Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco
Thoạt nhìn dáng nét mô phạm của Trần Bá Dương, ít ai nghĩ rằng ông là một doanh nhân tầm cỡ nhất Việt Nam hiện nay.
Ông sinh năm 1960 tại Thừa Thiên - Huế trong một gia đình không mấy khá giả, bố mất sớm, trong nhà lại đông anh em. Quãng đời tuổi thơ Trần Bá Dương sống trong thiếu thốn. Ông vừa theo đuổi việc học hành, vừa giúp đỡ mẹ làm đủ mọi công việc để mưu sinh với ý chí sẽ thay đổi cuộc sống trong tương lai. Ông thi đỗ và tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP. HCM chuyên ngành xe nâng cần trục năm 1982. Có tấm bằng kỹ sư, ông xin vào làm công nhân cho một công ty cơ khí ô tô và được giao nhiệm vụ quản lý một tổ sửa chữa.
Nhờ kiến thức được đào tạo, cộng với lòng yêu nghề và ý chí vươn lên, trong quá trình làm việc, Trần Bá Dương đã tích lũy kinh nghiệm, đề xuất nhều sáng kiến xuất sắc, đặc biệt là việc đề xuất dự án “Chuyển đổi tay lái nghịch”. Dự án này được Bộ GTVT chấp nhận. Đây là niềm khích lệ lớn trong bước khởi đầu “nhập môn” của doanh nhân tầm cỡ trong tương lai. Mấy năm sau, Trần Bá Dương xin nghỉ việc ở công ty để bước vào chặng đường mới - làm “ông chủ” doanh nghiệp.
Ngày 29/4/1997, Công ty Ô tô Trường Hải được thành lập tại khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai, người sáng lập chính là Trần Bá Dương. Khi mới thành lập, công ty chủ yếu kinh doanh nhập khẩu xe đã qua sử dụng về tân trang lại, sau đó cung cấp ra thị trường. Ngoài ra còn cung cấp các loại phụ tùng ô tô cần thiết cho người sử dụng.
Tuy nhiên, đó chỉ là bước khởi nghiệp để Trần Bá Dương thực hiện chí lớn. Năm 2002, ông quyết định ra Chu Lai (Quảng Nam) tìm “đất hứa” xây dựng “thiên đường” sản xuất ô tô. Một quyết định khá táo bạo khiến không ít người lúc bấy giờ cho là ảo tưởng bởi, Chu Lai không phải là trung tâm phân phối lớn của cả nước, việc vận chuyển đến các vùng miền không thuận lợi, chi phí đầu tư cao. Đặc biệt, nguồn nhân lực tại chỗ không có, phần lớn là nông dân, việc chuyển họ thành công nhân với tác phong công nghiệp là vô cùng khó.
Nhưng Trần Bá Dương không nhụt chí. Thời điểm đó, Chu Lai đã được Chính phủ quy hoạch xây dựng Khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước. Tuy nhiên, hạ tầng vẫn chưa có gì đáng kể, Trần Bá Dương đã tiên phong biến một vùng đất cát trắng cằn cỗi trở thành nơi dẫn đầu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Vượt qua những khó khăn chồng chất ban đầu, đến thời điểm 2011, Trần Bá Dương đã đưa Thaco phát triển vững mạnh hơn với ô tô.
Thaco đã xây dựng và phát triển bằng chiến lược khác biệt, tham gia thẳng chuỗi giá trị toàn cầu để khẳng định chất lượng, sự kiên định, quyết tâm dám nghĩ, dám làm. Ông tâm sự: “Làm công nghiệp đòi hỏi phải có đủ ý chí để vạch ra chiến lược dài hơi, nuôi khát vọng ngay từ đầu. Với ngành công nghiệp ô tô, nguồn lực đổ vào cũng không nhỏ, nên phải tính toán dòng tiền, bởi nếu không bán được hàng, thì sản xuất ra làm gì, nhà máy làm gì còn giá trị nào”.
Đến nay, sau 23 năm hình thành và phát triển, Thaco đã trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó ô tô và cơ khí là chủ lực, đồng thời phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh bổ trợ cho nhau, tạo ra giá trị cộng hưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm cả nông nghiệp; đầu tư xây dựng, logistics và thương mại & dịch vụ.
Khu Công nghiệp Thaco Chu Lai được xem là trung tâm sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ lớn nhất Việt Nam. Tại đây có 32 đơn vị trực thuộc Thaco, bao gồm các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, các nhà máy linh kiện phụ tùng và tổ hợp cơ khí; Cảng Chu Lai và các đơn vị giao nhận - vận chuyển đường bộ, đường biển; Các công ty đầu tư - xây dựng, trường Cao đẳng Thaco và các đơn vị hỗ trợ khác.
Những bước đi của Thaco trong lĩnh vực ô tô - cơ khí chế tạo ở buổi ban đầu đã tạo nền tảng mở rộng sang lĩnh vực logistics và tham gia nông nghiệp đều có liên quan mật thiết với nhau, bổ trợ cho nhau và cộng hưởng để tạo ra giá trị lớn hơn. Thaco đã hình thành trung tâm cơ khí đa dụng miền Trung mà sản phẩm đầu ra là các máy móc cơ khí phục vụ canh tác nông nghiệp, cơ giới hóa, cơ khí hóa trên toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất, trồng trọt, chế biến, vận chuyển, bảo quản.
Đây là bước tiếp theo trong mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp - một lĩnh vực quan trọng của đất nước. Ông Trần Bá Dương cho biết, chính Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã gợi ý cho ông tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Trước đó, Thaco đã đầu tư mạnh mẽ cho sản xuất các thiết bị, máy móc nông nghiệp; tiếp đó là thành lập công ty THADI với 5 khối kinh doanh chính là cây ăn trái, ngũ cốc, lâm nghiệp, chăn nuôi và vật tư nông nghiệp. Kế hoạch sản xuất kinh doanh của THADI bao gồm đầu tư vào nông trường và liên kết trồng cây ăn trái, cây lâm nghiệp tại Việt Nam, Campuchia; cung cấp vật tư nông nghiệp; thiết bị, nông cụ chuyên dụng theo nhóm sản phẩm; giải pháp cơ giới hóa và năng lượng tái tạo; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật phù hợp theo xu hướng số hóa; áp dụng phương pháp quản trị công nghiệp trong nông nghiệp theo chuỗi khép kín.
Từ những thành tựu và cống hiến vượt trội những năm qua, Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương đã được Nhà nước, Chính phủ, các địa phương và tổ chức kinh tế xã hội trao tặng nhiều phần thưởng danh giá. Đặc biệt là Huân chương Lao động các hạng Ba, Nhì, Nhất do Nhà nước trao tặng vào các năm 2008, 2012 và 2018. “Năm 2020, Thaco bước vào năm thứ ba thực hiện chiến lược phát triển trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành. Chúng tôi đã và đang nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, đồng thời đẩy nhanh chương trình tái cấu trúc, kiện toàn công tác quản trị cho mỗi lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo tinh thần Thaco – “Phát triển cùng đất nước”, ông Dương phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 15 năm Thaco - Chu Lai.