10 năm tới Ngành thiết kế vi mạch cần 50.000 nhân lực chất lượng cao

Bảo Hân (tổng hợp) |19/10/2023 13:20

Hiện có hơn 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong 10 năm tới khoảng 50.000 nhân lực từ trình độ đại học trở lên…

nhan-luc-vi-mach.jpg
Hiện nhu cầu nhân lực về lĩnh vực chíp bán dẫn do yêu cầu từ phía doanh nghiệp rất lớn, song hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 20%

Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự kiến, thời gian sắp tới sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch.

Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.

Trong những năm qua Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Trong đó, tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - AI, BigData…

Trong giai đoạn 2019-2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Ba lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh nhất là Máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), Công nghệ kỹ thuật (10,6%).

Hiện các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch. Trong đó, nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn có các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu…; nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch có các ngành đào tạo phù hợp, nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử-viễn thông; các ngành gần bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…

Việc đào tạo có thể tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch.

Tuy nhiên, thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn - vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Mỹ.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay 2 đề án quan trọng. Đó là Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, bao gồm lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch.

Ngoài ra, là Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.

Bộ này cũng đang xây dựng một Kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10, trong đó sẽ chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học hợp tác thành một liên minh, chia sẻ và sử dụng chung các nguồn lực, năng lực trong đào tạo và nghiên cứu.

Hiện nhu cầu nhân lực về lĩnh vực chíp bán dẫn do yêu cầu từ phía doanh nghiệp rất lớn, song hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Theo một đại diện của Bộ LĐTB&XH, hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ này cũng như nhiều trường đại học trên phạm vi cả nước đã bắt đầu thí điểm mã tuyển sinh riêng cho ngành thiết kế vi mạch.

Tuy nhiên, ngoài đào tạo kỹ sư, cử nhân để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao lâu dài, trước mắt cũng cần đào tạo ngắn hạn cho sinh viên về một số ngành liên quan đến công nghệ thông tin. Thời gian đào tạo có thể từ 6 tháng đến 1 năm nhằm kịp thời cung ứng nhân lực cho ngành này. Các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tích cực tăng cường đào tạo nhân lực số cũng như nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, việc này đã được đưa vào chiến lược, kế hoạch đào tạo của đơn vị trong thời gian tới.

Theo Vneconomy
Copy Link
Bài liên quan
  • Chính thức khai mạc chuỗi sự kiện VALOMA CONFEST 2023
    VALOMA CONFEST 2023 sẽ là một chuỗi hoạt động giá trị tạo nên tinh thần đoàn kết của gần 300 hội viên là các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo hàng đầu của cả nước, các doanh nghiệp và cộng đồng logistics Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
10 năm tới Ngành thiết kế vi mạch cần 50.000 nhân lực chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO