Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vẫn phải bảo đảm giữ chân các nhà đầu tư lớncũng như sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư - Ảnh: VGP
Đây là ý kiến được trao đổi tại Hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 14/6 tại Hà Nội.
Ngăn chặn cuộc đua xuống đáy về ưu đãi thuế
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là nội dung thứ 2 trong 2 trụ cột chính của chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS).
Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu cho phép các quốc gia đánh thuế lợi nhuận từ hàng hóa và dịch vụ của các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hơn 20 tỷ EUR/năm (khoảng 20,7 tỷ USD/năm) và có tỉ suất lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu từ 10% trở lên (mức giới hạn doanh thu có thể giảm xuống còn 10 tỷ EUR/năm sau 7 năm kể từ khi BEPS có hiệu lực). Đổi lại, các quốc gia áp thuế dịch vụ kỹ thuật số (chẳng hạn như Pháp và Anh đối với một số tập đoàn như Facebook, Apple, Google…) phải loại bỏ chúng cũng như bất kỳ biện pháp tương tự nào. Theo ước tính, có khoảng 100 tập đoàn, công ty lớn trên thế giới chịu sự điều chỉnh của trụ cột này.
Thứ hai, quy định mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR (hay 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất, với ước tính thu được khoảng 150 tỷ USD doanh thu thuế toàn cầu hằng năm.
Thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn "cuộc đua xuống đáy" về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia mới nổi và đang phát triển, chịu sức ép lớn trong việc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các ưu đãi về thuế do đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất của các quốc gia này để thu hút FDI của các công ty, tập đoàn đa quốc gia.
Với quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, một tập đoàn, công ty đa quốc gia sẽ bị đánh thuế 15% đối với các khoản lợi nhuận tạo ra tại các quốc gia (có thuế suất bằng 0% hoặc thuế suất thấp thông qua cơ chế đánh thuế bổ sung, từ chối khấu trừ thuế hoặc thuế khấu trừ tại nguồn) với mức thuế suất hiệu dụng (Effective Tax Rate - ETR) tối thiểu.
Trong kỳ tính thuế, nếu ETR của một công ty con thấp hơn thuế suất tối thiểu được thỏa thuận trên toàn cầu thì công ty mẹ phải trả "thuế bổ sung" trên phần thu nhập tương ứng trong thu nhập của công ty con bị đánh thuế thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu cho quốc gia nơi đặt trụ sở (thường được gọi là quốc gia mẹ hoặc quốc gia cư trú).
Trong một số trường hợp nhất định, khoản thuế bổ sung sẽ chuyển sang một hoặc nhiều thành viên khác của tập đoàn, công ty đa quốc gia. Do đó, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tạo ra một hệ thống thuế có sự phối hợp của nhiều quốc gia nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia lớn phải trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại mỗi nước/khu vực mà công ty, tập đoàn đó có hoạt động.
Đối với các tập đoàn, công ty đa quốc gia có doanh thu hằng năm thấp hơn mức 750 triệu EUR, các nước vẫn có thể lựa chọn áp dụng thuế tối thiểu nếu trụ sở chính của công ty, tập đoàn đặt tại quốc gia đó. Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không áp dụng cho các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, các tổ chức phi lợi nhuận, hoặc thu nhập từ vận chuyển quốc tế... Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2023.
Hài hoà lợi ích quốc gia và nhà đầu tư
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng tham gia Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu chúng ta cần giải quyết được các câu hỏi như: Làm gì và làm như thế nào để khi thực thi Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ chân các nhà đầu tư lớn và đảm bảo được sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư…
Ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị Việt Nam nên chủ động áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu khoảng 15%, cùng với đó, sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Đầu tư để luật hoá cam kết này. Cần thành lập Tổ công tác gồm các cơ quan thuế, đầu tư, xây dựng, lao động và khoa học công nghệ để nghiên cứu, đề xuất chính sách giải pháp phù hợp cho Việt Nam.
Dưới góc độ quản lý, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết hiện nay Việt Nam đã ký 83 hiệp định thương mại với các nước và tổ chức trên thế giới. Đầu tư vào Việt Nam khác rất nhiều với đầu tư vào các "thiên đường" thuế. Trong hơn 386.000 dự án đầu tư vào Việt Nam, các dự án chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất, phân phối điện, khí đốt và bất động sản.
Việt Nam đã tham gia Chương trình hành động BEPS và quan điểm của Bộ Tài chính là bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định.
Lãnh đạo ngành thuế cho biết nhiều nước khác cũng đang nghiên cứu, sửa đổi ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với đầu tư nước ngoài. Còn chính sách thuế Việt Nam có định hướng thu hút dự án lớn, phù hợp với nhu cầu của đất nước.
Điểm cần lưu ý là việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu khiến chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài giảm hấp dẫn, ảnh hưởng nguồn đầu tư chất lượng cao, quy mô lớn, giảm vị thế cạnh tranh đầu tư và thương mại; ảnh hưởng chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia thu hút doanh nghiệp quy mô lớn, trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch; cuối cùng ảnh hưởng đến xuất khẩu và các cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối.
Tuy nhiên, thuế tối thiểu toàn cầu cũng mang lại một số thuận lợi tăng thu trong nước.
Theo đó, những dự án đang hoạt động tìm giải pháp ưu đãi tiếp tục, nhưng biện pháp dài hạn buộc phải nâng thuế suất tối thiểu lên 15%, giúp tăng thuế và chúng ta sẽ thu hàng trăm nghìn tỷ đồng nếu bỏ ưu đãi. Đây cũng là cơ hội nâng cao hiệu quả đầu tư theo quy hoạch, định hướng phát triển, cân đối hài hoà đầu tư trong chuỗi giá trị toàn cầu.
"Cần phải ban hành được thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu trong nước theo mức 15%. Do đó, có thể cần có đột phá để sửa đổi luật sớm hơn nhằm theo kịp nhịp đập của thế giới", ông Đặng Ngọc Minh nói.
TS. Cấn Văn Lực nêu một số kiến nghị về thuế tối thiểu toàn cầu.
Một là, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nhanh chóng rà soát, đánh giá tác động cụ thể, đề xuất phương án phù hợp. Việt Nam có nên áp mức thuế này hay không hay lộ trình thế nào, tổ chức thực hiện thế nào đảm bảo khả thi, hiệu quả và không xảy ra tranh chấp.
Hai là, cơ quan thuế cũng cần rà soát các chính sách phát luật về thuế để trình sửa đổi các quy định, quy trình kê khai thuế phù hợp với tiêu chuẩn hành động của BEPS để ban hành sớm nhất trước khi BEPS có hiệu lực, đồng thời có kế hoạch truyền thông về các chính sách này; tập huấn cho cán bộ và các DN nắm bắt, thực hiện đúng các điều chỉnh về quy định pháp lý.
Cuối cùng, ông Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng... vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh thay vì hướng tới ưu đãi về thuế.
"Việt Nam cần phát huy các thế mạnh môi trường chính trị ổn định, vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển hoàn thiện, nguồn nhân lực với chi phí ở mức trung bình thấp", TS. Cấn Văn Lực nói.