Nhiều dự án hạ tầng, giao thông được kỳ vọng thúc đẩy khu vực miền núi Thanh Hóa phát triển (Ảnh: Thành Tâm)
Theo số liệu từ Sở công thương Thanh Hóa, hết tháng 3/2021, các huyện miền núi Thanh Hóa đã thành lập được được 21 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 643,7 ha.
Khu vực miền núi Thanh Hóa đã thu hút được 351 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 47.000 tỷ đồng. Nhiều địa phương có kết quả thu hút đầu tư cao như: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Như Thanh... Chỉ tính trong giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã có 65 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 6.300 tỷ đồng. Đối với huyện Cẩm Thủy, từ năm 2016 đến nay huyện thành lập mới được 213 doanh nghiệp, thu hút được nhiều dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng…
Hiện các huyện miền núi Thanh Hóa đang tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư vào địa phương.
Được biết, khu vực miền núi chiếm 2/3 diện tích của tỉnh Thanh Hóa, gồm 11 huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Cẩm Thủy, Thạch Thành và Ngọc Lặc. Nhìn chung, các huyện miền núi Thanh Hóa có xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, trình độ sản xuất còn nhiều hạn chế, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở hạ tầng được đầu tư chưa đồng bộ còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…