Cũng trong tháng, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 1,55 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 20/1/2019, cả nước có 226 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 805 triệu USD, tăng 81,9% so với cùng kỳ năm 2018; có 72 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 340,2 triệu USD, bằng 74,5% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó có 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với tổng giá trị vốn góp 761,8 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ 2018.
Cũng theo thống kê, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm với tổng số vốn đạt 1,19 tỷ USD, chiếm 62,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 185,8 triệu USD, chiếm 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 179,1 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký...
Tháng 1/2019 có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư gần 364 triệu USD, chiếm 19% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 349,1 triệu USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 307,8 triệu USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư...
Trong khi đó, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 39 tỉnh thành phố. TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng số vốn đăng ký là 745,7 triệu USD, chiếm 39,1%. Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 240 triệu USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư. Hải Dương đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 125,7 triệu USD chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư...
Như vậy, tính lũy kế đến ngày 20/1/2019, cả nước có 27.643 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 340,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 191,4 tỷ USD, bằng 56,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.