Các doanh nghiệp logistics Việt Nam và việc ứng dụng công nghệ

VLO (giới thiệu)|07/08/2023 12:05

Có thể nói, ngành Logistics Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, các doanh nghiệp logistics vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số không cho phép quốc gia, Chính phủ, tổ chức nào - trong đó có các doanh nghiệp logistics đứng "ngoài cuộc". Tạp chí Vietnam Logistics Review Online xin trích giới thiệu nghiên cứu của ThS. Nguyễn Văn Vân (Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng GTVT) và TS. Nguyễn Xuân Quyết (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh) về nội dung "Ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp logistics Việt Nam". Đầu đề do VLO đặt.

qua-trinh-ung-dung-cong-nghe-vao-hoat-dong-logistics-1.jpg
Ứng dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng Logistics là vấn đề cấp thiết cần đặt ra hiện nay. Ảnh: Internet

Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp logistics Việt Nam

Doanh nghiệp logistics (DNL) Việt Nam đang cung cấp từ 2-17 dịch vụ logistics khác nhau, trong đó chủ yếu là dịch vụ giao nhận, vận tải, kho hàng, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan. Khoảng 50-60% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau, tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ của từng doanh nghiệp. Khó khăn lớn nhất cho doanh nghiệp trong áp dụng công nghệ thông tin là khả năng tài chính. Cụ thể tình hình áp dụng công nghệ thông tin ở các doanh nghiệp thuộc VLA như thể hiện tại Bảng 1.

van-van-26-1.jpg
Bảng 1: Tình hình áp dụng công nghệ thông tin ở các doanh nghiệp thuộc VLA

Bảng 1 cho thấy chỉ có Khai báo hải quan thực hiện trên 75,2% do qui định về khai báo hải quan điện tử bắt buộc đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, còn lại 14 ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản đều dưới mức trung bình. Hệ thống quản lý giao nhận đạt 41,9%; Theo dõi và truy xuất đạt 38,5%; Hệ thống quản lý vận tải đạt 37,6%; Soi mã vạch đạt 27% và Quản lý nhân sự đạt 26,4%…

Phân tích mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các hội viên VLA, thấy Quản lý đơn hàng chỉ đạt 16,9%; Thương mại điện tử 15,5% và Logistics cho TMĐT 10,8%… phản ánh rõ nhất về hạn chế của ứng dụng công nghệ thông tin trong các DNL Việt Nam chưa theo kịp nhu cầu phát triển và xu thế. Hơn nữa, các kết quả ứng dụng công nghệ thông tin mang tính bền vững của các DNL Việt Nam như Logistics thông minh và Logistics xanh chỉ đạt rất thấp tương ứng 6,1% và 5,4%, cho thấy điểm hạn chế của các DNL trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS. Khi so sánh với kỳ vọng thực hiện ở tương lai có đến 50% ứng dụng công nghệ thông tin cần phải phấn đấu mới đạt.

Logistics Việt Nam hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào 4 lĩnh vực chính, gồm: (1) Các ứng dụng trong lĩnh vực vận tải đường bộ nhằm tối ưu hóa năng lực phương tiện, hoạch định và kiểm soát tuyến đường, lịch trình, thời gian, nâng cao tỷ lệ đầy xe hàng (Grab, Be, Gojek,…); (2) Các giải pháp tự động hóa kho hàng TMĐT, giao hàng chặng cuối và chuyển phát nhanh (Shopee, Lazada, Tiki,…); (3) Các hệ thống điều hành kết hợp tự động hóa sản xuất với các nguyên tắc sản xuất tinh gọn, hoạt động hiệu quả; (4) Một số nhà bán lẻ trong nước triển khai ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin - tự động hóa - trí tuệ nhân tạo trong quản lý chuỗi cung ứng từ khâu thu mua tới khâu phân phối và đến người tiêu dùng cuối cùng.

Mặc dù xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin đang rất mạnh mẽ và hầu hết các DNL đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, song các chuyên gia đánh giá ngành E-logistics Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Do các DNL của Việt Nam ứng dụng công nghệ còn ở mức độ thấp, gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số (CĐS) do phần lớn DNL tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về khả năng tài chính. 

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 100% DNL đã gia tăng đầu tư cho CĐS trong một năm trở lại đây, trong đó, 86% số doanh nghiệp kỳ vọng việc ứng dụng công nghệ, số hóa và CĐS sẽ mang lại lợi ích đáng kể về năng suất, hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai; 36% số doanh nghiệp tin rằng, việc đưa công nghệ vào hành trình logistics sẽ nâng cao trải nghiệm của khách hàng toàn cầu; khoảng 68% số DNL đã triển khai ứng dụng tiến bộ công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động kinh doanh như: Internet vạn vật kết nối (86%), điện toán đám mây (82%), trí tuệ nhân tạo (45%), dữ liệu lớn và khối chuỗi, Blockchain (42%)… 

Có thể nói, ngành Logistics Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, các DNL vẫn chưa nhận thức đúng vai trò CĐS trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do các DNL tại Việt Nam hầu hết đều có quy mô nhỏ và vừa nên hạn chế về vốn đầu tư, nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ thông tin còn yếu và thiếu. Theo VLA, phần lớn DNL tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, trong đó 90% số doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỉ đồng, 5% doanh nghiệp có vốn từ 10 - 20 tỉ đồng. Đối với những doanh nghiệp này, khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng e-Logistics là vô cùng gian nan.

Các yếu tố ảnh hưởng đến ứng dụng công nghệ thông tin của DNL Việt Nam

- Nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin: Mặc dù nhận thức được lợi ích của công nghệ thông tin nhưng có đến 44% doanh nghiệp không đánh giá cao vai trò quan trọng của công nghệ thông tin đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Chính vì vậy, khi đề cập đến chiến lược phát triển công nghệ thông tin chỉ có 61,9% doanh nghiệp chú trọng vấn đề này. Bên cạnh đó, 43,3% DNL cho rằng công nghệ thông tin chưa được xem là một yếu tố then chốt tạo ra lợi thế cạnh tranh. Thực tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn có thái độ e ngại về tính an toàn, khả năng bảo mật thông tin của các nền tảng trực tuyến, dẫn đến việc chậm chạp, thiếu nhạy bén với các ứng dụng công nghệ CĐS.

- Cơ sở hạ tầng và công nghệ
: Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước “đi sau” về công nghệ so với thế giới, chưa làm chủ được công nghệ lõi của CĐS, do đó các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sử dụng các công nghệ có sẵn. Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi CĐS (Ngô Ánh Nguyệt, 2022). Yếu tố công nghệ thông tin có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển dịch vụ logistics trong suốt 4 giai đoạn nhận dạng, định hình, hội nhập và hỗ trợ doanh nghiệp.

- Nguồn nhân lực
: Để thúc đẩy quá trình CĐS, sẽ có những yếu tố cần bổ sung và những yếu tố cần tinh chỉnh cả về tổ chức lẫn quản lý. Đối với nhân viên và các cấp quản lý, cần có một quy trình thực hiện các hoạt động với tốc độ nhanh hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn khi CĐS. Do đó, đòi hỏi nhân viên phải có đủ năng lực, sẵn sàng tiếp cận, phát triển và sử dụng những công nghệ mới trong cải tiến và thực thi công việc (Bharadwaj và cộng sự, 2013). Nguồn nhân lực và DNL cần tiếp tục được quan tâm phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng nhằm đáp ứng những yêu cầu mới.

- Nguồn lực tài chính
: Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có hơn 98,1% doanh nghiệp SME, trong đó: 99% doanh nghiệp này đang gặp khó khăn về vốn. Chính vì thiếu vốn, nên các doanh nghiệp này cho rằng CĐS là cuộc chơi của các doanh nghiệp lớn và chỉ ưu tiên đầu tư cho các hình thức tăng trưởng ngắn hạn... để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp logistics. Với 90% số doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng, 5% có vốn từ 10 - 20 tỷ đồng thì khả năng ứng dụng các giải pháp công nghệ đắt đỏ là rất khó khăn. 

- Chính sách phát triển công nghệ thông tin của Nhà nước:
Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CĐS, phù hợp với tình hình của từng doanh nghiệp. Xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn CĐS cho doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và ngành, địa phương để tăng cường sự tương tác trên môi trường số giữa doanh nghiệp với chính quyền. Nâng cao năng lực của các chuyên gia tư vấn CĐS theo các tiêu chuẩn, xu hướng thế giới; kết nối các chuyên gia với các doanh nghiệp có nhu cầu CĐS. Xây dựng và tổ chức triển khai các khóa đào tạo về CĐS cho doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại các doanh nghiệp. Xây dựng, triển khai các gói hỗ trợ tài chính, các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp phù hợp với quy mô, lĩnh vực, ngành nghề của doanh nghiệp.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khẳng định, các doanh nghiệp tham gia khảo sát thể hiện sự quan tâm và đánh giá vai trò quan trọng của chuyển đổ số, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp một số rào cản và vấn đề khó khăn như: (1) Thiếu nhận thức về vai trò của CĐS; (2) Hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) chưa hoàn thiện; (3) Rủi ro khi triển khai công nghệ và quan tâm đến lợi tức đầu tư; (4) Chi phí đầu tư CĐS cao; (5) Thiếu sự đảm bảo về an ninh mạng; (6) Hệ thống thông tin của doanh nghiệp không đồng nhất; (7) Thiếu nguồn lực đầu tư; (8) Thiếu sự phối hợp và cộng tác, chia sẻ; (9) Sự phản kháng của nhân viên và quản lý với những thay đổi do CĐS mang lại; (10) Thiếu năng lực CĐS và nhân lực có trình độ công nghệ thấp; (11) Thiếu nhận thức, tầm nhìn và chiến lược…

Ý định CĐS của doanh nghiệp phụ thuộc vào 5 nhóm yếu tố sau: (1) Trình độ sử dụng công nghệ; (2) Văn hóa của doanh nghiệp; (3) Cơ sở hạ tầng công nghệ; (4) năng lực tài chính của doanh nghiệp; (5) Mục tiêu của doanh nghiệp (Nguyễn Thị Mai Hương và Bùi Thị Sen, 2021). Các DNL đang đứng trước rất nhiều thách thức để cạnh tranh và phát triển, do đó, việc ra quyết định đầu tư nhằm phát huy lợi ích thiết thực của công nghệ thông tin phải cân đối với ngân sách, tạo ra hiệu quả và đảm bảo tương thích hệ thống hiện tại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với rất nhiều rào cản trước khi đầu tư vào ứng dụng công nghệ thông tin. Hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, tiềm năng vốn chưa đủ mạnh mà chi phí vận hành lại cao khiến cho họ cảm thấy khá khó khăn trong việc ra quyết định có nên đầu tư khi chưa có sự đảm bảo trong việc thu hồi vốn, dẫn đến thực tế các doanh nghiệp này thường chú trọng tập trung ngân sách cho các hoạt động kinh doanh trực tiếp và coi nhẹ đầu tư cho mảng công nghệ thông tin.

CĐS đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với ngành Logistics để đảm bảo sự phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia trong kỷ nguyên 4.0. Chỉ có sự phối hợp hài hòa giữa ý thức tự cường của doanh nghiệp với động lực thúc đẩy mạnh mẽ từ phía Chính phủ mới có thể thực hiện CĐS thành công ngành Logistics cũng như nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Kết quả phân tích mô hình SEM cho thấy có 4 nhân tố tác động thuận chiều đến việc áp dụng Blockchain tại các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Logistics ở TP. Hồ Chí Minh, đó là: Kỳ vọng hiệu quả của Blockchain, Tin tưởng vào việc áp dụng Blockchain, Điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng Blockchain và Áp dụng truy xuất chuỗi cung ứng của Blockchain. Đồng thời, giả thuyết áp dụng Blockchain có tác động thuận chiều với hiệu suất chuỗi cung ứng được chấp nhận. Kết quả nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Logistics tại TP. Hồ Chí Minh rất háo hức và kỳ vọng vào công nghệ Blockchain nhưng lại tiếp cận công nghệ này rất thụ động và vẫn ở trong tình trạng chờ đợi. Đặc biệt, chưa có doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Logistics nào sử dụng Blockchain trong quy trình kinh doanh của họ. Các doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đến công nghệ Blockchain và có xu hướng đánh giá nó rất tích cực trong việc nâng cao hiệu suất chuỗi cung ứng logistics.

Nguồn: Tạp chí Công Thương

Bài liên quan
  • Dữ liệu lớn tương lai không xa của ngành logistics
    Các doanh nghiệp trên thế giới vẫn không ngừng khám phá công nghệ cao thông qua chuyển đổi kỹ thuật số, với những tính năng chéo quan trọng như mua hàng và hậu cần cũng nằm trong danh mục này. Tính hiệu quả của doanh nghiệp phần lớn phụ thuộc vào quy trình thu mua và phân phối vận hành tốt như thế nào, hoạt động hậu cần và luồng nguyên vật liệu ra sao. Tại đây, các công ty có thể thiết lập những quá trình này tốt hơn hết khi biết được lợi ích đến từ Dữ Liệu Lớn (Big Data).

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Các doanh nghiệp logistics Việt Nam và việc ứng dụng công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO