Xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO

26/03/2018 12:01

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Trong vòng 20 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam tuy tăng giảm tùy từng thời điểm nhưng nhìn chung đã tăng trưởng rất mạnh mẽ.

(Vietnam Logistics Review) Trong vòng 20 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam tuy tăng giảm tùy từng thời điểm nhưng nhìn chung đã tăng trưởng rất mạnh mẽ.

Biểu đồ 1 cho thấy sản lượng và kim ngạch xuất khẩu (XK) hồ tiêu Việt Nam (VN) trong 20 năm từ 1997 - 2016. Năm 1997, sản lượng hồ tiêu XK của VN là 13 nghìn tấn. Trong suốt giai đoạn từ 1997 - 2006, trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sản lượng hồ tiêu tăng nhanh liên tục. Đặc biệt, tốc độ tăng sản lượng vượt trội trong năm 1999 so với năm 1998 tăng lên 95%. Thời điểm này, giá hồ tiêu tăng cao hơn 60.000 đồng/kg nên người dân đổ xô mở rộng diện tích canh tác khiến cho sản lượng ngày một tăng.

Biểu đồ 1. Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam giai đoạn 1997 – 2016

Về kim ngạch XK, những năm đầu giai đoạn (1997 - 2000) kim ngạch tăng từ 69,3 triệu USD lên đến 145,9 triệu USD, tăng 76,6 triệu USD. Đây là một con số đáng kể cho kim ngạch XK hồ tiêu VN ở giai đoạn này. Con số cao đỉnh điểm thứ 2 trong giai đoạn 10 năm trước khi VN gia nhập WTO cho kim ngạch XK hồ tiêu VN là 145,9 triệu USD.

Cho đến năm 2002, sản lượng hồ tiêu của VN vẫn đứng sau Ấn Độ và Indonesia. Nhưng từ năm 2003, VN đã vươn lên giành lấy vị trí số một thế giới về sản xuất và XK hồ tiêu. Biểu đồ 2 về sản lượng hồ tiêu ở một số nước sản xuất tiêu chính giai đoạn 1997 - 2015 thể hiện rõ vị thế dẫn đầu của sản lượng hồ tiêu VN trong suốt hơn 14 năm. Tuy nhiên, giai đoạn 2001 - 2005, giá XK hồ tiêu bình quân giảm, người nông dân không đủ khả năng để tiếp tục duy trì sản lượng canh tác.

Biểu đồ 2. Sản lượng sản xuất hồ tiêu ở một số nước sản xuất tiêu chính

Đến năm 2006, sản lượng XK có khởi sắc, tăng trở lại so với năm 2005, tốc độ tăng sản lượng là 30% đạt 100 nghìn tấn, tăng gấp 7,7 lần so với năm 1997. Tốc độ tăng kim ngạch XK là 62%, con số kỷ lục tính tới 2006, đạt 195,1 triệu USD về kim ngạch XK.

Sau khi gia nhập WTO vào tháng 1.2007, hồ tiêu VN tuy trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ và giữ vững ngôi vị quán quân trong nhiều năm liền. XK hồ tiêu VN chiếm 25% tổng sản lượng XK trên thế giới, giữ vị trí số 1 tính đến năm 2016.

Năm 2007, sản lượng hồ tiêu VN giảm chỉ còn 83.290 tấn. Nguyên nhân là do thời tiết, sâu bệnh và chi phí sản xuất tăng cao. Bên cạnh đó, hàng tồn kho của năm 2006 lúc này không còn đủ đáp ứng. Đầu năm 2007, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) dự báo thị trường sẽ thiếu hụt sản lượng lớn khoảng 45.000 – 50.000 tấn. Vì vậy, thị trường hồ tiêu giai đoạn này biến động khá phức tạp. Sản lượng hồ tiêu XK của VN trong năm 2007 là 83.290 tấn trên tổng sản lượng là 90.000 tấn, đạt kim ngạch XK 272 triệu USD. So với giai đoạn trước, tuy có sự giảm sút về sản lượng nhưng năm 2007 là năm thành công của hoạt động XK hồ tiêu nhờ vào sự chủ động nắm bắt thông tin thị trường và có chiến lược kinh doanh phù hợp kết hợp với việc mở rộng thị trường.

Năm 2008, sản lượng XK hồ tiêu giảm do hoạt động sản xuất trên thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong khi nhu cầu hồ tiêu vẫn duy trì ở mức tương đối lớn. Trong nửa năm đầu năm 2008, VN đã XK 46.940 tấn, chiếm 52,16% sản lượng XK cả năm, đạt kim ngạch XK là 166 triệu USD, tương đương với 53,55% kim ngạch XK của cả năm. Về cuối năm, tỷ giá USD biến động liên tục, lạm phát trong nước ngày một cao, doanh nghiệp nào vay ngoại tệ phải chịu lãi suất cao kỷ lục (19% - 21%). Các doanh nghiệp hết sức khó khăn.

Năm 2009 có dấu hiệu hồi phục hoạt động sản xuất hồ tiêu trên toàn cầu, dù vẫn tồn tại những thách thức lớn như suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính, thiên tai và dịch bệnh. VN XK hồ tiêu khoảng 135.000 tấn, đạt 349 triệu USD vào năm 2009. Đây là mức cao nhất về cả giá trị và sản lượng XK so với các năm trước. Tuy nhiên, giữa tăng trưởng sản lượng và giá trị có sự chênh lệch rất lớn: so với năm 2008 sản lượng XK tăng đến 49%, trong khi giá trị chỉ tăng 12%. Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại. Do chưa có chiến lược kinh doanh hợp lý, thiếu thông tin về thị trường, đa số các doanh nghiệp lại không tranh mua tranh bán ở giá thấp nên tỷ lệ tăng trưởng về giá trị không tương xứng với tăng trưởng sản lượng XK năm 2009.

Sau những khuyến nghị của Hiệp hội hồ tiêu VN (VPA), đến hết tháng 7.2010, VN đạt kim ngạch XK hơn 272 triệu USD với 83.890 tấn hạt tiêu, tăng hơn 40% về trị giá so với cùng kỳ năm 2009. Sau đó, VPA đã có khuyến cáo rằng không nên mở rộng diện tích canh tác trong thời gian ngắn, canh tác ổn định ở mức 50.000 ha như hiện nay và nên tập trung nâng cao chất lượng hồ tiêu để tăng giá trị. XK hồ tiêu 2010 đạt nhiều thành tựu. Tổng sản lượng đạt 117.271 tấn, kim ngạch XK khoảng 423 triệu USD. Tuy sản lượng giảm 13% nhưng giá trị tăng tới 21%. Dường như các DN đã hiểu được việc cầm chừng lượng hồ tiêu bán ra và sản lượng hàng tồn kho năm 2009 ít nên tuy tổng sản lượng giảm nhưng lại được giá hơn nên giá trị tăng lên nhiều hơn.

Năm 2011 đánh dấu cột mốc lớn khi kim ngạch XK so với 2010 tăng đến 74% đạt mức 734 triệu USD. Trong khi sản lượng chỉ tăng nhẹ khoảng 6%. Giá hồ tiêu VN rõ ràng đã tăng mạnh để có được mức tăng kim ngạch lớn như vậy (18.498 tấn tiêu trắng và 99.918 tấn tiêu đen được XK). Lượng hồ tiêu giảm là do nông dân đã không nghe theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, đưa cây tiêu vào trồng ở những vùng trũng, tiêu nước chậm, không thích hợp với cây hồ tiêu. Do người nông dân mở rộng diện tích trồng nên giá dây tiêu giống ở Tây Nguyên tăng lên cao, gấp 3 - 4 lần. Ngoài ra, một số nơi trồng các giống tiêu không rõ nguồn gốc giá rẻ hơn vì tiêu giống giá cao nên hồ tiêu phát triển kém, dễ nhiễm dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho người trồng tiêu.

Năm 2012, tuy giảm về mặt sản lượng sản xuất và XK hồ tiêu nhưng kim ngạch XK vẫn tăng do giá tiêu tăng. Nhìn chung, đây vẫn là một năm phát triển ổn định của ngành XK hồ tiêu VN.

Năm 2013, sản lượng XK hồ tiêu đạt 133.678 tấn, tăng 14%, kim ngạch XK 893 triệu USD, tăng 12%. Năm này nhìn chung vẫn là năm XK tiêu tăng trưởng cao và được giá. Theo đánh giá của VPA, hồ tiêu VN đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất tự phát theo tập quán địa phương đến áp dụng phương pháp canh tác mới cùng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Người nông dân đang chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ để sản xuất tiêu sạch, ngoài ra còn giúp giữ cho đất canh tác tốt hơn. Người trồng tiêu cũng đã bắt đầu trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, giữ giá hồ tiêu ở một số nơi. Năm 2014 là cột mốc sáng của ngành Hồ tiêu VN. Ngành hồ tiêu đã gặt hái được những thành tựu lớn trong suốt 10 năm sau khi gia nhập WTO.

Sản lượng hồ tiêu XK năm 2015 là 132.509 tấn, giảm 15% so với năm 2014. Vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2015 được xem là mất mùa so với năm 2014. Nguồn cung cho XK không nhiều như năm 2014. Tuy nhiên, kim ngạch XK lại tăng 5% đạt 1.262 triệu USD. Kim ngạch XK tăng nhờ giá tăng. Thu nhập và lợi nhuận của nông dân tiếp tục đạt mức cao.

Theo số liệu từ Trade Map (ITC), năm 2016 VN đã XK sản lượng đạt 145.920 tấn hồ tiêu các loại. Kim ngạch XK đạt 1.133 triệu USD. Tuy sản lượng có tăng 10% so với năm 2015 nhưng kim ngạch cũng đã giảm đi 10%. Nguyên nhân là do giá hồ tiêu XK bình quân năm 2016 tụt dốc, giảm đi so với năm trước. Đây là sự khởi đầu cho những tín hiệu không tốt cho giai đoạn tiếp theo.

Như vậy, có thể nhận thấy qua 2 giai đoạn 1997 - 2006 và 2007 - 2016, tác động của việc gia nhập WTO với sản lượng XK hồ tiêu là chưa thật sự rõ rệt. 10 năm sau khi gia nhập WTO, sản lượng hồ tiêu XK của VN có tăng nhưng tốc độ không vượt trội như giai đoạn 1997 - 2006. Tuy nhiên, việc gia nhập WTO lại có tác động tích cực có thể thấy rõ về mặt kim ngạch XK. Sau khi gia nhập tổ chức này, kim ngạch XK hồ tiêu của VN đã tăng rất mạnh, từ mức 195,1 triệu USD năm 2006 đến mức hơn 1,1 tỷ USD, giúp cho vị thế số 1 về XK hồ tiêu của VN trên thế giới được củng cố vững chắc.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO