Tại hội thảo, đại diện các sở, ngành đã báo cáo tham luận một số chủ đề về thực trạng và giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế ở Đồng Nai trên các lĩnh vực như giao thông, năng lượng, viễn thông và công nghệ thông tin; hạ tầng cấp thoát nước và các công trình thủy lợi, hạ tầng xử lý nước thải... Hội thảo cũng dành thời gian cho các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận những vấn đề cần bổ sung, nhất là kinh nghiệm thực tiễn của các địa phương trong cả nước, những điển hình thành công trên thế giới để có thể khuyến nghị chính sách phù hợp.
Theo GS TS Võ Xuân Vinh, các vấn đề chính sách về hạ tầng kinh tế của Đồng Nai đã chỉ ra những thách thức và cơ hội đặc biệt trong việc phát triển hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội. Từ vấn đề ùn tắc giao thông đến cần thiết phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, chính sách hạ tầng cần được thiết kế sao cho phù hợp và hiệu quả, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Xác định đối tượng nghiên cứu phù hợp là một bước quan trọng để đảm bảo rằng các nghiên cứu về hạ tầng kinh tế Đồng Nai có tính ứng dụng cao và ý nghĩa thực tiễn.
Từ chính quyền địa phương đến doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, việc hợp tác chặt chẽ giữa các nhóm đối tượng này sẽ giúp tạo ra những giải pháp hiệu quả và bền vững cho việc cải thiện hạ tầng kinh tế của tỉnh. Do đó, trong quá trình nghiên cứu đề tài, đơn vị rất cần sự phối hợp của các đơn vị liên quan trong thu thập thông tin, phân tích số liệu cụ thể.
Phát biểu tại hội thảo, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng những thách thức về hạ tầng trong tương lai đối với Đồng Nai là rất lớn. Không chỉ là tính đồng bộ, chất lượng mà hạ tầng còn cần phải thông minh, gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Do đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành trên cơ sở đề cương nghiên cứu của đơn vị thực hiện cần cung cấp đầy đủ, chính xác số liệu, thực tiễn trong lĩnh vực mình quản lý; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án giải quyết.
Tỉnh cũng đề nghị đơn vị thực hiện đề tài thu thập các thông tin, nghiên cứu lý luận, thực tiễn một cách toàn diện, sâu sát, khoa học để có đề tài nghiên cứu chất lượng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới được thuận lợi và đạt kết quả cao hơn.