BƯỚC PHÁT TRIỂN VỀ CHẤT VÀ LƯỢNG
Hiện nay, VN có khoảng 1.200 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ logistics (so với con số 700 trước năm 2005) như dịch vụ giao nhận vận tải, kho bãi, bốc dỡ, đại lý vận tải, đại lý giao nhận, dịch vụ logistics… chủ yếu tập trung tại khu vực TP.HCM và Hà Nội.
Có thể phân loại ngành dịch vụ logistics VN như sau: DN khai thác vận tải: dịch vụ vận tải (đường bộ, đường biển, hàng không…); DN khai thác cơ sở hạ tầng tại các điểm nút (cảng, sân bay, ga…); DN khai thác kho bãi, bốc dỡ và dịch vụ logistics; DN giao nhận hàng hóa, DN 3PL và các DN khác như giải pháp phần mềm logistics, tư vấn, giám định, kiểm tra, tài chính… Trừ các DN nhà nước được cổ phần hóa, đa số các DN này có quy mô nhỏ và vừa, vốn điều lệ bình quân hiện nay khoảng 4-6 tỉ đồng (so với 1-1,5 tỉ đồng trước năm 2005) và nguồn nhân lực đào tạo bài bản chuyên ngành logistics còn rất thấp (5-7%).
Các DN cung cấp dịch vụ logistics của VN chủ yếu làm đại lý, hoặc đảm nhận từng công đoạn như là nhà thầu phụ trong dây chuyền logistics cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Có trên 25 DN logistics đa quốc gia đang hoạt động tại VN nhưng chiếm trên 70-80% thị phần cung cấp dịch vụ logistics của VN.
Trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành, hoạt động giao nhận vận tải, logistics VN đã phát triển cả về chất lẫn về lượng, được WB đánh giá qua chỉ số LPI đứng thứ 53/155 nước nghiên cứu và đứng thứ 5 khu vực ASEAN (2012). Tốc độ phát triển của dịch vụ logistics đạt từ 16-20%/năm. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics còn thấp, chi phí logistics còn rất cao, tỉ lệ 20-25% so với GDP của VN, trong khi của Trung Quốc là 17,8% và Singapore là 9% (2011). Sự liên kết giữa các DN xuất nhập khẩu và DN dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ và tin tưởng. Đây là một trong những lý do làm cho dịch vụ logistics của VN kém phát triển so với yêu cầu. Tỷ lệ thuê ngoài logistics còn rất thấp, từ 25-30%, trong khi của Trung Quốc là 63,3% (2010), Nhật Bản và các nước châu Âu, Mỹ trên 40%.
THIẾU ĐỘ TIN CẬY TRONG KẾT NỐI CHUỖI CUNG ỨNG
Theo Báo cáo của WB vào tháng 4.2013, lý do chính tại sao các hoạt động logistics tại VN tương đối thiếu hiệu quả hơn so với các nước khác là do thiếu độ tin cậy xuyên suốt trong chuỗi cung ứng kết nối VN với phần còn lại của thế giới. Nguyên nhân là do thiếu hiệu quả trong kỹ thuật và tổ chức thực hiện các hoạt động logistics, bao gồm: luật pháp liên quan điều chỉnh logistics thường không dễ hiểu gây trở ngại; chi phí “bôi trơn” trong công tác vận chuyển; việc quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông vận tải không đồng bộ thiếu hành lang đa phương thức; vận tải đường bộ chưa đáp ứng yêu cầu của chủ hàng và cảng biển chưa được khai thác hết tiềm năng, trong khi khoảng 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của VN được vận chuyển bằng đường biển.
Hạn chế lớn nhất đối với phát triển dịch vụ logistics VN hiện nay, ngoài kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và các vấn đề liên quan như an toàn giao thông, quy định tải trọng cầu đường còn là thủ tục hành chính nhất là thủ tục hải quan.
Về mặt luật pháp điều chỉnh các hoạt động logistics tại VN hiện nay tương đối đầy đủ, ngoài quy định dịch vụ logistics (bằng 8 điều) trong Luật Thương mại 2005, còn có các luật khác như Luật Hàng hải, Luật Hàng không Dân dụng, Luật Giao thông Đường bộ, Luật Đường sắt…), các văn bản quy phạm pháp luật có tính chất định hướng như quy hoạch, chiến lược phát triển liên quan đến ngành dịch vụ logistics cho các thời kỳ 2020, tầm nhìn 2030 ngày càng hoàn chỉnh, tuy vậy, qua thời gian hội nhập khu vực và quốc tế một số các quy định pháp luật về logistics hiện nay đã không còn phù hợp,… chưa tạo thị trường dịch vụ logistics minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển bền vững.
Tuy logistics được xem là “yếu tố then chốt” phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ khác (QĐ 175/QĐ-TT ngày 27.1.2011), nhưng đến nay chưa được quản lý vào một đầu mối thống nhất, chưa có vị trí tương xứng trong bộ máy tổ chức của Bộ Giao thông vận tải cũng như Bộ Công Thương… Đây là một trong những khó khăn rất lớn làm ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành dịch vụ logistics của VN. Sự không thống nhất trong quy định về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về logistics. Cụ thể, tại Nghị định 87/2009/NĐ-CP và Nghị định 89/2011/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 87/2009/NĐ-CP), Bộ Giao thông vận tải được quy định là cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức - một hoạt động quan trọng của dịch vụ logisticss, trong khi theo quy định của Luật Thương mại, 2005, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về logistics và việc đăng ký kinh doanh logistics lại do Sở Kế hoạch - Đầu tư thực hiện. Về điều kiện đăng ký kinh doanh logistics và kinh doanh vận tải đa phương thức còn chưa thống nhất, việc kiểm tra sau khi đã cấp phép hoạt động còn buông lỏng…
TÍNH CHUYÊN NGHIỆP LOGISTICS VN NGÀY CÀNG TĂNG
Một khía cạnh không kém phần quan trọng là chất lượng dịch vụ của các DN dịch vụ logistics hiện nay đến đâu? Điều này tùy thuộc vào năng lực thực hiện, tính chuyên nghiệp thông qua trình độ tay nghề, công tác đào tạo huấn luyện của từng DN cũng như việc đầu tư thiết bị, phương tiện, công nghệ thông tin… Cho đến thời điểm này, chỉ có vài trường đại học trên cả nước có chuyên khoa đào tạo logistics kết hợp với chương trình vận tải.
Theo một khảo sát trong nội bộ hội viên mới đây (2012) của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt nam (VLA) có thể thấy rằng đa số các DN hội viên hiện nay đã có vốn điều lệ bình quân cao hơn từ 5 đến 6 lần so với các thời kỳ trước, số nhân viên bình quân cũng có tăng lên, hoạt động tập trung vào vận tải quốc tế (mua bán cước), dịch vụ giao nhận vận tải, kho bãi cảng, trong khi các DN thực hiện dịch vụ logistics trọn gói, tích hợp (3PL) hoặc vận tải đa phương thức chỉ chiếm khoảng 10%. Cũng theo khảo sát này, tỉ lệ nhân viên qua đào tạo (chủ yếu là tự đào tạo và tự học hỏi kinh nghiệm) là 72%(!). Trang thiết bị, phương tiện vận tải, kho bãi chỉ ở mức 30-40% còn lại phải thuê ngoài để phục vụ khách hàng.Về đầu tư công nghệ thông tin thì hầu hết đã sử dụng máy tính, e-mail, fax và có trang web riêng; một số (27%) có sử dụng phần mềm chuyên dụng trong quản lý và một số ít (9%) đã sử dụng trao đổi dữ liệu EDI, sử dụng công nghệ mã vạch và RFID.
Như vậy, có thể thấy rằng năng lực và tính chuyên nghiệp của các DN dịch vụ logistics VN những năm gần đây được tăng lên, một số DN trong nước đã tiến hành đầu tư chiều sâu, tiến hành các dịch vụ logistics trọn gói 3PL (integrated logistics), tham gia hầu hết các công đoạn logistics trong chuỗi cung ứng của chủ hàng, từ đó xác lập uy tín với các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.