Ưu tiên phát triển giao thông kết nối Đồng bằng sông Cửu Long

27/10/2016 15:27

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tuy đã được tăng cường đầu tư trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn là điểm nghẽn (điểm yếu) do xuất đầu tư thường cao gấp đôi so với các vùng khác và nguồn vốn từ ngân sách lại có hạn.

(Vietnam Logistics Review)Hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tuy đã được tăng cường đầu tư trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn là điểm nghẽn (điểm yếu) do xuất đầu tư thường cao gấp đôi so với các vùng khác và nguồn vốn từ ngân sách lại có hạn.

Nhiều bất cập

Theo Bộ GTVT, Chính phủ rất quan tâm đầu tư phát triển hệ thống giao thông ở ĐBSCL; nhiều công trình quan trọng được đầu tư xây dựng tạo điều kiện đi lại và lưu thông hàng hóa dễ dàng, thuận tiện. Dù đạt một số kết quả đáng khích lệ nhưng so với tình hình chung của cả nước và nhu cầu phát triển của ĐBSCL, thì hệ thống giao thông còn hạn chế, nhất là logistics của vùng chưa được đầu tư khai thác đúng mức.

Trong 5 năm qua, 80-90% nguồn vốn đầu tư dành cho xây dựng đường bộ trong vùng, trong khi đường thủy chỉ chiếm 1,7%. Trong cơ cấu vốn dành cho đường bộ, thì vốn nhà nước chiếm tới gần 70%, vốn BOT rất thấp chỉ 16%. Thậm chí, số vốn dành cho các công trình BOT lại tập trung ở khu vực duyên hải - là những địa phương khó khăn nhất vùng (các cây cầu dọc tuyến QL 60) tạo ra gánh nặng cho người dân và DN.

Đầu tư cho giao thông thủy thì cũng thiếu đồng bộ, chỉ tập trung đầu tư mà xem nhẹ việc duy tu, bảo trì luồng lạch, trang thiết bị đường thủy, nâng cao năng lực bốc xếp, kho bãi… Chính vì điều này khiến 80% hàng hóa xuất khẩu của vùng phải qua TP.HCM hoặc cảng Cái Mép - Thị Vải, trong đó 90% phải sử dụng đường bộ. Trong khi đó, hệ thống cảng biển, cảng sông trên địa bàn cũng manh mún và các trung tâm logistic cũng không gắn kết với hệ thống cảng, khó đáp ứng được yêu cầu thu mua nông sản tập trung của DN.

Theo Viện nghiên cứu phát triển hạ tầng giao thông (Bộ Giao thông vận tải), việc đầu tư phát triển giao thông vùng ĐBSCL trong những năm qua còn mất cân đối, nặng về đầu tư phát triển đường bộ mà không quan tâm phát triển hệ thống đường thủy vốn là một thế mạnh của vùng.

Sự bất cập của hệ thống giao thông ở ĐBSCL đang gây bất lợi rất lớn cho tiềm năng phát triển kinh tế vùng. Do thiếu năng lực vận tải thủy, bộ mà DN xuất khẩu tới TP.HCM bằng đường bộ mất thêm tới 60% chi phí. Theo đánh giá của viện thì việc này cũng đồng thời làm tăng chi phí vận chuyển khi mà nhân lực cho ngành logistics của vùng rất yếu và thiếu.

Trong khi đó, hiện nay hoàn cảnh ngân sách còn khó khăn, phải tính toán, tận dụng và hài hòa các nguồn lực của ngân sách, xã hội phát triển hiệu quả nhất để phát triển hạ tầng giao thông vận tải và logistic của vùng ĐBSCL đang là một trong những vấn đề được nhà nước đặc biệt quan tâm và dành nhiều ưu tiên nhất hiện nay.

Ưu tiên phát triển giao thông

Từ những hạn chế đó, việc đẩy nhanh phát triển giao thông ĐBSCL trong thời gian tới là vô cùng cấp thiết. Theo kế hoạch, giai đoạn từ 2016-2020, về đường bộ dự kiến triển khai 39 dự án giao thông ở ĐBSCL với kinh phí khoảng 73.033 tỷ đồng; về hàng hải triển khai 23 dự án với tổng kinh phí khoảng 18.006 tỷ đồng; về đường thủy nội địa triển khai 12 dự án với tổng kinh phí dự kiến 11.027 tỷ đồng; về lĩnh vực hàng không sẽ đầu tư thay mới trạm radar thứ cấp sân bay Cà Mau, nâng cấp Cảng Hàng không Phú Quốc… Đối với hệ thống logistics, từ nay đến năm 2020 sẽ phát triển vùng ĐBSCL ngang tầm với khu vực, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế vùng phát triển; trong đó nghiên cứu chọn Cần Thơ làm trung tâm logistics của ĐBSCL.

Trong hội thảo chuyên đề “Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL” vừa diễn ra vào cuối tháng 8.2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng “tình hình đầu tư cũng như thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở ĐBSCL còn yếu, chưa tạo sự đột phá và chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa, đường biển… Do đó, việc quy hoạch, nhằm lựa chọn được các dự án giao thông trọng điểm có tính kết nối vùng là vô cùng cần thiết, nhằm giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí trong bối cảnh vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp….”

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, phối hợp với các tỉnh thành ĐBSCL khẩn trương rà soát, chọn các dự án “ưu tiên” đầu tư cấp bách cho giao thông vùng ĐBSCL, từ các nguồn vốn như trái phiếu Chính phủ, vốn tập trung, vốn ODA, các chương trình mục tiêu… Cụ thể, nên xem xét đầu tư nhanh những công trình cấp bách như: Nâng cấp Quản lộ Phụng Hiệp, nâng cấp Quốc lộ Nam Sông Hậu, hoàn thiện Quốc lộ 60, đẩy nhanh xây cầu Đại Ngãi, xây cầu Rạch Miễu 2, xây cầu Mỹ Thuận 2 nối Tiền Giang - Vĩnh Long bằng vốn ODA của Nhật Bản; tuyến nối thành phố Vị Thanh đi Bạc Liêu. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành cũng phải đặt ra phương án nghiên cứu một cảng nước sâu, và mở rộng năng lực khai thác của Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, có tính đến các nhu cầu phát triển “nóng” trong ngành này thời gian tới.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên phát triển giao thông kết nối Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO