Tiếp tục triển khai 294 dự án nhà ở xã hội

Trần Đình Hà|22/05/2023 20:29

Theo thông tin từ Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, tính đến ngày 18/5/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

ha-ong-nguyen-van-sinh-vlr-22052023.png
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Trong đó, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giám sát việc triển khai thực hiện Đề án nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tích cực đôn đốc các địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án; đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép các chính sách về nhà ở xã hội có hiệu lực sớm sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (dự thảo Luật đã được Chính phủ thông qua và đã trình Quốc hội); chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội và Bộ, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ, trong đó có 2 gói hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ và đã ban hành văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này. Bộ Xây dựng đã ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các Ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.

Đến ngày 18/5/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn, cụ thể: Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 5.314 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ; Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô xây dựng khoảng 14.202 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô xây dựng khoảng 161.227 căn hộ.

ha-dai-dien-ngan-hang-22052023.png
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đến năm 2030, các Bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc bất động sản này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

UBND các tỉnh, thành phố cần quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như người dân trên địa bàn về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng để nắm bắt và tiếp cận chương trình.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”; trong đó giao Tổng Liên đoàn trực tiếp tham gia đầu tư dự án nhà ở bằng nguồn vốn tổ chức công đoàn để cho công nhân thuê.

Đại diện UBND các tỉnh, thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành Trung ương xem xét hướng dẫn những nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định; nghiên cứu rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng; nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, việc xác định giá bán nhà ở xã hội…

ha-ong-nguyen-thanh-nghi-vlr-22052023.png
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nhằm đạt mục tiêu của Đề án.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, thời gian qua, hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên và tiếp tục thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án; tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện, ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về Thuế, trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội; khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương; làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo các Viện nghiên cứu tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nghiên cứu vật liệu xây dựng mới cũng như xây dựng các mẫu thiết kế điển hình về nhà ở xã hội đảm bảo chất lượng, hiệu quả; các đơn vị chức năng thuộc Bộ tích cực rà soát, xây dựng, cập nhật bổ sung các cơ chế chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến nhà ở xã hội nói riêng, nhà ở nói chung, nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý ngành.

Về phía các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị nghiên cứu, bố trí ngân sách khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; chỉ đạo các chủ đầu tư dự án trên địa bàn nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý để người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; do vậy đề nghị các địa phương khẩn trương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án, nếu phát sinh các khó khăn, vướng mắc, đề nghị các địa phương kịp thời phản ánh về Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị mong muốn các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục quan tâm và phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Đề án.

Theo moc.gov.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục triển khai 294 dự án nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO