riêng nền kinh tế mà còn ở nhiều lĩnh vực nhân văn, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

(Vietnam Logistics Review) Quyển sách Giá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết của Tiến sĩ Lê Thanh Hải được tổ chức giới thiệu bằng hình thức tọa đàm tại Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ở TP.Hồ Chí Minh nhân dịp tác giả từ Luân Đôn về Việt Nam tham dự Hội thảo Việt Nam học lần 5 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, chủ đề mà trong quyển sách mới, tác giả cũng đã chạm tới nhiều vấn đề về cách kết nối từ vốn tri thức được tiếp nhận và trải nghiệm với những giá trị cốt lõi, không riêng nền kinh tế mà còn ở nhiều lĩnh vực nhân văn, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Suốt trong bốn giờ với nhiều ý kiến trao đổi học thuật, đối thoại, tranh luận với tác giả của khách mời tham dự đã tạo nên không khí tranh biện khoa học (một cuộc tọa đàm đúng nghĩa có được từ quyển sách này mà lần đầu tôi tham dự), cho thấy phần nào buổi tọa đàm đã làm việc theo tinh thần mà Immanuel Kant, một trong những triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại, có tầm ảnh hướng đối với nhân loại, đối với ngày hôm nay, và đối với cả mỗi con người ít nhiều ưu tư về thời cuộc có mặt trong căn phòng nhỏ hôm ấy; những điều mà triết gia này đặt ra cách đây gần 300 năm, như: tôi có thể biết được gì, tôi có thể hy vọng được gì, tôi nên làm gì… vẫn còn là, và có lẽ, sẽ luôn là những vấn đề được tác giả Lê Thanh Hải cũng như các nhà khoa học tiếp tục đề cập, tiếp tục tìm kiếm lời giải cho vấn đề nhân sinh vừa hiện đại vừa cổ xưa, bằng góc nhìn và tầm nhìn của một trí thức trong nền kinh tế nối kết của một thế giới tưởng như phẳng nhưng còn rất nhiều khoảng cách và lắm hố sâu cách biệt.

Buổi tọa đàm về quyển sách Giá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết mà người tham dự là nhà văn, nhà báo, luật sư, nhà khoa học, là giảng viên của nhiều trường đại học… với một tiệc rượu nho nhỏ mà tác giả gọi vui là bữa tiệc Kant, kéo dài hơn bốn giờ đồng hồ.

Tiến sĩ Lê Thanh Hải

Rút ngắn khoảng cách biệt và san lấp những hố sâu ngăn cách sẽ mãi là mơ ước, là ảo vọng, cũng theo tinh thần của Kant, nếu thiếu đi thiện ý. Thiện ý, còn là lòng nhân, là biết hy sinh lợi ích bản thân, là mối quan hệ tốt đẹp với người khác, với cộng đồng, với xã hội. Thiện ý, điều mà Tiến sĩ Lê Thanh Hải, bằng sự nỗ lực không ngừng suốt hơn hai mươi năm với hành trình tri thức, vừa kiếm tìm vừa dò dẫm kết nối và nối kết, đã gặt hái được mùa hoa trái, mà trong buổi tọa đàm, tác giả đã có đủ tự tin để nói: “Tôi là một người đi buôn tri thức, buôn từ trong nước ra thế giới và ngược lại”.

“Món hàng” đầu tiên của “chuyến buôn” đầu tiên là quyển sách Khảo cổ học bình dân Nam Bộ - Việt Nam - từ thực nghiệm đến lý thuyết của đồng tác giả là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu và Tiến sĩ Lê Thanh Hải, được Tiến sĩ Lê Thanh Hải dịch sang tiếng Anh và giới thiệu với quốc tế. Quyển sách chứa đựng hầu hết những kiến thức khảo cổ liên quan đến lịch sử và cả các vấn đề về nhân học, văn hóa, các nghi thức phong tục của vùng đất Nam Bộ. Quyển sách được khoa Khảo cổ Đại học Oxford đánh giá cao và đã mời hai tác giả sang dự hội thảo.

Sau “chuyến buôn” thành công đầu tiên, song song với công việc của một người làm công tác nghiên cứu khoa học ngành xã hội và triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, giảng viên thỉnh giảng nhiều trường đại học ở một số nước và đang sống và làm việc tại Vương quốc Anh, Lê Thanh Hải đã dành nhiều tâm sức viết sách và lần lượt ra mắt độc giả Việt Nam. Sau truyện dài Cơn mơ trong tuyết (Nxb. Văn Nghệ TP.HCM, 2007) và quyển sách đồng tác giả Khảo cổ học bình dân Nam Bộ - Việt Nam - từ thực nghiệm đến lý thuyết (Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2010); Lê Thanh Hải viết tiếp ba quyển sách: Warszawa thân yêu, tập du ký (Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, TP.HCM, 2010); Nếm Sake ở Kobenhavn, tập du ký (Nxb. Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, 2015 và quyển sách mới nhất Giá trị thặng dư trong nền kinh tế nối kết, sách lý luận (Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2016).

Quyển sách đầu tay có yếu tố hư cấu với ít nhiều chất văn chương, quyển sách thứ hai giàu trữ lượng cảm xúc, ký ức, ba quyển sách còn lại đều có điểm tương đồng, mà tác giả đem lại cho độc giả là “tạo ra được một không gian riêng cho tri thức bản địa - tri thức Việt Nam trong hệ tọa độ thế giới, được khu vực và thế giới công nhận” tức là đem tri thức nước ngoài với giá rẻ về VN để ai cũng có thể tiếp nhận được và đem tri thức Việt Nam ra nước ngoài chào hàng với giá cao để xứng đáng với công sức lao động của người Việt đã bỏ ra”. Đây là lý do để tác giả khẳng định mình đang là người “đi buôn”, buôn trí thức mà giá trị thặng dư được tác giả trình bày rất rõ trong quyển sách mới của mình, đó là vốn tri thức, vốn văn hóa, vốn xã hội được đem chia nhiều hơn thuộc về xã hội và dân tộc, còn ngược lại, cái vốn đó dành cho cá nhân, không còn là vốn của cộng đồng, của dân tộc thì giá trị đó sẽ lụi tàn.

Cũng từ những quyển sách được xuất bản tại Việt Nam, nhiều sinh viên đã tìm gặp tác giả Lê Thanh Hải. Qua mạng internet, Tiến sĩ Lê Thanh Hải đã hướng dẫn nhiều học viên, sinh viên làm luận văn về kinh tế, văn hóa, lịch sử… Đây là công việc mà Lê Thanh Hải dành nhiều thời gian nhất và cũng theo tiến sĩ, đây mới thực sự là đóng góp lớn nhất của mình, nhằm góp phần tạo nên một lớp trí thức tinh hoa cho đất nước, lớp người làm theo lời khuyên nhủ của Albert Einstein là “Đừng phấn đấu để thành công mà hãy phấn đấu để trở thành người có ích!”

Và có lẽ, Tiến sĩ Lê Thanh Hải cũng mong nay mai, có thêm được những trí thức trẻ biết đi buôn như mình, buôn tri thức, buôn mặt hàng đặc biệt, mà thiếu nó, không một dân tộc nào, quốc gia nào có thể sánh vai cùng năm châu bốn biển trong nền kinh tế nối kết toàn cầu như hiện nay.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tiến sĩ Lê Thanh Hải: "Người đi buôn tri thức"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO