Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào nước ta; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
(Trích Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019)
Nghị quyết 50-NQ/TW (ngày 20/8/2019) của Bộ Chính trị đề ra các mục tiêu thu hút FDI trong giai đoạn 2021-2025 với số vốn đăng ký 150-200 tỷ USD, vốn thực hiện 100-150 tỷ USD; tương ứng giai đoạn 2026-2030 là 200-300 tỷ USD và 150-200 tỷ USD.
Về chất lượng, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao phấn đấu tăng 50%, tỷ trọng lao động qua đào tạo tăng 70%, tỷ lệ nội địa hóa tăng 30% vào năm 2025 và tăng tương ứng 100%; 80% và 40% vào năm 2030 (so với 2018).
Điểm đến an toàn
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là dòng vốn đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong hai năm qua, mặc dù dịch Covid -19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng lạc quan. Chỉ tính riêng năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.
Bước sang năm 2022, được coi là năm có nhiều kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,81 tỷ USD.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,85 tỷ USD, chiếm 65,1% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,77 tỷ USD, chiếm 19,7%; các ngành còn lại đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 15,2%.
Riêng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam tính chung 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD. Đây là con số cao nhất của 4 tháng các năm 2018-2022,
Từ các số liệu trên cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Đòn bẩy thu hút giới đầu tư các nước
Theo Bộ KH&ĐT, dòng vốn FDI của Mỹ hiện đang chảy mạnh vào Việt Nam. Tính riêng bốn tháng đầu năm nay, các công ty Mỹ đã đầu tư vào nước ta gần 170 triệu USD. Lũy kế đến tháng 4/2022, các công ty Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam gần 1.200 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 10,47 tỉ USD. Con số này cao thứ 11 trong 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại nước ta.
Điều đáng nói là, sự đầu tư của các công ty Mỹ rất bài bản, chuyên nghiệp, lâu dài; mang đến công nghệ mới, việc làm, kiến thức kỹ thuật và chuyên môn, gia tăng ngoại hối… góp phần thúc đẩy phát triển môi trường đầu tư, kinh tế Việt Nam. Điển hình như Tập đoàn General Electric (GE), đã có gần 30 năm đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực từ truyền tải điện, hàng không đến thiết bị y tế… Từ đó đã góp phần hiện đại hóa ngành điện, y tế, dầu khí VN. Ngoài ra, tập đoàn này còn xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nặng “Made in Vietnam” là các động cơ máy bay ra thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, phải kể đến Quỹ đầu tư Warburg Pincus. Đây là một trong những quỹ đầu tư tư nhân lâu đời nhất và lớn nhất trên toàn cầu. Warburg Pincus có trụ sở chính tại New York với hơn 200 chuyên gia đầu tư tại 14 văn phòng tại 10 quốc gia. Kể từ khi thành lập, Warburg Pincus đã huy động được 19 quỹ đầu tư tư nhân và đầu tư hơn 94 tỷ USD vào hơn 940 công ty tại hơn 40 quốc gia. Hiện nay, Quỹ đang quản lý hơn 64 tỷ USD tài sản vốn cổ phần tư nhân, với danh mục đầu tư hoạt động của hơn 205 công ty trong nhiều lĩnh vực, bao gồm bất động sản, dịch vụ tài chính, tiêu dùng, công nghệ…
Việt Nam là điểm đến đầu tư lớn thứ ba ở châu Á của Warburg Pincus (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Kể từ năm 2013, Quỹ đã đầu tư gần 2 tỷ USD để giúp xây dựng và phát triển các công ty hàng đầu Việt Nam, liên doanh với Vingroup, VinaCapital, Techcombank, Becamex, ví điện tử MoMo…; trong đó có dự án Khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm và Metropole Hà Nội (liên doanh với Hanoi Tourist).
Ngoài ra, các tên tuổi hàng đầu nước Mỹ cũng đã hiện diện tại Việt Nam như Apple, Qualcomm, Nike, Morgan Stanley, ACORN International, General Dynamics, Google… Đặc biệt, hãng Boeing mới đây cho biết muốn mở rộng các cơ sở tại Việt Nam để cung cấp nguyên liệu, xây dựng trung tâm kỹ thuật, mở rộng kết nối với các đối tác trong nước.
Theo Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại VN, gần 80% nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam đánh giá rất tích cực hoặc khả quan về triển vọng trung lẫn dài hạn về Việt Nam và đã lên kế hoạch đầu tư thêm.
TS Majo George. Trường Đại học RMIT Việt Nam nhìn nhận, dòng vốn FDI của Mỹ chảy vào Việt Nam nhiều hơn sẽ giúp nâng cao mức sống cũng như hình ảnh đất nước như một điểm đến thân thiện để đầu tư. Đặc biệt sự hiện diện của các nhà đầu tư tên tuổi Mỹ tại Việt Nam sẽ là đòn bẫy mạnh mẽ để thu hút giới đầu tư các nước khác vào Việt Nam
Hợp tác đầu tư và cạnh tranh lành mạnh
Trong chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm, làm việc tại Liên hợp quốc, Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trung tuần tháng 5 vừa rồi, Thủ tướng đã tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu Hoa Kỳ và các doanh nghiệp do người Việt Nam đứng đầu.
Thông qua các hoạt động, các diễn thuyết, phát biểu, Thủ tướng khẳng định chủ trương nhất quán, kiên định, xuyên suốt của Việt Nam là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, dựa trên 3 trụ cột là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến Thương mại - Đầu tư - Du lịch giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, tổ chức tại thành phố San Francisco ngày 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hai nước tiếp tục tìm hiểu, hợp tác đầu tư, góp phần đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn. Trong đó, ngoài tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, đề nghị các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư và góp phần làm phát triển thị trường vốn tại Việt Nam lành mạnh, bền vững, đúng với tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW (ngày 20/8/2019) của Bộ Chính trị đó là, “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp”.