(Vietnam Logistics Review)Ngày 20.6.2017, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) đã chính thức công bố Ban lãnh đạo mới và thông qua định hướng hoạt động trong giai đoạn mới, nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ liên quan đến phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics Việt Nam trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics Việt Nam theo quyết định 200/QĐ-TTg (ngày 14.02.2017).
Những nền móng ban đầu
Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI) là tổ chức khoa học – công nghệ đầu tiên của ngành dịch vụ logistics Việt Nam, được thành lập theo quyết định số 21/QĐ – VIFFAs, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động 242/ĐK-KHCN, được thành lập bởi Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam – VLA (tiền thân là Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam – VIFFAs), có sứ mệnh tập hợp các nguồn lực, thực hiện nghiên cứu, tư vấn đào tạo và chuyển giao công nghệ, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển ngành logistics Việt Nam đạt ngang tầm khu vực.
Với tầm nhìn dài hạn phục vụ cho sự phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam, VLI đã có sự đầu tư để đóng góp tích cực cho sự phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành. Từ năm 2011, khởi đầu từ chương trình hợp tác với FIATA tổ chức chương trình đào tạo FIATA Diploma, FIATA Higher Diploma; Hợp tác với Ban đào tạo AFFA, VLI đã tổ chức các khóa đào tạo mang tầm khu vực đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Với chương trình FIATA Diploma, FIATA Higher Diploma đến cuối 2016, sau 6 năm triển khai, VLI đã tổ chức 26 khóa đào tạo (mỗi khóa thực hiện 10 tháng) với số lượng học viên là 326. Đó là chưa kể hàng trăm khóa đào tạo ngắn hạn được tổ chức nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của nghiệp vụ quản lý chuỗi cung ứng, quản lý kho vận, quản lý vận tải, vận tải đa phương thức và quản lý giao nhận…
PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, tân Viện trưởng Viện VLI chụp hình lưu niệm cùng Ban Chấp hành Hiệp hội VLA
Bên cạnh công tác đào tạo, VLI cũng là đơn vị có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu cho ngành logistics, chẳng hạn như:
- Xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực dịch vụ logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
- Dự án Quy hoạch phát triển ngành logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030;
- Lập Nghiên cứu khả thi Trung tâm logistics Sotrans Cát Lái;
» VLI đã được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ giao thực hiện nghiên cứu quy hoạch logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào đầu năm 2017.
Những nền tảng của VLI phải kể đến sự đóng góp rất quan trọng của nhiều chuyên gia, doanh nhân tâm huyết như: TS. Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội VLA; TS. Đặng Vũ Thành; TS. Mai Xuân Thiệu; ông Nguyễn Tương; ThS. Trần Chí Dũng; bà Tạ Thị Mỹ Phương… cùng các đối tác trong và ngoài nước như: tổ chức IATA, FIATA, AFFA, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu,…
Nhiệm vụ mới trong giai đoạn mới
Năm 2017, với định hướng triển khai hành động cụ thể, thiết thực theo quyết định 200/QĐ-TTg (ngày 14.02.2017) trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành logistics Việt Nam, VLI đã có sự tham gia của nhiều chuyên gia có uy tín trong ngành. Ngày 20.6.2017, VLA chính thức công bố Ban lãnh đạo mới của Viện VLI và giới thiệu định hướng hoạt động trong thời gian sắp tới để triển khai các mục tiêu nói trên. Tại Lễ công bố, ông Lê Duy Hiệp đã đọc quyết định bổ nhiệm PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa đảm nhiệm vai trò Viện trưởng.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm gắn với công tác đào tạo trong ngành logistics, PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa đã có nhiều đóng góp về chuyên môn thông qua các dự án nghiên cứu trong và ngoài nước, các khóa đào tạo chuyên ngành. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu với thế giới và chuẩn hóa trình độ, kỹ năng nghề lên tầm khu vực ASEAN là một trong những mục tiêu vươn đến. Tầm nhìn của VLI được xác định rõ ràng là “niềm tin hàng đầu Việt Nam về đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, tư vấn, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng hướng tới sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” cùng với sứ mệnh cụ thể:
- VLI cam kết cung cấp cho cộng đồng những sản phẩm đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng gắn với định hướng phát triển của ngành.
- Là nơi đào tạo tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics Việt Nam.
- Là nguồn cung cấp nhân lực logistics đạt chuẩn cho thị trường lao động trong nước và quốc tế.
- Trở thành tổ chức nghiên cứu chuyên nghiệp trong nước và quốc tế về lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng.
Kế hoạch hành động của VLI tập trung chủ yếu vào công tác đào tạo cho hội viên VLA bằng những chương trình đào tạo thật cụ thể, thiết thực, đa dạng nội dung cho nhiều trình độ khác nhau. Những nội dung này được sự ủng hộ, định hướng của Hội đồng cố vấn của VLI gồm: PGS.TS. Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông
vận tải TP. HCM (Chủ tịch Hội đồng cố vấn); NGND.GS.TS. Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam; TS. Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Chiến lược giao thông vận tải, Trường Đại học Giao thông vận tải.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội VLA phát biểu tại Lễ công bố Ban lãnh đạo Viện VLI
Và hội đồng chuyên gia của VLI gồm: GS.TS. Đoàn Thị Hồng Vân, PGS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, TS. Lý Bách Chấn, TS. Nguyễn Văn Khoảng, TS. Nguyễn Văn Hinh, TS. Trần Nguyên Khôi (Singapore), TS. Nguyễn Tuấn Hoa, LS. Vũ Xuân Phong, Ông Nguyễn Tương, LS. Ngô Khắc Lễ.
Ban lãnh đạo VLI tiếp tục nhận được sự ủng hộ của quý hội viên VLA với tổng số tiền ủng hộ tại sự kiện là hơn 125 triệu đồng để làm quỹ phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo. Với sự chung tay, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam, sự ủng hộ của các chuyên gia trong ngành, chúng tôi tin hoạt động đào tạo của VLI sẽ có nhiều hoạt động mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.