Bà Rịa - Vũng Tàu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện

Hồng Út|13/12/2023 14:30

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang ưu tiên nguồn lực, phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số, qua đó đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển của kinh tế - xã hội địa phương.

Chuyển đổi số là mục tiêu quan trọng

Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính, Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ thực hiện từ bằng đến cao hơn các chỉ tiêu chuyển đổi số đề ra trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; Đến năm 2030, tỉnh sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh, thương mại điện tử phát triển và đảm bảo an toàn thông tin. Phát triển dịch vụ thông tin và truyền thông với công nghệ hiện đại, độ bao phủ rộng, tốc độ và chất lượng cao… Hình thành, phát triển trung tâm dữ liệu vùng tại tỉnh BR-VT và hình thành vùng động lực công nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ số, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Đến năm 2030, sẽ cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và hình thành mô hình đô thị thông minh; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân; kinh tế số trở thành nền tảng cốt lõi thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ và xây dựng xã hội an toàn, nhân văn, thịnh vượng.

Mới đây, Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ban hành ngày 31/5/2023 cũng xác định, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn 2050 ngành dịch vụ sẽ là một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh BR-VT. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển hạ tầng, dịch vụ thông tin và truyền thông để phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp.

picture1.jpg
Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh (IOC) - thành tựu quan trọng trong chuyển đổi số của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Nhiều kết quả nổi bật

Theo kết quả xếp hạng mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022, tỉnh BR-VT xếp hạng 28/63 tỉnh thành (tăng 01 bậc so với năm 2021). Trong đó, chỉ số Chính quyền số xếp thứ 27, Kinh tế số xếp thứ 43 và Xã hội số xếp thứ 43. Mặc dù, thứ hạng tổng thể chưa phát triển vượt bậc, nhưng BR-VT lại nằm trong nhóm 14 địa phương dẫn đầu về Thể chế số; nhóm 10 địa phương đẫn đầu về Hạ tầng số.

Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2021. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS) xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc so với năm 2021. Chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022, xếp hạng 34/61 tỉnh, thành phố".

Đến hết tháng 11/2023 tỉnh đã hoàn thành 32/39 chỉ tiêu kế hoạch chuyển đổi số của năm 2023, cụ thể: 13/16 chỉ tiêu chính quyền số; 6/8 chỉ tiêu kinh tế số; 13/15 chỉ tiêu xã hội số. Các chỉ tiêu còn lại đang được khẩn trương hoàn thành.

Hiện nay, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh được triển khai đến từng sở, ban, ngành cấp huyện, xã, đồng thời cũng diễn ra mạnh mẽ tại hầu hết các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế trụ cột.

Việc vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật. Tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt 97%; 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị đều đã được cấp phát chữ ký số, chứng thư số; 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử; triển khai ứng dụng Zalo để thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính. Thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử; đảm bảo đến cuối năm tỷ lệ lần lượt là 100%...

Một kết quả nổi bật khác là tỉnh đã đưa Trung tâm giám sát và điều hành thông minh (IOC) vào hoạt động hồi tháng 4/2023. Hệ thống này được tích hợp, kết nối dữ liệu trực tiếp với hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và các hệ thống thông tin các ngành, lĩnh vực liên quan theo thời gian thực qua các API. Trung tâm này được kỳ vọng sẽ giúp lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng thu thập, đánh giá và phân tích thông tin bằng công nghệ một cách chính xác, đồng thời sẽ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

picture2.png
Tỷ lệ mức độ hài lòng khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến là 66.72%, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn là 97,8% – Ảnh: dichvucong.baria-vungtau.gov.vn

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO