(Vietnam Logistics Review)Nhật Bản là một trong những quốc gia đang trải qua tình trạng dân số già hóa nhanh nhất thế giới, đi kèm với đó là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong tương lai bởi ngày càng ít trẻ em được ra đời. Do đó, để đáp ứng nhu cầu về nhân lực, Nhật Bản buộc phải đẩy mạnh chiến lược nhập khẩu lao động nước ngoài.
Theo tờ Bloomberg, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 18.5.2016 đặt ra kế hoạch thu hút 1,17 triệu người cho thị trường lao động trong nước vào năm tài chính 2020. Đây là một thị trường lao động được đánh giá là hấp dẫn với mức lương cao nhưng cũng có nhiều đòi hỏi khắt khe đối với tay nghề, tính chuyên nghiệp và kỷ luật của người lao động.
Người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Nhật Bản có số lượng đông thứ 2 trong số 15 nước xuất khẩu lao động sang Nhật Bản (chỉ đứng sau Trung Quốc). Trong giai đoạn từ năm 2007 - 2016, số lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đã tăng gần 5 lần (bảng 1) và con số này vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nhật Bản cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lao động chính của nước ta.
Người lao động Việt Nam làm việc ở Nhật Bản liên quan đến 66 ngành nghề với 123 loại hình công việc, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, cơ khí, xây dựng, vận tải biển…
Tuy nhiên, Nhật Bản là nước có những yêu cầu cao và khắt khe đối với người lao động nước ngoài. Nếu người lao động nước ngoài có tay nghề hoặc là lao động kỹ thuật cao thì sẽ được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để làm việc lâu dài. Nhưng nếu là lao động phổ thông (lao động không có tay nghề hoặc tay nghề thấp) thì chỉ có thể vào Nhật Bản làm việc theo chương trình tu nghiệp sinh, đây là đối tượng được đào tạo, không phải là người lao động. Sau một thời gian được đào tạo (thường là 1 năm), tu nghiệp sinh sẽ trải qua một kỳ thi hoặc kiểm tra và phải đạt được trình độ năng lực cấp 2 thì mới được tiếp tục lao động tại đơn vị thực tập với tư cách là thực tập sinh (người lao động). Lúc này thực tập sinh sẽ được áp dụng theo các quy định của Luật lao động và Luật bảo hiểm quốc gia như những người làm công bản xứ. Một số tổ chức thường đưa người Việt Nam sang tu nghiệp tại Nhật Bản như: Tổ chức hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO) và Cơ quan phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan)…
Nhà nước Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động sang làm việc tại Nhật Bản, ví dụ: Quy định mức trần ký́ quỹ đối với người lao động; hỗ trợ người lao động được vay vốn tại ngân hàng để có chi phí ban đầu cho việc đào tạo ngôn ngữ, tay nghề, đóng các chi phí khác trước khi sang Nhật Bản; hoặc đối với những doanh nghiệp đưa lao động sang Nhật Bản làm việc nếu thu quá nhiều chi phí bất hợp lý hoặc mức chi phí cao so với quy định sẽ bị xử lý nghiêm…
So sánh với các thị trường xuất khẩu lao động khác như Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan nếu cùng một công việc với những yêu cầu về kinh nghiệm và trình độ thì Nhật Bản đứng đầu về mức lương và chế độ đãi ngộ. Hơn nữa, người lao động khi làm việc ở Nhật Bản luôn được đảm bảo các quyền lợi, không bị trả lương chậm hàng tháng, được tăng lương theo định kỳ và nếu làm việc tốt sẽ được hưởng mức thu nhập cao gấp 2-3 lần. Trung bình sau 3 năm làm việc tại đây, người lao động có thể tiết kiệm được khoảng 14.800USD, trong khi đó nếu làm ở Hàn Quốc thì chỉ là 11.500USD, Đài Loan là 6.900USD. Chính vì sức hấp dẫn của thu nhập như vậy nên một số người lao động Việt Nam sau khi hết thời hạn hợp đồng lao động không về nước như đã cam kết mà trốn ở lại, cư trú bất hợp pháp để làm việc tại Nhật Bản. Hành động này đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam. Trước tình trạng đáng lo ngại đó, Cục quản lý lao động nước ngoài (Bộ LĐTB & XH) đã ban hành một số chính sách nhằm thắt chặt công tác quản lý, giám sát đối với các hành vi vi phạm, như: Tạm dừng dịch vụ đưa lao động sang Nhật Bản đối với những doanh nghiệp có tỉ lệ người lao động bỏ trốn cao hơn 5%.
Theo dự báo, trong thời gian tới, để chuẩn bị cho Thế vận hội Olympics được tổ chức ở Tokyo năm 2020, Nhật Bản sẽ cần thêm rất nhiều nhân lực, đặc biệt là các ngành xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và cơ khí chế tạo. Chính vì vậy, đẩy mạnh công tác đưa người lao động Việt Nam đủ tiêu chuẩn sang Nhật Bản và gia tăng quy mô lao động xuất khẩu trong những ngành nghề này là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và các cơ quan hữu quan cần tăng cường công tác kiểm tra và tổ chức tuyển chọn lao động xuất khẩu. Cần những chính sách hỗ trợ đào tạo người lao động về tay nghề, ngoại ngữ và đặc biệt cần tuyên truyền, tư vấn về đạo đức và trách nhiệm của người lao động, theo dõi tình hình lao động ở nước ngoài và triển khai kế hoạch tìm kiếm công ăn việc làm cho lao động sau khi hết hạn hợp đồng và trở về nước để tránh hiện tượng lao động nước ta cư trú bất hợp pháp ở Nhật Bản.
Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài là một trong những chủ trương được Nhà nước quan tâm vì không chỉ giúp người lao động có việc làm, xóa đói, giảm nghèo, mà còn góp phần đào tạo một nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tác phong làm việc phục vụ sự phát triển của đất nước.