Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của VN trong kỳ 1 tháng 3 năm 2014 (từ 01.03-15.03) đạt gần 11,66 tỷ USD, trong đó nhập siêu 279 triệu USD. Nhưng tính từ đầu năm đến nay, thặng dư thương mại vẫn đạt hơn 1 tỷ USD. Làm thế nào để tăng xuất, giảm nhập vẫn là vấn đề được nhiều người quan tâm.
XUẤT KHẨU: NGOẠI CHIẾM ƯU THẾ
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2014, mặc dù có kỳ nghỉ Tết dài ngày, nhưng nhờ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các giải pháp, chính sách đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Nhìn chung hoạt động ngành Công Thương trong hai tháng đầu năm 2014 đã giữ được sự ổn định và đạt được một số kết quả khả quan. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 21,06 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 20,82 tỷ USD, tăng 17,0% so với cùng kỳ. Tính gộp 2 tháng đầu năm 2014, xuất siêu ước 244 triệu USD, bằng khoảng 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo số liệu ước tính của Hải quan, kỳ 1 tháng 3.2014, nhóm mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất vẫn là điện thoại các loại và linh kiện đạt gần 996 triệu USD; Hàng dệt may đạt trên 733 triệu USD; Kế đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 408 triệu USD; Giày dép các loại đạt trên 306 triệu USD; Nhóm các mặt hàng xuất khẩu từ 200 - 300 triệu USD gồm thủy sản, cà phê, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Về nhóm hàng nhập khẩu, chiếm ngôi đầu bảng là máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện đạt 874 triệu USD; Máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 833 triệu USD; Điện thoại các loại và linh kiện đạt 441,3 triệu USD, xăng dầu đạt gần 412 triệu USD, vải các loại đạt xấp xỉ 349 triệu USD, chất dẻo nguyên liệu 242 triệu USD, sắt thép các loại đạt 271,6 triệu USD....
Qua phân tích số liệu cho thấy khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm ưu thế về xuất khẩu với tỷ trọng lớn và tốc độ tăng cao so với khu vực kinh tế trong nước.Trong khi đó khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu nhiều hơn chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng công nghệ cao, còn nhóm mặt hàng nông-lâm-thủy sản vẫn gặp khó khăn về giá cả, về thị trường, nhất là xuất khẩu gạo.
Các chuyên gia cho rằng, điều này có thể hiểu khi mà nền sản xuất công nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Thêm vào đó nhiều DN chỉ nhận gia công sản phẩm, còn nhóm hàng nông thủy sản có lượng lớn nhưng giá trị không cao, chủ yếu là xuất thô.
THÚC ĐẨY ĐỒNG BỘ
Ngoài các nguyên nhân chủ yếu nêu trên, các DNVN còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu vẫn chưa kiểm soát.
Bên cạnh đó Chính phủ cũng đặt ra nhiệm vụ phải đẩy mạnh tái cơ cấu DN nhà nước, trong đó cổ phần hóa DN là trọng tâm. Vấn đề trần lãi suất có giảm nhưng khả năng tiếp cận vốn còn gặp nhiều khó khăn, chính điều này sẽ ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất xuất khẩu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu của DN.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu không chỉ liên quan đến các hoạt động xúc tiến thương mại mà còn ảnh hưởng bởi các yếu tố như hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho dịch vụ logistics, thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, bảo hiểm, tài chính, thuế... Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu của VN ngày càng phải cạnh tranh khốc liệt thông qua các rào cản thương mại, kỹ thuật được các nước dựng lên.
Trong các cuộc họp gần đây, ngoài việc thúc đẩy đàm phán các hiệp định song phương, đa phương nhằm mở rộng thị trường... Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan đẩy mạnh các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập; Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho DN.
Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, để thúc đẩy xuất khẩu, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa. Theo đó cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đưa ra cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp, đặc biệt vấn đề về tài chính. Bởi chỉ khi có đủ nguồn lực, DN mới đầu tư cho công nghệ mới, quản trị, đào tạo... nhằm nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Đối với cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và dịch vụ xuất nhập khẩu, cần siết chặt quản lý, ưu tiên đầu tư các dự án sẵn có nhằm giảm thiểu chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN xuất khẩu. Có như vậy, chúng ta mới tăng hiệu quả của hoạt động xuất nhập khẩu, duy trì được xuất siêu, giảm nhập siêu và phát triển bền vững nền kinh tế.