(Vietnam Logistics Review) Chủ trương cho tư nhân tham gia xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đã triển khai ở các nước phát triển nhiều năm. VN không thể đứng ngoài xu thế đó. Hiện nay, việc xã hội hóa đầu tư trong ngành GTVT, trong đó có ngành hàng hải đã thể hiện được vai trò của Chính phủ, các Bộ, ban ngành về sự quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
TRẢI THẢM ĐỎ CHO TƯ NHÂN TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC
Việc xã hội hóa đầu tư lĩnh vực hàng hải thời gian qua đã làm rất tốt, tỷ trọng đầu tư tư nhân đạt 75-80%, vốn Nhà nước đầu tư chỉ trên 20%.
Hiện đã có khá nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia các dự án này với số vốn dự kiến lên tới gần 7 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2015-2016, đã có 3 dự án đang được các nhà đầu tư tư nhân đăng ký tham gia và chuẩn bị được triển khai gồm: Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu (Giai đoạn 2) theo hình thức đối tác công tư, có tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến luồng Thọ Quang cho tàu đến 10 nghìn DWT, tổng mức đầu tư 126 tỷ đồng; Dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp tuyến luồng Nghi Sơn cho tàu đến 50 nghìn DWT theo hình thức đối tác công tư, có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng. Nhờ đó, năm 2014, tổng sản lượng vận tải của các phương thức kinh doanh hàng hải đạt gần 19%, trong năm 2014, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển ước đạt 370,3 triệu tấn, tăng 14% so với năm 2013.
Theo hình thức này, nhà nước sẽ mời gọi các nhà đầu tư tư nhân vào đầu tư phát triển cảng biển, luồng lạch, còn đối với những dự án không hấp dẫn, hoặc dự án có tính chất đảm bảo quốc phòng, an ninh thì nhà nước sẽ đầu tư. Cảng Lạch Huyện sẽ là dự án cuối cùng Nhà nước đầu tư vốn vào hàng hải.
Theo đó, Cục Hàng hải cũng rà soát, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, dự kiến trong quý II.2015 sẽ hoàn thành các thông tư, quyết định liên quan mức phí bảo đảm hàng hải đối với luồng hàng hải do doanh nghiệp đầu tư, khai thác; phí, lệ phí hàng hải... nhằm trải thảm đỏ cho tư nhân trong và ngoài nước đầu tư, và "nói không với đầu tư cảng bằng ngân sách" như Bộ GTVT đã khẳng định.
XÃ HỘI HÓA NGÀNH HÀNG HẢI – ĐIỂM SÁNG CHO LOGISTICS
Mục tiêu kêu gọi vốn xã hội hóa trong thời gian tới sẽ có nhiều chính sách, cơ chế thay đổi. Bộ GTVT sẽ tiếp tục huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải, với danh mục các dự án đầu tư rõ ràng, minh bạch để các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu. Đẩy mạnh chính sách nhượng quyền để tạo ra nguồn lực đầu tư.
Thực hiện Đề án huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải, tới đây, Cục Hàng hải VN sẽ công bố danh mục trên 40 dự án kêu gọi các nguồn vốn xã hội đầu tư giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, có 10 dự án luồng tuyến vận tải hàng hải, 19 dự án cảng biển, ba dự án hệ thống hàng hải điện tử và 9 công trình neo đậu, tránh trú bão, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 43.000 tỷ đồng.
Tại Quyết định số 4804/QĐ-BGTVT ngày 19.12.2014 trong đó thực hiện nạo vét duy tu 11 tuyến luồng với tổng kinh phí là 661 tỷ đồng, Cục Hàng hải VN đã ký kết các Hợp đồng cung ứng dịch vụ công ích nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải năm 2015 với các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải.
Cụ thể, đối với các luồng hàng hải Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu, đây là 02 tuyến luồng hàng hải thí điểm nạo vét duy tu theo cơ chế đấu thầu rộng rãi với hợp đồng trọn gói 2 năm 2015-2016, Cục Hàng hải đã phê duyệt Hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà thầu thi công, đến nay công tác lựa chọn nhà thầu thi công đã và đang thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu thi công và triển khai thi công vào cuối tháng 3.2014.
Đối với 09 luồng hàng hải: Phà Rừng, Hòn Gai - Cái Lân, Nghi Sơn, Đà Nẵng, Định An - Cần Thơ, Soài Rạp - Hiệp Phước, Sông Dinh, Vũng Tàu - Thị Vải, Quy Nhơn, các Tổng công ty BĐATHH miền Bắc, miền Nam đang triển khai lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các công trình nạo vét duy tu, trình Cục Hàng hải phê duyệt để triển khai các bước tiếp theo. Ngoài ra, Cục HHVN đã phê duyệt tiến độ chi tiết thực hiện nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải năm 2015.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nay đến năm 2020, VN cần từ 16-17 tỷ USD/năm cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong khi khả năng đáp ứng theo cách truyền thống là từ ngân sách chỉ khoảng 50-60%. Các chuyên gia cho rằng con đường duy nhất là cần mở rộng các kênh đầu tư mới trong xã hội, phải có các cơ chế chính sách đột phá nhằm huy động được khối tư nhân tham gia tích cực hơn trong phát triển kết cấu hạ tầng. Và để làm được điều này, cần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư... Như vậy, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn chế, chủ trương đẩy mạnh xã hội hội hóa đầu tư hạ tầng GTVT, trong đó có ngành hàng hải tạo điều kiện phát triển ngành logistics, và từ đó tạo sức lan tỏa cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.