Xây dựng cảng cạn ở Việt Nam phải đáp ứng những quy chuẩn gì?

Báo Giao thông|08/07/2019 08:27

(VLR) Việc hình thành cảng cạn phải đáp ứng nhiều quy chuẩn kỹ thuật cả về phương thức kết nối và kết cấu hạng mục, hạ tầng,…

Việt Nam hiện có 6 cảng cạn đã được Bộ GTVT công bố mở

Việt Nam hiện có 6 cảng cạn đã được Bộ GTVT công bố mở

Cục Hàng hải VN vừa lấy ý kiến về dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cảng cạn để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo dự thảo, cảng cạn (ICD) là một bộ phận thuộc hạ tầng kết cấu GTVT, là tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cảng đường thủy nội địa, cửa khẩu đường bộ quốc tế, có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

“Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình khai thác, vị trí của cảng cạn phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, gắn với các hành lang vận tải chính phục vụ phát triển kinh tế vùng.

Đặc biệt, cảng cạn phải có ít nhất 2 phương thức vận tải hoặc kết nối trực tiếp với một phương thức vận tải có năng lực cao; Phải đảm bảo đủ diện tích bố trí nơi làm việc cho các cơ quan liên quan”, nội dung dự thảo nêu rõ.

Dự thảo cũng quy định cụ thể về quy mô và các hạng mục liên quan đáp ứng quy chuẩn của một cảng cạn. Cụ thể, diện tích tối thiểu của cảng cạn không được nhỏ hơn 5ha. Các hạng mục công trình chính của cảng cạn, bao gồm: Hệ thống kho, bãi hàng hóa (bãi container, kho CFS,…); Các hạng mục đảm bảo an ninh trật tự (cổng, tường rào, thiết bị soi chiếu, trang thiết bị giám sát, kiểm soát, thanh tra và lưu giữ của hải quan); Bãi đỗ xe cho các phương tiện hoạt động trong ICD; Đường giao thông nội bộ và giao thông kết nối với hệ thống giao thông vận tải công cộng ngoài khu vực cảng cạn; Khu văn phòng cho các cơ quan như: hải quan, kiểm dịch, tài chính, ngân hàng; Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải và cơ sở hạ tầng phòng cháy chữa cháy.

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ GTVT công bố mở 6 ICD bao gồm: ICD Phúc Lộc - Ninh Bình; ICD Km3+4 Móng Cái (Quảng Ninh); ICD Hải Linh (Phú Thọ), ICD Tân Cảng Hải Phòng; ICD Đình Vũ - Quảng Bình (Hải Phòng) và ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Theo quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mới được Bộ GTVT phê duyệt, giai đoạn đến năm 2025, miền Bắc sẽ có các cảng cạn, cụm cảng cạn có công suất khoảng 1,3 - 2,2 triệu TEU/năm; giai đoạn đến năm 2030 khoảng 3,8 - 5,2 triệu TEU/năm.

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất xấp xỉ 124.000 - 322.000 TEU/năm, giai đoạn đến năm 2030 khoảng 510.000 - 911.000 TEU/năm.

Khu vực miền Nam với việc tập trung nhiều cụm cảng biển trọng điểm sẽ có nhiều cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất chạm ngưỡng 4,2 - 6,1 triệu TEU/năm. Giai đoạn đến năm 2030, khu vực này sẽ có các cảng lên đến khoảng 9,5 - 13 triệu TEU/năm.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cảng cạn ở Việt Nam phải đáp ứng những quy chuẩn gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO