Trung tuần tháng 7 vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra chuỗi sự kiện quốc tế - Hội nghị thường niên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA Rap) và Hội nghị giữa năm của Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA Mid- Year Conference), do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đăng cai tổ chức.
Chuỗi sự kiện đã nhận được sự quan tâm tham dự của lãnh đạo Liên đoàn FIATA, các Hiệp hội của FIATA khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 10 Hiệp hội của AFFA... Đặc biệt, có sự tham dự của gần 300 doanh nghiệp logistics quốc tế là các nhà cung cấp dịch vụ logistics từ 50 quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và các doanh nghiệp quan tâm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh phát triển logistics. Sự kiện còn thu hút hơn 40 cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước tham dự đưa tin.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), việc được tổ chức chuỗi sự kiện FIATA Rap và AFFA Mid-Year Conference vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm to lớn của ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp logistics và xuất khẩu của Việt Nam có dịp gặp gỡ, trao đổi hợp tác và học tập kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics từ hàng nghìn doanh nghiệp logistics hàng đầu trên thế giới; khẳng định vị trí của ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói riêng và quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Từ đó, mở ra cơ hội tăng cường xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và phát triển du lịch của Việt Nam; gia tăng triển vọng ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp hội viên của các Hiệp hội logistics ở khu vực và thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Sinh Nhật Tân, trong bài phát biểu tại FIATA Rap đã biểu dương VLA về việc đứng ra đăng cai tổ chức chuỗi sự kiện này. Ông khẳng định, đây là một sự kiện đặc biệt, góp phần thúc đẩy sự hợp tác đầu tư, kinh doanh và chia sẻ kiến thức, cùng nhau hướng tới tương lai cho ngành dịch vụ logistics và giao nhận vận tải Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và quốc tế nói chung. “Trong bối cảnh ngành dịch vụ logistics đang đối mặt với nhiều thay đổi khó lường và sự phát triển của khoa học công nghệ, xu hướng toàn cầu hóa đang mở ra nhiều cơ hội mới cùng với những thách thức cho ngành logistics, Hội nghị thường niên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế năm nay là cơ hội quý báu để các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics và xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước trong khu vực có dịp gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh cũng như chia sẻ những kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics mở ra cơ hội thúc đẩy xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Ông Alvin Chua, Chủ tịch AFFA cho rằng, trong thời gian tới, các thành viên cần hợp tác chặt chẽ hơn và theo sát tất cả các chương trình nghị sự để đảm bảo thực hiện chủ đề năm 2023: “Thúc đẩy Kinh tế và ngành Logistics trong ASEAN và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong thời kỳ hậu đại dịch thông qua chuyển đổi’’.
• Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA - International Federation of Freight Forwarders Associations) được thành lập ngày 31/5/1926, là tổ chức phi chính phủ, đại diện cho các nhà giao nhận vận tải, logistics trên 150 quốc gia. Thành viên của FIATA bao gồm 110 thành viên Hiệp hội Quốc gia và hơn 5.500 thành viên cá nhân, đại diện tổng thể cho ngành với 40.000 công ty giao nhận và logistics trên toàn thế giới. FIATA có tôn chỉ hoạt động là “Tiếng nói của ngành dịch vụ logistics toàn cầu”. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) là thành viên chính thức của FIATA, đại diện cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam từ tháng 5/1994.
• Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA - ASEAN Federation of Forwarders Associations) được thành lập từ ngày 07/12/1991, là một tổ chức liên Chính phủ khu vực bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á nhằm thúc đẩy giao nhận hàng hóa thông qua hợp tác liên chính phủ và tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa thông qua vận tải đa phương thức giữa các thành viên và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
• Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam – Viet Nam Logistics Business Association (VLA), được thành lập ngày 18 tháng 11 năm 1993, là “Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức, doanh nghiệp và các công dân Việt Nam trong hoạt động thương mại giao nhận kho vận, dịch vụ logistics.
Đặc biệt, với những chia sẻ về xu hướng phát triển mới trong lĩnh vực, công nghệ 4.0 tiên tiến trong ngành logistics của các chuyên gia trên thế giới và khu vực đã giúp các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nắm bắt được xu hướng phát triển, ứng dụng thực tiễn vào hoạt động kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời giúp tăng cường tính kết nối, tình hữu nghị và đoàn kết giữa tất cả các thành viên của cộng đồng giao nhận vận tải, logistics và thương mại của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và của toàn cầu nói chung.
Tại AFFA Mid-Year Conference, bà Nguyễn Minh Hằng, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao cho rằng, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước ASEAN để mở rộng và phát triển ngành logistics trên phạm vi toàn cầu và chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững hơn. “Bộ Ngoại giao, thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế, sẽ tăng cường hỗ trợ ngành logistics thực hiện sứ mệnh này và đồng hành cùng ngành logistics trên con đường phát triển. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ triển khai các sáng kiến hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics Việt Nam và ASEAN vì sự phát triển bền vững của ngành logistics trong khu vực”, bà Nguyễn Minh Hằng khẳng định.