Giá cà phê xuất khẩu được dự báo có thể tăng trở lại vào giữa năm 2019
Dự báo, tháng 2/2019, xuất khẩu cà phê sẽ giảm mạnh cả lượng và giá trị do rơi vào thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán; giá cà phê xuất khẩu đang ở mức thấp nhưng có thể sẽ quay đầu tăng trở lại vào giữa năm.
Tháng 1/2019, giá xuất khẩu cà phê trung bình ở mức 1.743 USD/tấn, giảm 2,7% so với tháng 12/2018, giảm 10,7% so với cùng kỳ 2018.
Thị trường tiếp tục ảm đạm
Giá cà phê nhân xô một số tỉnh Tây Nguyên ngày đầu tuần sau đợt nghỉ Tết 11/2/2019 không đổi sau đợt giảm giá liên tiếp. Giá thấp nhất ở mức 32.800 đồng/kg tại Lâm Đồng và cao nhất 33.500 đồng/kg tại Đắk Lắk. Các tỉnh còn lại ở mức giá 33.400 đồng/kg. Tại cảng Tp.HCM, giá cà phê xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức 1.445 USD/tấn (FOB), trừ lùi 85 USD/tấn.
Theo các chuyên gia, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có triển vọng rõ rệt khiến giá hai sàn cà phê kỳ hạn tiếp tục sụt giảm kéo theo đà giảm giá trong nước tuần qua. Theo báo cáo lượng mưa tốt ở các vùng cà phê arabica chính của Brazil trong vài ngày qua cũng góp phần kéo giảm giá sàn kỳ hạn tại New York.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) (cập nhật ngày 6/2), trong tháng 12/2018, thế giới xuất khẩu 10,43 triệu bao cà phê, tăng 0,9% so với tháng 12/2017. Tính chung trong 3 tháng đầu tiên của niên vụ 2018/19, tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của cả thế giới tăng 8,1% lên 30,91 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu cà phê arabica của Colombia tăng 5% lên 3,97 triệu bao, xuất khẩu cà phê robusta tăng 4,5% lên 10,28 triệu bao. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê arabica của những nước khác giảm 6,4% xuống 4,96 triệu bao.
Tại thị trường Hàn Quốc - Nhà nhập khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam, năm 2018, nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc từ Việt Nam giảm 13,5% về lượng và giảm 22,6% về trị giá. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc năm 2018 giảm xuống 19%, so với mức 21,9% năm 2017, khiến Việt Nam "nhường" vị trí số 1 cho Brazil trở thành nhà cung cấp cà phê lớn thứ 2 cho Hàn Quốc.
Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hàn Quốc năm 2018 ở mức 4.024 USD/tấn, giảm 2,2% so năm 2017. Trong đó, giá nhập khẩu giảm ở hầu hết các thị trường (Brazil giảm 11,2%, xuống mức 2.792 USD/tấn, Việt Nam giảm 10,5%, xuống mức 1.923 USD/tấn, Columbia giảm 9,4%, xuống mức 3.348 USD/tấn).
Giá cà phê giảm, nông dân hạn chế bán ra
Hiện nay, giá cà phê được người nông dân bán ra ở quanh mức 34.000 đ/kg. Nhìn chung thị trường cà phê trong nước đang trong tình trạng ảm đạm, người mua và người bán đang cố gắng chờ cơ hội.
Trong khi đó, các hợp đồng xuất khẩu cà phê là những hợp đồng ký dài hạn nên doanh nghiệp vẫn phải mua để xuất khẩu nhưng cũng chỉ xuất khẩu cầm chừng chứ không đẩy mạnh bán ra vì giá cả khá bấp bênh. Nhìn chung, lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 2/2019 được dự báo có khả năng giảm sâu hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group, năm nay, xuất khẩu cà phê có khó khăn vì giá cà phê tiếp tục xuống không có lợi cho người nông dân.
Theo nhận định của Vicofa, sản lượng cà phê năm nay dự kiến mất mùa và mất khoảng 20% sản lượng, giá cà phê lại đang giảm nên bà con không muốn bán ra; vì vậy, xuất hiện xu hướng nông dân giữ cà phê lại để chờ giá, vì theo nhận định vào khoảng giữa năm 2019 giá cà phê có thể quay đầu tăng trở lại, nên bà con muốn chờ cơ hội giá lên mới bán.
Cà phê có xu hướng tăng giá vào giữa năm là do người dân không chịu bán ra nên lượng cà phê xuất khẩu sẽ không đủ cho các nhà máy chế biến, thời điểm này lại rơi vào cuối vụ cà phê của Brazil và sương muối thường xuất hiện ở vụ cà phê tiếp theo ở Brazil, điều đó không tốt cho ngành cà phê nói chung nhưng có lợi về giá cà phê đối với người trồng.
"Thị trường cà phê đang chịu áp lực bởi các nhà đầu tư, họ tìm cách ép giá cà phê xuống và tạo thông tin cho rằng Việt Nam và Brazil được mùa. Do thị trường có nhận định theo xu hướng đó nên các nhà đầu tư tài chính trên sàn ép giá thị trường xuống. Đó là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá cà phê. Nếu thực tế cà phê bị mất mùa nông dân sẽ không bán ra thì cung sẽ không đủ cầu, và xu hướng thị trường sẽ quay đầu tăng giá. Nhiều khả năng vào giữa năm nay giá cà phê sẽ tăng trở lại", ông Nam chia sẻ.