Việt Nam trong xu hướng FTA thế hệ mới (Kỳ cuối)

08/05/2015 08:46

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Hiệp định Thương mại tự do - FTA thế hệ mới là một xu thế tất yếu của tự do hóa thương mại hiện nay và có tác động đáng kể đến các nước, trong đó có VN. Xu hướng này vừa mang lại cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra các thách thức lớn đối với nền kinh tế của mỗi một quốc gia.

(Vietnam Logistics Review) Hiệp định Thương mại tự do - FTA thế hệ mới là một xu thế tất yếu của tự do hóa thương mại hiện nay và có tác động đáng kể đến các nước, trong đó có VN. Xu hướng này vừa mang lại cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra các thách thức lớn đối với nền kinh tế của mỗi một quốc gia.

Cơ hội và thách thức

Cơ hội:

VN có điều kiện phát triển các mối quan hệ thương mại, đầu tư, hợp tác trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, nghiên cứu, giáo dục với các quốc gia thành viên, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với VN. Tạo sức ép thúc đẩy VN trong cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, cải cách nền kinh tế trong nước, chính sách và hệ thống pháp lý phù hợp. VN có cơ hội tiếp cận thuận lợi hơn với các thị trường trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản và Mỹ (hai thị trường chiếm gần 80% GDP của các nước tham gia Hiệp định TPP).

Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, VN tận dụng được lợi thế xuất khẩu khi mà thuế quan nhập khẩu vào các nước tham gia hiệp định được loại bỏ và sức cạnh tranh hàng hóa được tăng cường. Ngoài ra, lợi ích nhập khẩu cũng được phát huy khi tiếp cận các nguồn cung giá rẻ, giảm chi phí sinh hoạt và sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, thị trường cũng sẽ được mở rộng cho các nhà cung ứng dịch vụ của VN trên thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực thương mại của quyền sở hữu trí tuệ, việc thực thi các cam kết sẽ tạo ra sức ép hoàn thiện hành lang pháp lý và việc thực thi pháp luật trên thực tế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Mở ra nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực sản xuất và thương mại trong nước. Vấn đề mua sắm công được thực hiện một cách bình đẳng và minh bạch hơn, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng và là động lực cho sự phát triển nền kinh tế, khắc phục các bất cập liên quan đến mua sắm công và đấu thầu.

Thúc đẩy các DN VN không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh, phát triển công nghệ và nâng cao trình độ quản lý. Việc thực thi các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường sẽ tạo cơ hội cho VN thực hiện một cách triệt để vấn đề bảo vệ môi trường, hướng đến một nền kinh tế xanh.

Thách thức:

Về nhập khẩu, việc giảm thuế quan nhập khẩu sẽ khiến lượng hàng nhập khẩu gia tăng đáng kể với giá cạnh tranh hơn và thị phần hàng hóa VN cũng như các DN trong nước sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Đặc biệt, nhóm hàng nông sản từ người nông dân ở các vùng nông thôn là dễ bị tổn thương nhất.

Về xuất khẩu, mặc dù rào cản thuế quan và phi thuế quan được dỡ bỏ theo cam kết nhưng các DN trong nước phải đối mặt với mức độ cạnh tranh gay gắt ở các thị trường quốc tế và việc có thành công hay không còn phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của từng DN. Ngoài ra, để được hưởng ưu đãi thuế 0% đối với các mặt hàng thì các DN phải đáp ứng đầy đủ về quy tắc xuất xứ đối với hiện trạng sản xuất và thu mua nguyên liệu. Trong các FTA thế hệ mới, các quy định về tiêu chuẩn hàm lượng nội địa cao hơn rất nhiều so với các FTA truyền thống, do vậy đây cũng là khó khăn lớn đối với các DN VN.

Việc thực thi các yêu cầu cao về môi trường, lao động và việc thực hiện các quy định về cạnh tranh, phòng vệ thương mại, vệ sinh dịch tễ, rào cản kỹ thuật... cũng là những thách thức lớn đối với Nhà nước trong việc thực hiện cải cách, sửa đổi pháp luật, xây dựng cơ chế thực thi mới, đối với các DN sẽ là gánh nặng chi phí khi phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đặt ra.

VN cũng gặp không ít thách thức liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ khi mà vi phạm trên thực tế còn nhiều và cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa thực sự hiệu quả. Việc kéo dài thời gian bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo cam kết sẽ khiến nhiều DN VN trả chi phí bản quyền nhiều hơn và người tiêu dùng sẽ sử dụng sản phẩm với giá cao hơn.

Việc mở cửa thị trường mua sắm công sẽ khiến nhiều DN VN mất cơ hội kinh doanh vì khả năng cạnh tranh kém so với các DN nước ngoài. Thêm vào đó, các DN VN với năng lực còn non yếu cũng khó cạnh tranh để tham gia vào lĩnh vực mua sắm công ở các nước thành viên.

Việc nhiều nước chưa công nhận VN là nước có nền kinh tế thị trường (trong đó có Mỹ) cũng là một trở ngại và một thách thức không nhỏ.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Đối với Nhà nước:

Xác định rõ yêu cầu hội nhập trong bối cảnh hiện nay, tập trung thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế và có sự phân bổ nguồn lực một cách hợp lý hơn để mang lại hiệu quả cao nhất.

Tập trung vào ba trụ cột chính: cải cách thể chế kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tận dụng cơ hội từ quá trình tham gia các FTA thế hệ mới.

Hướng cải cách kinh tế theo chiều sâu để thực hiện một cách có hiệu quả các chương trình quan trọng như tái cơ cấu DN nhà nước, hệ thống tài chính – ngân hàng, các chương trình đầu tư trong các lĩnh vực công – nông nghiệp... nhằm tạo động lực vượt qua các thách thức từ quá trình tham gia các FTA thế hệ mới.

Xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh công bằng, thúc đẩy việc nâng cao năng suất lao động, trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đối với các DN:

Nâng cao nhận thức và hiểu biết về các FTA thế hệ mới, về các cơ hội có được và các thách thức phải đối mặt khi VN tham gia vào các FTA thế hệ mới. Nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản lý và chất lượng đội ngũ lao động trong DN. Tích cực tham gia vào các hiệp hội, liên kết với các DN cùng ngành trong nước để tạo ra sức mạnh vượt qua các khó khăn, thách thức của quá trình hội nhập.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam trong xu hướng FTA thế hệ mới (Kỳ cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO