Chuyển đổi số (số hóa) chuỗi cung ứng là việc ứng dụng các giải pháp công nghệ để tối ưu hóa quy trình cung ứng, giúp quá trình này diễn ra nhanh hơn, chủ động và đáp ứng được khối lượng giao dịch lớn hơn. Cụ thể là xây dựng các hệ thống IoT (internet of things) gồm nhiều thiết bị đầu cuối cho phép truyền dữ liệu trong toàn bộ hệ thống như cảng biển, kho bãi,… mà không cần nhập data đầu vào một cách thủ công.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã ứng dụng các thành tựu như phương tiện tự động lái ứng dụng A.I (A.I self-driving vehicles), nền tảng công nghệ điện toán đám mây trong Logistics, Blockchain,… Tại Việt Nam, theo xu hướng phát triển ngành Logistics, nhiều doanh nghiệp chủ động xây dựng nền tảng hệ sinh thái số và hệ thống ePORT giúp giải quyết nhanh chóng các hoạt động Logistics từ khai thác cảng cho tới giao nhận hàng hóa, dịch vụ, giải quyết hóa đơn – chứng từ,…
Theo Báo cáo “Thương mại điện tử " gần đây thì thị trường bán lẻ thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam được dự báo tăng 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, Logistics chính là yếu tố quan trọng mang đến sự tăng trưởng mạnh mẽ này. Quy trình giao nhận hàng hóa được tối ưu cả về chất lượng dịch vụ và thời gian chính là động lực tăng trưởng của TMĐT.
Bên cạnh đó, xu hướng phát triển ngành Logistics gắn liền với mua sắm trực tuyến cũng chính là yếu tố khiến sự cạnh tranh giữa các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Việc chủ động dịch vụ vận chuyển, xây dựng nền tảng công nghệ và hệ thống Logistics, mở rộng quy mô kho bãi, tăng điểm phân phối hàng hóa đã đáp ứng nhu cầu của người dùng, gia tăng trải nghiệm khách hàng. Từ đó, thúc đẩy khách hàng tiếp tục mua sắm trên các kênh trực tuyến.
Cùng với xu hướng phát triển bền vững (Sustainable development), khái niệm Logistics xanh (Green Logistics) ngày càng được quan tâm. Logistics xanh được dùng để chỉ những chiến lược và phương thức quản trị các hoạt động phân phối có hiệu quả, từ đó nhằm giảm thiểu phát thải carbon, giảm tỷ trọng năng lượng không tái tạo (dầu mỏ, than đá, khí đốt), hạn chế ô nhiễm không khí và lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
Trên thực tế, ngành Logistics chưa thể loại bỏ hoàn toàn năng lượng không tái tạo. Do đó, trong tương lai gần, xu hướng phát triển Logistics xanh tập trung vào việc tối ưu quy trình sản xuất, mua hàng, kho bãi và quản lý vận chuyển, từ đó giảm lãng phí nhiên liệu.
Hệ thống cơ sở hạ tầng cho Logistics chủ yếu gồm 2 nhóm: Hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) và hạ tầng công nghệ. Hạ tầng GTVT gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không cùng với hệ thống công trình phụ trợ: Đường sá, nhà ga, sân bay và các cảng biển. Hạ tầng công nghệ thông tin gồm hệ thống phần mềm và thiết bị điện tử phục vụ cho việc quản lý quy trình, quản lý vận chuyển, lưu kho và kiểm kê.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam chưa hoàn thiện và đồng bộ. Cụ thể, hệ thống đường bộ (đặc biệt là đường cao tốc) giữa các địa phương và quy hoạch cảng biển, kho bãi còn phân tán, thiếu tính kết nối. Đây chính là rào cản lớn đối với sự phát triển các hoạt động vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, lưu trữ kho bãi, quản trị chuỗi cung ứng toàn diện tại Việt Nam hiện nay.
Logistics là ngành dịch vụ có tốc độ phát triển mạnh mẽ, tác động tới hầu hết mọi lĩnh vực từ sản xuất công nghiệp cho tới thương mại – dịch vụ. Do đó, các doanh nghiệp phải nắm bắt được những xu hướng phát triển ngành Logistics trên thế giới
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn bị động trước những thay đổi từ môi trường kinh doanh xung quanh. Vì chưa có đủ năng lực dự báo và phân tích, không có thói quen chủ động cập nhật thông tin,… mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam không kịp đối phó với rủi ro khi thị trường biến động, lỡ mất những cơ hội lớn từ thị trường thế giới.
Cũng phải nói thêm, hầu hết các hoạt động Logistics tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều đi theo quy trình tiêu chuẩn truyền thống. Việc áp dụng công nghệ thông minh có thể thúc đẩy sự linh hoạt trong dịch vụ Logistics tại Việt Nam, tuy nhiên cốt lõi của tình trạng khan hiếm các giải pháp sáng tạo đến từ quy mô và tư duy của doanh nghiệp. Cụ thể, đội ngũ nhân lực còn hạn chế ngay cả khi đã ứng dụng giải pháp chuyển đổi số, việc quản trị và thực thi dịch vụ Logistics vẫn còn rất phức tạp, dẫn tới quy trình chuỗi cung ứng chưa được tối ưu.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành Logistics là nguồn nhân lực về ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, về mặt chất lượng lẫn số lượng. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện nay chỉ có khoảng 5-7% tổng số lao động được đào tạo bài bản về ngành Logistics.
Do đó, để nâng cao hiệu quả công việc, các doanh nghiệp logistics cần chú trọng vào công tác đào tạo, bổ sung kiến thức cho nhân viên. Với kiến thức nghiệp vụ logistics, doanh nghiệp có thể tổ chức các buổi đào tạo nội bộ, các khóa học ngoài giờ, workshop.
Bên cạnh nghiệp vụ chuyên môn, một kỹ năng mà nhiều nhân sự ngành Logistics tại Việt Nam vẫn chưa đạt tiêu chuẩn được đó chính là tiếng Anh. Đặc thù ngành Logistics yêu cầu nhân viên phải thành thạo ngoại ngữ để giao tiếp với các đối tác, khách hàng, nhà cung cấp nước ngoài, cũng như đọc hiểu các chứng từ, giấy tờ, tài liệu,… chuyên ngành bằng tiếng Anh.