(Chinhphu.vn) – Từ 9h sáng nay (10/6), tại TP Đà Nẵng, Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với VTV Đà Nẵng tổ chức tọa đàm trực tuyến “Các tỉnh duyên hải miền Trung liên kết cùng phát triển”.
Truyền hình trực tuyến
Ảnh VGP/Hồng Hạnh |
Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các tỉnh thành miền Trung:
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng
Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Ông Lê Trường Lưu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Ông Lê Văn Trúc - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên
Bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư
Cuộc tọa đàm được truyền hình trực tuyến trên Cổng TTĐT Chính phủ, được phát sóng trực tiếp trên kênh 9 VTV Danang và trên Kênh VTC 1, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.
BTV: Với 1.161 km đường bờ biển, 7 tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa được xem như “mặt tiền” của đất nước hướng ra biển Đông. Các tỉnh duyên hải miền trung vừa có núi, vừa có biển và đều nằm ở vị trí thuận lợi trong các đầu mối giao thương quốc tế. Với vị trí địa lý như vậy, miền Trung đóng vai trò quan trong trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Để cụ thể hóa chủ trương của chính phủ trong việc đầu tư cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể cho biết những ưu tiên nào của Bộ trong việc đầu tư cho khu vực này?
Bà Phan Ngọc Mai Phương- Ảnh VGP/Hồng Hạnh |
Bà Phan Ngọc Mai Phương: Đầu tư cho khu vực này là ưu tiên của Chính phủ chứ không của riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Như ta đã biết, có 5 tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm TP Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Trong thời gian qua, chúng ta thấy đầu tư vào khu vực này rất được ưu tiên.
Về kết cấu hạ tầng quy mô lớn, có Quốc lộ 1, cảng Tiên Sa-Đà Nẵng, cảng Dung Quất, Quy Nhơn, sân bay Phú Cát – Bình Định, Chu Lai- Quảng Ngãi, đường ven biển…
Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020 và đã được thẩm định, dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Trong đó, chỉ ra các giải pháp và định hướng phát triển cụ thể, các dự án quy mô lớn mới về kết cấu hạ tầng như cao tốc Đà nẵng - Chu Lai, Đà Nẵng-Huế-Quảng Trị, Quảng Nam – Quy Nhơn…
Các khu kinh tế cũng được ưu tiên đầu tư phát triển như Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Chân Mây – Lăng Cô…, riêng đầu tư cho Dung Quất đã lên tới hàng ngàn tỷ đồng…
Ngoài ra, còn có định hướng phát triển rõ ràng cho khu Công nghệ cao Đà Nẵng, các trung tâm đào tạo ở Huế và Đà Nẵng, các trung tâm y tế chuyên sâu…
Bên cạnh đó, đây là khu vực có tiềm năng du lịch rất lớn, chúng ta cũng đã đầu tư rất đáng kể cho du lịch ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Đây cũng là khu vực chịu nhiều thiên tai, nên các dự án phòng chống giảm nhẹ thiên tai cũng được quan tâm...
BTV: Việc đầu tư đó có hiệu quả hay chưa, thưa bà?
Bà Phan Ngọc Mai Phương: Đánh giá chung không chỉ riêng vùng này mà cũng như nhiều vùng khác nói chung hiệu quả chưa cao. Ngoài nguyên nhân chung còn liên quan đến điều kiện phát triển của bản thân các tỉnh như kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực dù đã được quan tâm đào tạo nhiều nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nếu xét đến khía cạnh đầu tư nước ngoài.
Yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhiều so với khả năng đáp ứng của bản thân các tỉnh. Nguyên nhân rất quan trọng ở đây là đầu tư còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, khi mong muốn là đầu tư vào nhiều ngành, lĩnh vực, không xác định trọng tâm cái nào cần làm trước.
Ngoài những nguyên nhân nội tại đó, một nguyên nhân rất quan trọng có thể nhận thấy là thiếu sự kết nối, hợp tác trong đầu tư phát triển giữa các tỉnh, hay nói cách khác là các tỉnh chưa ngồi lại cùng nhau bàn bạc xác định xem trọng tâm, trọng điểm đầu tư là gì để đảm bảo đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất. Chính vì thế làm cho đầu tư mang góc độ vùng càng dàn trải, thiếu tập trung, hiệu quả chưa cao. Ví dụ, về thu hút đầu tư, hầu hết các hoạt động xúc tiến đầu tư đến nay của các tỉnh đều thực hiện riêng lẻ, chưa có sự bàn bạc xem nên thống nhất các tỉnh cùng tập trung đầu tư vào ngành nào, những công trình nào ưu tiên đầu tư trước… địa bàn nào cần ưu tiên tập trung đầu tư trước.
Điều này đòi hỏi sự nhất trí, đồng thuận cao giữa các vùng, đồng thời phải có sự hy sinh nhất định của các địa phương vì lợi ích chung của vùng, từ đó tạo tác động lan tỏa chung cho toàn khu vực.
Về nhân lực, như chúng ta biết đây là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định trong phát triển của quốc gia cũng như trong thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện trên thực tế chúng tôi thấy chưa có sự đầu tư , quan tâm đáng kể cho đào tạo, sự hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh và thời gian tới nên tập trung vào hướng này để mang lại hiệu quả cao hơn.
BTV: Thưa bà Phan Ngọc Mai Phương, yếu tố liên kết cần thiết như thế nào đối với 7 tỉnh duyên hải miền Trung trong thời gian tới?
Bà Phan Ngọc Mai Phương: Sự liên kết giưa 7 tỉnh duyên hải miền Trung là hết sức cần thiết do nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, kể cả điều kiện thuận lợi, khó khăn, cũng như về nguồn nhân lực, trừ một số tỉnh thành phố có trình độ nguồn nhân lực phát triển cao hơn thì các tỉnh, thành phố khác trình độ nhân lực cũng chưa cao. Bên cạnh đó, các sản phẩm về công nghiệp, dịch vụ cũng có nhiều nét tương đồng, ví dụ về du lịch thì có du lịch lịch sử, du lịch biển. Do những nét tương đồng đó mà nhu cầu liên kết càng trở nên mạnh mẽ hơn, nếu không chúng ta sẽ có xu thế cạnh tranh lẫn nhau và khi cạnh tranh riêng lẻ thì rất là khó phát triển.
Vì vậy, trong thời gian tới, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao không nên dàn trải trên các tỉnh mà nên tập trung ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi là những nơi có lợi thế và trung tâm đào tạo cao hơn. Trong phát triển du lịch, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn để tạo ra các tour du lịch hiệu quả. Trong một chuyến du lịch thì theo điều tra là thời gian khách đi du lịch dài hơn, chi tiêu nhiều hơn nên cần liên kết tuyến du lịch đi một số tỉnh.
Còn về vấn đề đầu tư, cần có sự liên kết trong xúc tiến đầu tư để tạo ra sức mạnh cao hơn trong thu hút cũng như đàm phán với các nhà đầu tư, tránh tình trạng tỉnh nào mạnh tỉnh đấy làm và có sự cạnh tranh với nhau. Điều đó rất quan trọng đối với đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế tại đây.
Trong liên kết kết cấu hạ tầng cần tập trung đầu tư công trình lớn, có tác động tới toàn vùng như khu kinh tế Chu Lai, cảng biển Dung Quất.... Tất nhiên điều đó đòi hỏi các liên kết mạnh mẽ hơn trong cơ chế điều phối vùng để phát triển kinh tế miền Trung nói chung và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng.
BTV:Là một trong những địa phương cùng tham gia bàn thảo, thưa ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, quan điểm liên kết và mục tiêu liên kết được đưa ra tại hội thảo này là gì. Và quan điểm liên kết, mục tiêu liên kết của Đà Nẵng được đặt ra như thế nào ?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Ảnh VGP/Hồng Hạnh |
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Thời gian qua, chính quyền 7 tỉnh, thành đã có nỗ lực mạnh mẽ với chính sách tận dụng điều kiện tự nhiên và sự ưu tiên đầu tư của Chính phủ… Tuy nhiên, các tỉnh xác định rằng vẫn chủ yếu dựa vào lợi thế tĩnh, vì vậy, để mời gọi đầu tư, cần liên kết, tạo lợi thế động và nâng cao thế mạnh toàn vùng.
Bảy tỉnh, thành chúng tôi đã thống nhất chính sách phát triển chung, đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững, thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế xã hội tới năm 2020. Quý vị vừa xem phóng sự về hội thảo liên kết phát triển 7 tỉnh, thành miền Trung, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ ký biên bản cam kết các quan điểm, nội dung và mục tiêu liên kết..
Nguyên tắc liên kết là phải bình đẳng, các bên cùng có lợi, khai thác tiềm năng của vùng và các địa phương; liên kết trên tinh thần tự nguyện.
Về nội dung, sẽ lựa chọn những nội dung thiết thực, phát huy thế mạnh từng tỉnh, liên kết trong từng chương trình, dự án cụ thể.
Mục tiêu liên kết là khai thác, phát huy thế mạnh từng địa phương và toàn vùng, trước hết là kinh tế biển, hạ tầng giao thông, du lịch, nguồn nhân lực nhằm tạo không gian kinh tế chung.
Các tỉnh đã đầu tư phát triển mạnh về kinh tế biển, logistic, du lịch, một số ngành công nghiệp chủ lực, nguồn nhân lực chất lượng cao…
BTV:Trong Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có xác định Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm của miền Trung có dân số từ 1 triệu người vào năm 2010, gần 2 triệu người vào năm 2020 với các cảng biển, sân bay quốc tế xuyên Việt, xuyên Á. Đà Nẵng sẽ là đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển và vận tải quốc. Vậy, với vị thế này, sự đầu tư của Đà Nẵng sẽ bắt đầu từ đâu?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Trên cơ sở thế mạnh của thành phố, Đà Nẵng phấn đấu trở thành một trong những trung tâm dịch vụ của vùng và của cả nước, tập trung nâng cấp các dịch vụ có giá trị cao.
Về du lịch, chúng tôi phát triển tuyến biển, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng dựa trên tài nguyên đặc trưng riêng có của miền Trung như biển, núi, sông kết nối với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Về viễn thông, CNTT, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ viễn thông hiện đại, chất lượng cao, như dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế biển, đánh bắt xa bờ...
Về thương mại, phát riển khu mua sắm, đặc biệt xây dựng các khu phức hợp mua sắm đẳng cấp quốc tế.
Về logistic, hình thành các khu logistic tức là phân phối hậu cần, phối hợp với các địa phương phát triển loại hình vận tải đa phương tiện nhằm khai thác lợi thế địa lý cửa ngõ ra biển Đông của thành phố và tuyến hành lang kinh tế đông tây 1, 2 thông qua cảng biển Tiên Sa.
Về dịch vụ vui chơi giải trí tập trung phát triển khu vui chơi giải trí có sản phẩm du lịch chất lượng cao để nâng tầm thu hút du lịch của thành phố cũng như hỗ trợ cho phát triển du lịch của các tỉnh lân cận.
BTV: Đề cập đến vấn đề du lịch thì tỉnh Quảng Nam có sự liên kết rõ ràng nhất. Quan điểm hai bên cùng có lợi cũng đã trở thành một động lực trong quá trình liên kết này tuy nhiên hiệu quả cũng chưa cao, vậy thưa ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thì đâu là vướng mắc chính?
Ông Nguyễn Ngọc Quang - Ảnh VGP/Hồng Hạnh |
Ông Nguyễn Ngọc Quang: Đối với Quảng Nam có thể nói du lịch trong 10 năm trở lại đây phát triển tương đối tốt. Chúng tôi có nhiều lợi thế, nhưng chưa được tập trung khai thác trong đó có du lịch. Sau khi có sự công nhận 2 di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, thì du lịch của Quảng Nam bắt đầu thức tỉnh, có sự phát triển rất tốt, đóng góp nhiều cho ngân sách và tăng trưởng GDP hàng năm, có những năm lên đến 30%.
Nhưng nhìn chung về liên kết, tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến tại hội thảo về liên kết các tỉnh miền Trung ngày 15/7/2011 là nhiều địa phương đánh giá du lịch là tiềm năng của miền Trung hầu như chưa được khai thác. Chúng ta đã xây dựng con đường di sản nối Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam nhưng thực ra cũng chỉ đơn lẻ 2 năm tổ chức lễ hội 1 lần, rồi kêu gọi các công ty lữ hành, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Theo tôi, sự vướng mắc lớn nhất là trùng lặp sản phẩm du lịch ở các tỉnh, dẫn tới sự cạnh tranh không hiệu quả. Vướng mắc nữa là hệ thống hạ tầng kết nối giữa các địa phương hết sức yếu, thiếu và hoàn toàn không đồng bộ. Nhìn riêng đường bộ thì các tỉnh miền Trung chỉ dựa vào quốc lộ 1A độc đạo, vá víu, quá tải, tắc nghẽn. Vì vậy, khi tính các sản phẩm du lịch theo tour, theo tuyến thì các công ty du lịch, các nhà tổ chức du lịch đều tính tuyến đường đi, nơi nghỉ, nơi vui chơi sao cho phù hợp.
Vấn đề nữa là lao động. Ngành du lịch các tỉnh rất yếu và thiếu hướng dẫn viên, đặc biệt là hướng dẫn viên tiếng Nhật, tiếng Trung hoặc là tiếng Nga. Vừa rồi, Quảng Nam tiếp nhận khoảng 50.000 khách du lịch Nga và chúng tôi gặp nhiều lúng túng. Rồi làm sao để có các khu mua sắm, khu vui chơi giải trí có chất lượng nhằm tăng số ngày lưu trú của du khách thì miền trung vẫn còn yếu so với các vùng khác.
Chúng ta có các bãi biển, dải đất dài, tiềm năng lớn nhưng từng địa phương loay hoay. Để khai thác thế nào cho hiệu quả thì chúng ta thiếu một người điều hành, một nhạc trưởng.
Kinh tế biển miền Trung là thế mạnh nhưng còn ít được khai thác. Ngoài ra, tại hội thảo phát triển du lịch tại Phú Yên tháng 12/2011, nhiều đại biểu nêu lên nhiều mặt yếu kém của du lịch miền Trung. Trên góc độ của Quảng Nam, chúng tôi cũng có ý kiến như thế.
BTV: Lâu nay, chuyện liên kết không phải là chưa thực hiện với nhiều địa phương, nhưng hình như các mối liên kết với các địa phương lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và thậm chí là liên kết với các nước có vẻ được coi trọng hơn là liên kết với chính những người láng giềng của mình, trong nội vùng duyên hải miền Trung. Ông Lê Trường Lưu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có nhận thấy điều này ở Thừa Thiên Huế hay không? Và việc thực hiện cam kết liên kết đã được chính quyền triển khai như thế nào?
Ông Lê Trường Lưu- Ảnh VGP/Hồng Hạnh |
Ông Lê Trường Lưu: Như chúng ta đã biết, mục tiêu liên kết là hợp tác và phát triển, phát huy tiềm năng và lợi thế từng địa phương và toàn vùng. Trong thời gian qua, Huế đã mở rộng liên kết với các địa phương trong khu vực, với các địa phương trong cả nước, liên kết khu vực và quốc tế, nhất là liên kết hợp tác về bảo tồn, phát huy các di sản, hợp tác đào tạo…
Còn với các tỉnh trong khu vực, hội nghị 7 tỉnh, thành miền Trung đã đánh giá công tác liên kết còn nhiều hạn chế, chưa xứng tầm, một số công việc đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Về nguyên nhân thì các đại biểu tham gia buổi tọa đàm hôm nay đã nói.
Sau khi hội nghị liên kết, về triển khai, chúng tôi đã chỉ đạo rà soát các lĩnh vực cần đẩy mạnh liên kết như du lịch, giáo dục và đào tạo để khảo sát, hợp tác… Chúng tôi đã tích cực tham gia các hội thảo khoa học về liên kết đào tạo nguồn nhân lực, các hội nghị xúc tiến đầu tư của khu vực…
BTV: Một nội dung quan trọng được quan tâm nhiều là việc điều chỉnh quy hoạch phát triển, là điều kiện tiên quyết để các địa phương có thể thực hiện cam kết liên kết hiệu quả, vậy điều này có ảnh hưởng đến việc phát triển địa phương từ trước đến nay hay không, thưa ông Lê Văn Trúc?
Ông Lê Văn Trúc: Khi tiến hành hợp tác, phát triển 7 tỉnh, thành miền Trung, nếu nói vấn đề điều chỉnh quy hoạch kinh tế xã hội toàn vùng mà không ảnh hưởng đến quy hoạch địa phương thì không chính xác tuy nhiên sự ảnh hưởng là không lớn. Bởi vì chúng ta xuất phát từ lợi ích chung và từ lợi thế của từng địa phương trong quá trình cùng phát triển.
Trước đây chúng ta đã có những liên kết vùng liên tỉnh, ví dụ như quy hoạch cho Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa, Nam Quảng Nam – Bắc Quảng Ngãi, hay Nam Bình Định – Bắc Phú Yên… Đã có những quy hoạch này rồi thì giờ chúng ta kết nối quy hoạch toàn vùng. Thứ hai là xuất phát lợi ích chung toàn vùng , mỗi địa phương có thế mạnh riêng và chúng ta tạo sự gắn kết cùng phát triển, do đó, sự ảnh hưởng không lớn lắm khi chúng ta tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển cho toàn vùng.
BTV:Được biết Phú Yên có bờ biển dài, và kinh tế biển cũng là một thế mạnh của địa phương, vậy ông có thể cho biết cam kết liên kết tại hội thảo tháng 7/2011 đã mở ra cơ hội phát triển như thế nào cho địa phương phá triển kinh tế biển?
Ông Lê Văn Trúc: Phú Yên có 189km bờ biển, có lực lượng đánh bắt hải sản đông đảo với hơn 7.000 tàu thuyền. Phú Yên có địa hình đẹp, nhiều đầm, vịnh và có những lợi thế phát triển.
Tôi thấy trong liên kết này, nếu nói như các đại biểu ở đây thì chúng ta có những đặc điểm chung nhưng mỗi nơi cũng có những nét riêng. Ví dụ đối với Phú Yên, nếu nói kinh tế biển trong phạm vi hẹp là hàng hải, khai thác thủy sản, dầu khí, biển đảo… nếu nói rộng hơn là hoạt động về biển thì có chế biến hải sản, chế biến dầu khí, hoạt động du lịch.
Chúng tôi rất quan tâm đến du lịch bởi Phú Yên cũng có những đặc điểm rất riêng như mũi Đại Lãnh đón ánh nắng mặt trời sớm nhất cả nước, hay ghềnh Đá Đĩa, di tích tàu không số là những kết nối để hình thành không gian chung trong phát triển du lịch vùng. Hoặc vấn đề khai thác đánh bắt cá ngừ đại dương với 700 tàu thuyền đánh bắt khơi xa, sản lượng 6.000 tấn, đem lại nguồn lợi khá lớn cho Phú Yên, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trong liên kết về vấn đề này, chúng tôi thấy đem lại lợi ích chung cho cả vùng trong chia sẻ ngư trường, cứu hộ cứu nạn khi gặp thiên tai, sự cố, làm dịch vụ hậu cầu nghề cá.
Bên cạnh đó, Phú Yên có nghề nuôi tôm hùm, đặc biệt ở vịnh sông Cầu, đầm Ô Loan. Hiện số lượng 2.000 lồng nuôi, mỗi lồng 50 con, thu về khoảng 2.000 tỷ đồng… Đó là những sản phẩm đặc sản biển quan trọng nhưng chế biến thì chưa được nhiều. Vì vậy, trong liên kết thì Quảng Nam, Đà Nẵng có thế mạnh trong chế biến thủy sản có thể giúp đỡ chúng tôi, từ đó, việc khai thác kinh tế biển sẽ phát triển hơn.
BTV:Theo ông, để phát huy hơn nữa thế mạnh của mình thì Phú Yên cần có sự hỗ trợ thế nào từ các địa phương?
Ông Lê Văn Trúc- Ảnh VGP/Hồng Hạnh |
Ông Lê Văn Trúc: Thực ra trong vùng kinh tế trọng điểm các tỉnh miền Trung thì không có Phú Yên (Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).
Phú Yên cũng rất tích cực liên kết với 7 tỉnh miền Trung, chúng tôi cũng hy vọng rất cao đối với quyết tâm chính trị của lãnh đạo 7 tỉnh, thành. Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực cùng các tỉnh bạn thực hiện liên kết này và cũng mong các bạn giúp đỡ chúng tôi trên cơ sở 9 điểm mà lãnh đạo chúng ta đã thống nhất như quy hoạch, kết cấu hạ tầng, tạo không gian du lịch chung cho cả vùng, liên kết đào tạo…
Hiện xác định trung tâm đào tạo từng vùng có khác nhau, Phú Yên có 3 trường đại học như Đại học Xây dựng miền Trung, Đại học Phú Yên, Phân viện Đại học Ngân hàng, nhiều năm qua đã đào tạo cho miền Trung Tây Nguyên rất nhiều, sắp tới Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa cũng sẽ nâng cấp thành đại học. Như vậy, Phú Yên cũng có cơ sở liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho cả vùng, tất nhiên là Huế, Đà Nẵng cũng có những thế mạnh riêng...
Về vấn đề tạo không gian du lịch chung, thì mỗi nơi có đặc điểm riêng, nên sau mỗi hành trình di sản của địa phương thì du khách sẽ đến các tỉnh lân cận để tìm hiểu văn hóa, con người, danh lam thắng cảnh nơi đó. Đó là những vấn đề chúng tôi rất mong các bạn chia sẻ với chúng tôi.
BTV: Với Đà Nẵng, công tác quy hoạch được thực hiện rất quyết liệt trong thời gian qua, và có hiệu quả cao trong quá trình phát triển của thành phố trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khi tham gia vào chuỗi liên kết, những thế mạnh nào về quy hoạch của Đà Nẵng sẽ được khai thác?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Tôi xin chia sẻ với ông Lê Văn Trúc. Hiện, chúng ta phải lồng ghép 2 chủ trương lớn là quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với vấn đề liên kết vùng. Do vậy, các tỉnh miền Trung đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đưa Phú Yên và Khánh Hòa vào quy hoạch để chúng ta trở thành 1 khối thống nhất…
Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã ưu tiên phát triển quy hoạch, chỉnh trang đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận…
Cụ thể, chúng tôi đã xây đường ven biển nối Đà Nẵng với Hội An (Quảng Nam), liên kết để kết nối trực tiếp với Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế)…
Bên cạnh đó, chúng tôi có cơ sở hạ tầng như sân bay quốc tế, cảng nước sâu… và đã khai thác triệt để các dịch vụ hạ tầng, liên kết với các tỉnh trong vùng để chia sẻ thế mạnh hạ tầng từng địa phương… Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ phát triển nhanh hơn.
Về giáo dục và đào tạo, chúng tôi có chủ trương hỗ trợ Đại học Đà Nẵng phát triển đúng tầm vóc đại học vùng. Hy vọng trong tương lai không xa, với sự hỗ trợ của thành phố và nỗ lực của bản thân, Đại học Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển nguồn nhân lực của cả vùng – cái mà chúng ta đang thiếu.
BTV:Ông vừa đề cập đến việc quy hoạch tại TP Đà Nẵng. Một trong những vấn đề quy hoạch đó là phát triển giao thông một cách đồng bộ là vấn đề không chỉ tại Đà Nẵng mà nhiều tỉnh miền Trung đã được nhìn thấy và cần có điều chỉnh. Vậy theo ông để tạo được sự đồng bộ trong phát triển giao thông tại các tỉnh miền Trung cần tới yếu tố liên kết như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Trước hết, Trung ương đánh giá 7 tỉnh, thành miền Trung là một trong những vùng kinh tế trọng điểm thì phải có đầu tư thỏa đáng để có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ. Như ông Quang vừa nói, quốc lộ 1A yếu kém nên vừa rồi Đà Nẵng đã tự mở rộng quốc lộ 1A thành 6 làn xe, phía Quảng Nam cũng liên kết để xã hội hóa việc mở rộng quốc lộ 1A.
Tuy nhiên, đây là nỗ lực của từng địa phương, nếu Trung ương quan tâm hơn thì chúng ta sẽ có đầu tư thích đáng để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, liên kết bằng đường bộ. Và rất quan trọng, vừa qua chúng ta có quy hoạch liên kết đường biển, phải xúc tiến hướng này để liên kết phát triển kinh tế biển trong toàn vùng.
Ngoài ra còn đường sắt, hàng không. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, ngoài sự quan tâm của Trung ương, chúng ta cũng cần liên kết để có đủ cơ sở hạ tầng, tránh tình trạng manh mún, để khai thác thế mạnh của từng tỉnh, để chúng ta hợp thành một sức mạnh của 7 tỉnh, thành để thực hiện đúng trọng trách của liên kết mà chúng ta vừa đưa ra. Tôi cho rằng, nếu không thực hiện quyết liệt thì sẽ khó đạt được chính những gì chúng ta đã cam kết với nhau, trong đó, tôi cho rằng, xây dựng cơ sở hạ tầng là động lực quan trọng nhất.
BTV: Khán giả tên là Tâm (số điện thoại 01213594…) đặt câu hỏi cho ôngNguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng như sau: Hiện nay TP Đà Nẵng có kế hoạch hay dự án cụ thể nào cho ngành du lịch biển hay không?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Về du lịch biển thì rất đa dạng. Đối với cơ sở hạ tầng chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét mở rộng cảng Tiên Sa, là cảng nước sâu có năng lực hơn 4 triệu tấn dùng chung cho cả vận tải hàng hóa và du lịch. Chúng tôi sẽ mở rộng cảng Tiên Sa để dành riêng khu vực tổ chức du lịch biển để đưa tàu du lịch cỡ lớn vào.
Ngoài ra chúng tôi ưu tiên phát triển khu nghỉ dưỡng dọc bờ biển và trên núi, kết hợp các sản phẩm du lịch đồng bộ để du khách lựa chọn, tăng thời gian lưu trú. Bên cạnh đó có một số chính sách như không còn tình trạng người lang thang, xin ăn... Chúng ta có rất nhiều chính sách, nhiều việc cần hoạch định thứ tự ưu tiên thực hiện để có môi trường du lịch minh bạch, hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng cần có sự liên kết chia sẻ giữa các tỉnh miền Trung, thúc đẩy sự phát triển du lịch của toàn vùng.
BTV: Bạn đọc tên Tâm tiếp tục hỏi, sự liên kết phát triển, khai thác các di sản giữa Thừa Thiên-Huế với Quảng Nam, Đà Nẵng thời gian qua như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Quang: Việc liên kết các di sản văn hóa không phải tự chúng ta nghĩ ra được, nó là nhu cầu của thực tế và phù hợp với các tour, tuyến du lịch hiện nay. Khách du lịch muốn các tour đi thăm một loạt di sản miền Trung. Ta có thể hình dung con đường di sản nối Huế với 2 di sản ở Quảng Nam mà điểm đến và đi là ở Đà Nẵng.
Du khách quốc tế rất hoan nghênh cách tổ chức hiệu quả như vậy. Thừa Thiên-Huế, Đà Nắng và Quảng Nam đã có hợp tác, xem xét cụ thể vấn đề này và tôi cho rằng đây là bài học có thể tham khảo, phát huy khi liên kết phát triển du lịch với Phú Yên, Bình Định và cả Nha Trang.
Trong hội thảo năm ngoái, các đại biểu đã đề cập rất nhiều đến vấn đề này và cho rằng cần phải có các sản phẩm du lịch phong phú, đặc trưng hơn để giới thiệu, quảng bá tới du khách. Hiện các địa phương đang thực hiện yêu cầu này.
Ông Lê Trường Lưu: Tôi xin phân tích thêm một khía cạnh. Với Thừa Thiên-Huế, công tác quảng bá đã được quan tâm, hỗ trợ nhiều, nhất là để hình thành con đường di sản miền Trung nối cố đô Huế với Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam) và Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình). Chính hoạt động này đã góp phần hình thành các tour, tuyến du lịch hoạt động hiệu quả trong thời gian qua.
Tuy nhiên, nếu so sánh với tiềm năng, thế mạnh thì hoạt động này vẫn chưa đạt yêu cầu. Các khu vực khác có ít di sản hơn nhưng thu hút đông khách du lịch hơn, do đó, các tỉnh miền Trung cần đẩy mạnh phát triển, thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch quốc tế và trong nước.
BTV: Sự phân vai phân vùng trong đầu tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều tiết như thế nào?
Bà Phan Ngọc Mai Phương: Như tôi biết, quan điểm của Chính phủ cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư- cơ quan giúp Chính phủ về kế hoạch và đầu tư rất rõ ràng, đó là tập trung đầu tư cho các công trình có hiệu quả cao và có tác động tới nhiều địa phương trong vùng.
Chúng ta biết rằng, về mặt tổ chức, hiện nay, văn phòng Ban chỉ đạo phát triển các vùng kinh tế trọng điểm trước đây đặt tại Viện Chiến lược phát triển nay đã chuyển về Vụ kinh tế địa phương và lãnh thổ- Vụ quản lý nhà nước về vấn đề kinh tế của địa phương cũng như các vùng. Chính vì vậy, việc đầu tư theo liên kết vùng sẽ có điều kiện thực hiện tốt hơn.
Có thể nói các ví dụ về tập trung đầu tư cho các công trình có tác động tới nhiều địa phương như vừa đề cập như phát triển khu công nghệ cao ở Đà Nẵng, trong đó bao gồm cả CNTT tập trung, hoặc về đào tạo sẽ tập trung vào một số địa phương như xây dựng trung tâm đào tạo ở Đà Nẵng, xây dựng Đại học Đà Nẵng thành trung tâm đào tạo hệ đại học cũng như nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, hình thành trung tâm đào tạo đa ngành chất lượng cao ở Huế, xây dựng trung tâm y tế kỹ thuật cao chuyên sâu cũng như các bệnh viện thực hành tại Huế. Ngoài ra tiếp tục đầu tư cho một số khu kinh tế để tạo tác động phát triển lớn trong vùng.
Tương tự như vậy, về mặt kết cấu hạ tầng, lúc trước cũng đã có tập trung đầu tư, về định hướng, xin nhấn mạnh lại là tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm, cho các công trình mang lại hiệu quả đầu tư cao cũng như tác động tới nhiều địa phương trong vùng.
Ảnh VGP/Hồng Hạnh |
BTV:Khán giả Trương Văn Hai hỏi: xin bà cho biết kế hoạch phát triển giao thông cụ thể tại 7 tỉnh miền Trung sắp tới là như thế nào, và 7 tỉnh miền Trung đã có kế hoạch cụ thể để phát triển các khu công nghệ cao chưa, chiến lược cho cây trồng vùng cát là như thế nào và kế hoạch phát triển kinh tế biển, sự đầu tư cho các khu công nghiệp ở mỗi địa phương là như thế nào?
Bà Phan Ngọc Mai Phương: Tôi nghĩ rằng để trả lời đầy đủ câu hỏi này thì sẽ rất chi tiết trong khi thời gian chương trình có hạn. Như tôi đã đề cập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội khu vực duyên hải Trung bộ đã được thẩm định và chuẩn bị phê duyệt, ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội 5 tỉnh trọng điểm miền trung, dự kiến cuối năm nay trình Chính phủ phê duyệt.
Còn một số vấn đề về phát triển kết cấu hạ tầng, cao tốc thì chúng tôi đã trình bày rồi. Về khu công nghệ cao thì định hướng là xây dựng tại Đà Nẵng và lãnh đạo TP Đà Nẵng có thể chia sẻ thêm về vấn đề này.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Đối với khu công nghệ cao, Đà Nẵng đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch đề án với diện tích 1.100ha. Hiện nay, chúng tôi đang gấp rút thực hiện, giai đoạn đầu sẽ đầu tư xây dựng 300ha và các nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư. Chúng tôi vọng bên cạnh khu công nghiệp tập trung thì khu công nghệ cao sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển công nghệ chất lượng cao của Đà Nẵng. Và đây là một trong những công trình trọng điểm trong giai đoạn 2011 – 2015.
BTV:Quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế liên kết thực sự hiệu quả đòi hỏi một thủ lĩnh hay nói cách khác là nhạc trưởng giữ vai trò kích hoạt, điều phối… Phải chăng chúng ta chưa tìm được vị thủ lĩnh này, thưa bà Phan Ngọc Mai Phương?
Bà Phan Ngọc Mai Phương: Ở một số nước, như ở châu Á có Philippines, châu Âu có Pháp, Bắc Mỹ có Canada…, để chỉ đạo phát triển một vùng họ sẽ tổ chức chính quyền vùng. Tuy nhiên, về mặt hành chính, Việt Nam không làm như vậy.
Lâu nay, trong phát triển vùng, các vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó sẽ có ý kiến, còn chủ yếu dựa vào nỗ lực liên kết của các địa phương.
Về các vấn đề mang tính tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho Chính phủ. Với tư cách là một Bộ tham mưu tổng hợp cho Chính phủ về mặt kinh tế và đầu tư, tất nhiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể tham gia, đóng vai trò này nhưng không nhất thiết rằng chỉ có một phương án là Bộ giữ vai trò nhạc trưởng. Tôi cho rằng bản thân các tỉnh có thể cân nhắc, lập ra một tổ chức nào đó để điều phối vấn đề này.
BTV:Việc xây dựng quy hoạch và từng bước điều chỉnh quy hoạch phát triển theo yêu cầu tình hình mới sẽ hiệu quả khi phù hợp với thế mạnh của từng địa phương. Thế mạnh ấy thể hiện khá rõ ở thứ tự ưu tiên đầu tư, liên kết. Thưa ông Nguyễn Ngọc Quang, thứ tự ưu tiên liên kết tại tỉnh Quảng Nam là như thế nào ?
Ông Nguyễn Ngọc Quang: Quảng Nam thống nhất rất cao với 9 nội dung để liên kết giữa các tỉnh với nhau. Riêng với Quảng Nam, chúng tôi đưa 3 vấn đề hết sức quan trọng, coi đó là điểm nghẽn cần giải quyết không chỉ cho tỉnh Quảng Nam mà các tỉnh nói chung. Đó là làm sao khắc phục và phá vỡ thế chia cắt do điều kiện tự nhiên của các tỉnh hiện nay. Giao thông là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ. Vừa rồi chúng tôi đã làm việc với Đà Nẵng, Quảng Ngãi và cùng kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải để triển khai càng nhanh càng tốt đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.
Về tuyến đường ven biển, hiện chúng tôi cũng đang tập trung sức để làm sao khai thông được cầu Cửa Đại nối với Quảng Ngãi- Dung Quất. Đó là những vấn đề tỉnh đang tập trung triển khai. Ngoài ra, những đường kết nối khác như sân bay Chu Lai, chúng tôi đã thống nhất với Quảng Ngãi và hai tỉnh cùng tạm ứng kinh phí cho Bộ Giao thông vận tải để xây dựng hệ thống đèn điện để máy bay có thể cất, hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu cũng như bay đêm.
Chúng tôi cho rằng đấy là những điểm cần tập trung mà như chúng ta đã thống nhất là kết cấu hạ tầng phải đồng bộ và hiệu quả. Như bà Phương đã nói, hệ thống cảng biển, sân bay, những sản phẩm hạ tầng của các địa phương giống nhau. Nếu đặt với tư cách doanh nghiệp đầu tư vào 1 khu công nghiệp nào đó, thì họ sẽ tính toán con đường xuất nhập khẩu đến cảng nào là tốt nhất. Với chiều dài khoảng 70km ở Quảng Nam cho đến cảng Tiên Sa-Đà Nẵng, doanh nghiệp tính toán toàn bộ chi phí vận chuyển những container cồng kềnh như vậy trên quốc lộ 1 thì hiệu quả không cao. Cho nên có những doanh nghiệp họ đã đầu tư vào Đại Lộc, hay khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc. Nhưng quy mô của những khu công nghiệp này có giới hạn.
Xin lấy ví dụ, khu kinh tế mở Chu Lai có nhà máy lắp ráp ô tô Trường Hải, họ đầu tư quy mô lớn như vậy thì nhu cầu bức xúc của họ là phải đầu tư cảng riêng, trên cơ sở đó, họ cũng huy động vốn mua 2 tàu để chở thường xuyên từ cảng Kỳ Hà đi các nước.
Tôi cho rằng, xuất phát của nó bắt đầu từ nhu cầu phát triển kinh tế chứ không phải ý muốn của chúng ta. Chúng tôi cũng đã bàn với Quảng Ngãi về cảng Dung Quất. Khi bàn thì mới phát hiện đây không phải cảng tổng hợp, cảng hàng rời. Do đó, cần sự kết nối, và khi kết nối tốt thì cảng Tiên Sa của Đà Nẵng sẽ trở thành cảng trung tâm.
Còn bây giờ kết nối còn yếu, chưa đồng bộ nên việc đi vào cảng nào khiến doanh nghiệp đau đầu.
Knh tế thị trường chính là không gian chỉ báo cho tất cả chúng ta về hiệu quả của tính đồng bộ của hạ tầng này.
Lĩnh vực thứ 2 như các đồng chí đã phát biểu, tôi hoàn toàn nhất trí là chúng ta phải gỡ được điểm nghẽn về nguồn nhân lực. Bây giờ chúng ta kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào địa bàn miền Trung, đến tỉnh nào cũng vậy, họ đều hỏi về nguồn lao động ra sao, khiến chúng ta lúng túng. Khi các tỉnh xúc tiến đầu tư, các nhà đầu tư lớn cũng hỏi câu tương tự.
Chúng tôi cho rằng, ưu tiên đầu tiên đối với các tỉnh miền Trung hiện nay như bà Phương đã nói là đang tập trung cho các trung tâm như Huế, Đà Nẵng… Một số tỉnh khác cũng xây dựng một số trường phù hợp với nhu cầu lao động địa phương. Nhưng theo tôi phải tập trung đầu tư mạnh để đưa nguồn lao động miền Trung nâng lên một bước. Đấy chính là yếu tố cạnh tranh vượt trội.
Một điểm nữa phải cùng nhau tháo gỡ là phân công nhạc trưởng về quy hoạch và đầu tư các công trình, dự án trọng điểm. Tôi nhớ, khi chúng tôi được phép thí điểm khu kinh tế mở Chu Lai (mới làm thí điểm, chưa tổng kết, chưa đánh giá hiệu quả như thế nào, đầu tư ra sao…) thì cũng chỉ một vài năm sau, cũng có một vài khu kinh tế nữa cũng tương tự như vậy. Một thời gian sau thì các khu kinh tế ven biển mọc lên.
Hội nghị của các nhà lãnh đạo cao nhất của từng địa phương thống nhất và chỉ rõ còn thiếu nhạc trưởng, điều hành thống nhất. Theo tôi, chúng ta cần ngồi lại với nhau và ưu tiên tháo gỡ trong thời gian tới.
BTV: Khán giả có số điện thoại 0905126… cho biết là doanh nghiệp hoạt động ở Tây Nguyên và thường xuyên có hàng xuất nhập khẩu của cảng biển tôi thấy các cảnh biển miền Trung chưa liên kết và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc kiểm định, bốc dỡ hàng hóa. Xin được hỏi lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có chỉ đạo như thế nào để giúp các doanh nghiệp trong vấn đề lưu thông hàng hóa tại cảng biển?
Ông Lê Trường Lưu: Thừa Thiên Huế có cảng Chân Mây, lâu nay hoạt động hàng hóa qua cảng được quan tâm chỉ đạo triển khai, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Và theo câu hỏi của độc giả thì chắc chắn hàng hóa của Tây Nguyên không về đến cảng Chân Mây, tuy nhiên, chúng tôi luôn chỉ đạo cảng vụ, các bộ phận chuyên môn đảm bảo thủ tục, xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi và nhanh nhất.
BTV:Cho đến thời điểm này thì sự liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung đã khởi động tròn một năm. Thưa ông Lê Trường Lưu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, vấn đề nào là nổi cộm cần được giải quyết, hỗ trợ giải quyết trong thực hiện cam kết liên kết của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay?
Ông Lê Trường Lưu: Theo tôi, một trong những vấn đề nổi cộm đặt ra là chúng ta liên kết cái gì, nhạc trưởng như thế nào, triển khai ra sao… Ban điều phối liên kết phát triển các tỉnh này đang tập trung chỉ đạo, tìm phương thức hiệu quả.
Tôi lấy ví dụ, về du lịch, nếu các tỉnh, thành có thể cùng đầu tư được một số doanh nghiệp lữ hành mạnh, đẩy mạnh quảng bá, trực tiếp thu hút tour, tuyến qua các sân bay, tăng lượng khách và thời gian lưu trú… thì việc khai thác, phát huy các tiềm năng du lịch sẽ hiệu quả hơn.
BTV:Thưa ông Lê Văn Trúc - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, theo ông để việc cam kết liên kết phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới, cần có cơ chế phối hợp như thế nào?
Ông Lê Văn Trúc: Theo tôi, ngoài quyết tâm chính trị của lãnh đạo các địa phương, thành lập tổ điều phối, thành lập quỹ, thì trước hết chúng ta phải thống nhất với nhau về quy hoạch. Tất nhiên, những lĩnh vực nào là ưu tiên thì có thể làm trước, chờ đợi quy hoạch có thể mất thời gian, nhưng quy hoạch lâu dài vẫn phải làm.
Theo tôi, cần giải quyết được 3 vấn đề cốt yếu: Thứ nhất là phát huy lợi thế cả vùng; thứ hai, phát huy lợi thế của từng địa phương; thứ ba, giải quyết thỏa đáng vấn đề lợi ích. Giải quyết được 3 vấn đề này, chủ trương liên kết mới phát huy hiệu quả bền vững, những dự án triển khai cụ thể mới đi vào hiện thực.
BTV: Ở góc độ của Bộ KHĐT, để hỗ trợ các tỉnh duyên hải miền Trung phát triển trong tương lai, Bộ đã có những định hướng, kế hoạch đầu tư và kế hoạch triển khai đầu tư như thế nào thưa bà Mai Phương?
Bà Phan Ngọc Mai Phương: Các kế hoạch đầu tư cũng như trọng điểm ưu tiên đầu tư chúng tôi đã đề cập. Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm tới vấn đề quy hoạch mà lãnh đạo các tỉnh cũng vừa đề cập và đây là một công việc còn vướng mắc mà nhiều người nói rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng hạn chế hiệu quả đầu tư thời gian vừa qua.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã, đang đề nghị nghiên cứu, thẩm định quy hoạch theo hướng cơ quan thẩm định quy hoạch độc lập để có thể nâng cao chất lượng quy hoạch. Như chúng ta thấy thời gian vừa qua có rất nhiều bất cập trong vấn đề quy hoạch như trên cùng 1 địa bàn miền Trung, có rất nhiều quy hoạch chồng chéo như ngoài quy hoạch tổng thể kinh tế- xã hội còn có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành và sản phẩm, đôi khi không kết nối với nhau. Chúng ta thấy rằng, việc phát triển các khu kinh tế, theo một đại biểu vừa đề cập là chưa có tổng kết, rút kinh nghiệm xem thành công thế nào thì các tỉnh đã ồ ạt thành lập, một phần do nguyện vọng, mong muốn chủ quan để phát triển nhanh và vẫn hy vọng rằng với việc thành lập khu kinh tế để được hưởng một số ưu tiên cũng như một số quy chế từ phía Chính phủ, từ đó có thể phát triển nhanh địa phương mình.
Nhưng trên thực tế, có thể nói số lượng khu kinh tế, khu công nghiệp hoạt động hiệu quả không nhiều. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp để trong thời gian tới đưa ra các giải pháp để đầu tư hiệu quả hơn và theo hướng chỉ tập trung đầu tư cho một số khu kinh tế, công nghiệp có điều kiện thuận lợi nhất để tạo tác động lan tỏa.
Đề án này theo kế hoạch sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay, đồng thời, như đã đề cập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Công việc này đã được thực hiện từ 2010 và dự kiến cuối năm nay sẽ trình Thủ tướng Chính phủ.
Với quy hoạch mới, chúng ta thấy rằng việc quy hoạch cho các khu kinh tế như Chân Mây-Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội sẽ không còn trong tình trạng như hiện nay là các quy hoạch riêng lẻ nữa mà sẽ nằm trong một quy hoạch tổng thể. Hy vọng rằng với bước cải tiến đáng kể về quy hoạch, sẽ tạo cơ sở tốt hơn để thực hiện đầu tư hiệu quả hơn cho vùng 7 tỉnh, thành duyên hải miền Trung nói riêng cũng như cả miền Trung.
BTV: Theo định hướng phát triển của Chính phủ, nếu thực hiện đúng các chủ trương đầu tư phát triển, tại duyên hải miền Trung sẽ hình thành một trục công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ và đô thị hóa. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm của vùng sẽ tăng từ khoảng 1,2 lần (giai đoạn 2006-2010) lên 1,25 lần (giai đoạn 2011-2020) so với tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước; tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người từ 149 USD (năm 2005) lên 375 USD (năm 2010) và 2.530 USD (năm 2020).
Các trung tâm du lịch Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn và vùng phụ cận miền Trung và Tây Nguyên sẽ dần hình thành, cùng với các công trình lớn về kết cấu hạ tầng để gắn kết khu vực này với các vùng lân cận, góp phần thực hiện hành lang Đông-Tây của tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Có thể nói đó là một viễn ảnh đầy lạc quan cho những ai đang sinh sống trên vùng đất đang còn rất nhiều khó khăn này. Hiện thực hóa những con số trên không có con đường nào khác là tự thân các tỉnh, thành trong khu vực phải năng động hơn nữa trong điều hành, lãnh đạo kinh tế - xã hội, tất nhiên không thể không nhắc đến yếu tố liên kết – một điều kiện tiên quyết trong phát triển - Chủ đề của chương trình đối thoại hôm nay.
Liên kết cùng phát triển để bảo đảm tăng trưởng bền vững mang lại hiệu quả xã hội tốt đẹp đang là xu thế nền tảng, xích lại gần nhau hơn giữa các tỉnh, thành phố khu vực. Gạt bỏ tính cục bộ để chủ động liên kết, hợp tác thật sự hiệu quả đang là thách thức và cũng là cơ hội đặt ra cấp thiết, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững./.
Cảm ơn các đại biểu đã tham gia cuộc Tọa đàm. Cảm ơn sự theo dõi của khán giả, bạn đọc.
Cổng TTĐT Chính phủ