“Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 05 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước...”. Đây là một trong những nội dung của “Mục tiêu tổng quát” tại Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 16/12/2023).
Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) có hơn 305 km bờ biển, thềm lục địa rộng 100.000 km2 có nguồn tài nguyên biển phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu khí lớn nhất cả nước… Với tiềm năng đó, tỉnh BRVT có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển với các hoạt động như: khai thác dầu khí, du lịch, khai thác thủy hải sản và dịch vụ cảng biển, logistics...
Đó là tiềm năng, dư địa biển của BRVT trong quá trình phát triển. BRVT xác định trên tinh thần “Tài nguyên biển và hải đảo phải được quản lý thống nhất theo chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh”, (mục 1, điều 4, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo).
Sau khi Trung ương (Khóa XII) có Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045”, Tỉnh ủy BRVT đã triển khai với tinh thần xuyên suốt là "Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh".
Ngày 7/10/2022, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, tiếp tục xác định: “Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hoá, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao”.
Thực hiện mục tiêu đó, UBND tỉnh BRVT đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương tập trung khai thác, tận dụng những lợi thế về vị trí gần biển và tài nguyên biển phong phú để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics, phát triển mạnh hệ thống cảng biển. BRVT cũng đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch với các loại hình du lịch biển đa dạng, phong phú… Ngoài ra, tập trung thực hiện nhiều giải pháp về quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên biển. Đồng thời, dành nhiều nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh thu hút các dự án lớn, góp phần phát triển kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển một cách bền vững.
BRVT xác định “Lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung đầu tư vào các trụ cột kinh tế, các đột phá phát triển, hình thành các trục kinh tế động lực tại các vùng chức năng, tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển hài hòa giữa các khu vực trong tỉnh”, (Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 16/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
Từ chỗ chỉ có một vài cảng chuyên dùng phục vụ cho ngành dầu khí và đánh bắt hải sản, BRVT đã dần hình thành và định hình hệ thống cảng biển tổng hợp được quy hoạch là cảng loại đặc biệt cấp quốc gia. Riêng cảng Cái Mép - Thị Vải đã có 22 dự án đi vào hoạt động, với tổng chiều dài cầu bến khu vực Cái Mép - Thị Vải đạt 9.947m. Tính đến hết tháng 12/2020, Cái Mép - Thị Vải đã có 7 dự án cảng container đi vào hoạt động, công suất thiết kế đạt 6,8 triệu TEU/năm.
Để phát huy hệ thống cảng biển, từ lâu nay tỉnh BRVT đã huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ gắn với các tỉnh trong Vùng trọng điểm phía Nam, trước hết là khu vực Đông Nam Bộ. Đồng thời, để tận dụng hệ thống cảng biển, BRVT quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu công nghiệp gắn với cảng biển. Nhiều dự án đầu tư lớn gắn với biển được triển khai, gồm: Kho tiếp vận khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và tái hóa khí thiên nhiên tại Vũng Tàu 6.500 tỷ đồng (khởi công từ tháng 10/2019); Tổ hợp Hóa dầu miền Nam 5,1 tỷ USD (Tập đoàn SCG Thái Lan đầu tư, đã được chấp thuận và đang triển khai thực hiện).
Ngoài ra, ngành đánh bắt, chế biển hải sản cũng là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế biển của tỉnh BRVT. Với 5/8 huyện, thị ven biển và số lượng tàu thuyền tương đối lớn, trong những năm qua, BRVT luôn chú trọng đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống cảng cá trên địa bàn.
Về du lịch biển, trên địa bàn tỉnh có 3 khu du lịch biển nổi tiếng cả nước và thế giới, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế, đó là Vũng Tàu, Long Hải, Côn Đảo. Đặc biệt, Côn Đảo với lợi thế là một hòn đảo có hệ sinh thái còn giữ được vẻ tự nhiên, hoang sơ và có bề dày lịch sử cách mạng hào hùng. Do đó, BRVT đã và đang huy động các nguồn lực để phát triển Côn Đảo thành khu du lịch quốc gia đặc sắc mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Theo đó, BRVT sẽ xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển, định vị thương hiệu du lịch tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế; tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng và khu vực, hình thành hệ sinh thái logistics để cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế; nghiên cứu triển khai, thu hút đầu tư cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt tạo động lực mới cho phát triển du lịch.
Để có thể “phát triển kinh tế hài hòa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”, tỉnh BRVT luôn xác định phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, trên cơ sở tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
BRVT cũng sẽ tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh và mở rộng hợp tác quốc tế.
Tinh thần chung của BRVT là, phát triển kinh tế biển dựa trên cơ sở phát triển bền vững, bảo vệ hệ sinh thái biển, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát việc khai thác các tài nguyên biển một cách bền vững, nhất là việc ưu tiên phục hồi các hệ sinh thái biển đang cạn kiệt, cùng với việc thúc đẩy đa dạng sinh học biển. Đồng thời cần phải tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; các địa phương phát động phong trào thi đua giảm thiểu chất thải nhựa đại dương.