Giá cước leo thang khiến doanh thu của doanh nghiệp logistics tăng cao, trong khi áp lực dòng tiền lớn, khó khăn tứ bề
Nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 và 16+ nên việc đi lại hoặc thay thế người lao động làm việc tại công ty gặp trở ngại. Yêu cầu người lao động, lái xe đều phải xét nghiệm COVID-19 làm tăng chi phí của các doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Cùng với đó, chi phí cho công tác phòng chống dịch tăng cao, nỗ lực nhằm duy trì sản xuất kinh doanh theo yêu cầu “3 tại chỗ” áp lực lớn đến doanh nghiệp. Đặc biệt, giá cước tàu tăng cùng hàng loạt các phụ phí từ hãng tàu trở thành gánh nặng tài chính lên chi phí logistics và áp lực nên doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Đại diện Hiệp hội VLA đề xuất Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và đặc biệt là VCCI đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Cụ thể, thứ nhất, đề nghị các điạ phương thống nhất quy định về phòng chống dịch trong hoạt động vận chuyển lưu thông hàng hoá và kiểm soát các lái xe. UBND tỉnh, thành phố nơi có các cửa khẩu quốc tế đường biển, đường hàng không phải ưu tiên phân “luồng xanh” cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ kết nối với các chuyến tàu, máy bay đã đặt lịch, hoặc nguyên liệu không đến kịp nhà máy gây đứt gãy sản xuất.
Thứ hai, tình trạng ùn tắc ở một số cảng khu vực phía Nam vừa qua cho thấy, cần thay đổi quy trình thủ tục giám sát hải quan theo hướng thuận lợi hóa thương mại, cho phép các doanh nghiệp khai báo hải quan chung theo tỉnh, thành phố hoặc khu vực lớn hơn và đưa hàng về các địa điểm thông quan trong khu vực dưới sự giám sát của hải quan như thông lệ của các nước Tây Âu - Bắc Mỹ sẽ làm giảm ùn tắc và quá tải cảng cửa ngõ và cũng là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Thứ ba, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp logistics. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Trong đó, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.
Tuy nhiên, với tình hình giá cước vận tải biển tăng cao, có những tuyến tăng gấp 10 lần như thời gian vừa qua, kéo theo doanh thu của những doanh nghiệp logistics đặc biệt là doanh nghiệp vận tải quốc tế tăng theo, nhiều doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại doanh thu đã vượt 200 tỷ. Nhưng điều này không đồng nghĩa với lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, ngược lại, áp lực về dòng tiền của doanh nghiệp lớn hơn rất nhiều.
Do đó, kiến nghị áp dụng giảm 30% thuế TNDN linh hoạt với ngành nghề lĩnh vực, có thể “nới” quy định về doanh thu lên mức phù hợp với doanh nghiệp logistics do diễn biến tăng giá cước như đã nói ở trên.
Cùng với đó, Nghị quyết 406 quy định "Giảm 30% thuế GTGT kể từ ngày 01/11 đến hết ngày 31/12/2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ vận tải". Tuy nhiên, quy định đã “vắng bóng” những “doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ vận tải”, mà thực tế doanh nghiệp vận tải khó khăn thì doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ đi kèm vận tải cũng khó khăn. Do đó, kiến nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ bao gồm các “doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ vận tải”, chứ không đơn thuần là “doanh nghiệp vận tải” như quy định tại Nghị định 406.
Đồng thời nghiên cứu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, triển khai gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi. Tiếp tục gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, gia hạn đối với thời hạn tăng giá thuê đất phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, giá BOT, phí và các lệ phí có liên quan khác, giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP. Hải Phòng và tới đây là TP. HCM.
Để giải quyết khó khăn trong việc các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước vận chuyển cao liên tục làm ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập khẩu, đề nghị các Hiệp hội ngành hàng, VLA cùng với VCCI có sự phối hợp, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp thành viên trong việc trao đổi thông tin về tình hình thị trường giá cước, container rỗng và hoạt động nghiệp vụ để cùng là đối tác giải quyết với các hãng vận chuyển trong việc lưu cước, giá cước, và giảm phụ phí hàng hải.
Đề nghị các Bộ, ngành quản lý như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính có sự chỉ đạo hiệu quả trong việc thực thi các văn bản pháp luật như Nghị định 146 về khai báo cước phí vận chuyển đường biển của các hãng tàu container nước ngoài và hạn chế việc tăng cước vận chuyển vô kiềm tỏa (thiếu kiểm soát) như hiện nay. Đồng thời, không được tăng và có biện pháp giảm hoặc loại bỏ một số phụ phí trong 12 loại phụ phí đường biển cao như hiện nay. Đây là một vấn đề cấp bách mà các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu của nước ta đang yêu cầu được giải quyết.
Thứ năm, đề nghị Chính phủ có quyết sách phát triển vận chuyển vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam. Cụ thể là phát triển đội tàu container cỡ lớn kinh doanh tuyến xa như châu Mỹ, châu Âu, đáp ứng phần nào yêu cầu chuyên chở hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và cũng là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước.
Thứ sáu, đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông, các bộ ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong việc chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động kinh doanh, nhất là phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.