Vương quốc Bỉ đứng thứ 6/24 quốc gia thành viên EU đang đầu tư tại Việt Nam

Thành Nam (tổng hợp) |21/08/2023 19:59

Hôm nay (21/8), tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ và Nghị viện Bỉ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Bỉ và EU, nhất là gạo, cà phê; tăng cường hợp tác trong chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng, dịch vụ tài chính – ngân hàng, logistics...

210820231251-dsc-4448-949-1-.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Bỉ ký ý định thư hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Bỉ.  Ảnh: VietnamNet

Năm 2023, Việt Nam và Vương quốc Bỉ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 05 năm Đối tác Chiến lược về nông nghiệp. Việt Nam và Bỉ đã thiết lập và tiến hành 04 kỳ tham vấn chính trị luân phiên cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ năm 2013 tới nay và nhiều cơ chế hợp tác về ngoại giao, kinh tế và với các vùng và cộng đồng của Bỉ. Hai nước cũng hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức pháp ngữ, ASEM, ASEAN, hợp tác tiểu vùng sông Mê Công và cùng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023- 2025

Về kinh tế, Chính phủ hai nước trao đổi hợp tác thông qua Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế được thiết lập từ năm 2011. Bỉ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trong EU. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng từ 6- 10%/năm và sụt giảm 10% năm 2020. Tới năm 2022, thương mại hai chiều đạt 4,730 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ đạt hơn 3,9 tỷ USD.

Về đầu tư FDI, tính đến tháng 3/2023, Bỉ có 89 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 1,1 tỷ USD , đứng thứ 23/139 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 6/24 quốc gia thành viên EU đang đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam có 4 dự án đầu tư tại Bỉ với giá trị 12,6 triệu USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Về hợp tác phát triển, Bỉ đã hỗ trợ 300 triệu USD viện trợ phát triển cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực nước sạch, xử lý rác thải, tăng cường thể chế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, góp phần giúp Việt nam trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Sau năm 2018, Bỉ tiếp tục hợp tác theo hướng phá triển thông qua gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ Bỉ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bỉ là thị trường hàng nông sản đứng thứ 4/28 nước EU của Việt nam, nhất là thủy sản và cà phê. Hiện nay hai bên đang hợp tác kỹ thuật giữa các trường, viện nghiên cứu nông nghiệp; phát triển hệ thống hậu cần đường thủy phục vụ xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang châu Âu; công nghệ khử mặn, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh; thúc đẩy triển khai chuỗi logistics lạnh thông minh, hợp tác phát triển ngành cacao, an toàn thực phẩm,…

Trong các lĩnh vực khác, hai bên có cơ chế Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học- công nghệ (định kỳ 3 năm/lần) và đã tổ chức 6 kỳ họp; các hiệp định hợp tác về văn hóa và giao thông. Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng- an ninh và giáo dục và đào tạo được tăng cường. Cộng đồng Việt Nam tại Bỉ có khoảng 13.000 người với 12 hội đoàn người Việt.

ttxvn_cong_ty_bi.jpg
Công ty Cổ phần Rent A Port (Bỉ) đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp Đình Vũ tại Hải Phòng, nay là Tổ hợp Khu Công nghiệp DEEP C. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tại chuyến thăm Vương quốc Bỉ của Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 12/2022), hai Thủ tướng khuyến khích các cơ quan và doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Bỉ sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA); khuyến khích các doanh nghiệp Bỉ đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, hệ thống hậu cần, cảng biển, hạ tầng chiến lược; ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam.

Về phần mình, Thủ tướng Vương quốc Bỉ, Ngài Alexander De Croo khẳng định Hiệp định EVFTA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên; chia sẻ sự quan tâm và sẽ thúc đẩy sớm thông qua Hiệp định EVIPA; đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững, sẽ chuyển đề nghị đến EC để xem xét gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam..

Về Đối tác chiến lược về nông nghiệp, tại Hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bỉ hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh; hỗ trợ các giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn và hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hai bên thúc đẩy cơ chế hợp tác ba bên với các nước châu Phi, với sự hỗ trợ về tài chính và hậu cần của Bỉ, để cùng ứng phó với vấn đề an ninh lương thực trên thế giới. Phía Bỉ ủng hộ việc hai bên triển khai mạnh mẽ, hiệu quả Đối tác chiến lược về nông nghiệp, đề nghị lập Nhóm làm việc chung để sớm có các dự án hợp tác cụ thể.

Tại Hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Bỉ Stéphanie D’Hose nhân chuyến thăm của Bà, hôm nay (21/8), tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ và Nghị viện Bỉ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Bỉ và EU, nhất là gạo, cà phê; tăng cường hợp tác trong chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng, dịch vụ tài chính – ngân hàng, logistics...

Nguồn: VGP, VietnamNet

Bài liên quan
  • Nhìn lại 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)
    Hiệp định EVFTA (được kí kết vào 30/6/2019) hay còn được gọi là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, là thỏa thuận được kí kết giữa 28 nước thành viên liên minh châu Âu và Việt Nam. Không chỉ loại bỏ hơn 99% thuế hải quan đối với hàng hóa, hiệp định còn mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam cho các công ty EU và tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Vương quốc Bỉ đứng thứ 6/24 quốc gia thành viên EU đang đầu tư tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO