Biểu đồ tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam qua các năm. Nguồn: forbesvietnam.com.vn
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) có thâm niên nhiều năm xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc lo lắng cho biết: "Tuy chưa nhận được văn bản chính thức nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc vừa cho hay cơ quan quản lý của Trung Quốc vừa ban hành quy định về việc siết chặt kiểm soát gạo nhập khẩu từ Việt Nam và các nước Asean".
Theo đó, từ 1-1-2019 gạo nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc bên cạnh phải chịu mức thế cao như đã áp dụng từ 1-7-2018 còn phải tuân thủ các quy định khác như: thời gian xông trùng phải đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở quốc kiểm của Trung Quốc kiểm nghiệm; bao bì, nhãn mác phải ghi đầy đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa theo thông lệ quốc tế và có dấu của cơ quan quốc kiểm Trung Quốc. Nếu không hợp lệ thì sẽ bị từ chối cấp chứng thư để nhập khẩu vào thị trường này.
Theo ông Đôn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu này, tuy nhiên, do thời gian gấp rút như thế nên khó có thể tổ chức thực hiện được. Nguy cơ tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2019 sẽ rất khó khăn nếu thị trường lớn này bị ách tắt.
Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Quang Kiên, Phó trưởng phòng Chính sách thương mại nông sản, Cục Chế biến phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xác nhận, phía cơ quan chức năng quản lý nhập khẩu Trung Quốc có thông báo về việc áp dụng siết chặt điều kiện nhập khẩu gạo như các doanh nghiệp phản ánh. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã đàm phán và đã được phía bạn đồng ý lùi thời gian áp dụng quy định này đến giữa năm 2019.
Điều ông Kiên cũng như các cơ quan quản lý nông nghiệp băn khoăn nhất là hiện nay nông nghiệp nước ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, việc tổ chức và cơ cấu lại quy mô sản xuất gặp nhiều khó khăn, đây là một trở ngại cho việc kéo giảm chi phí sản xuất và truy xuất nguồn gốc.