Kinh tế biển: Lợi thế đặc biệt giúp Bà Rịa - Vũng Tàu bứt phá

Nguyên Bảo|18/12/2023 12:08

Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) có tốc độ phát triển kinh tế cao, được xác định là tỉnh có tốc độ tăng trưởng quan trọng của cả nước. Tỉnh có GRDP bình quân đầu người luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu, năm 2023 ước đạt 8.078 USD. Kết quả trên có sự đóng góp đặc biệt từ kinh tế biển.

Thế mạnh kinh tế biển

Về dịch vụ cảng biển, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển BR-VT được xếp loại đặt biệt quốc gia. Dự kiến, đến năm 2030 hàng hóa thông qua nhóm cảng biển này đạt từ 461 - 540 triệu tấn. Đặc biệt, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trên địa bàn tỉnh có luồng sâu tự nhiên, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế, có khả năng đón tàu trọng tải lớn đến 250.000 tấn (khoảng 24.000 TEU). Nơi đây, luôn nhộn nhịp với các tuyến đi châu Á, châu Âu, châu Mỹ hàng tuần. Trong tương lai, cụm cảng này được định hướng sẽ trở thành Cảng trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới và khu vực.

picture1.png
Cảng quốc tế Gemalink, cảng nước sâu có quy mô lớn nhất tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Về du lịch, BR-VT được thiên nhiên ban tặng những di sản tự nhiên quy báu tầm cỡ khu vực và thế giới như: bãi Trước, bãi Sau, Long Hải và Côn Đảo… cùng với nhiều di tích lịch sử văn hóa cách mạng như: nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương, khu an nghỉ của Cô Sáu, mộ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong… kết thành những giá trị vật chất và tinh thần vô giá, thu hút hàng triệu khách quốc tế và trong nước mỗi năm. Năm 2023, tỉnh BR-VT thu hút khoảng 14,1 triệu lượt khách.

Ngành đánh bắt, chế biển hải sản, BR-VT hiện có 7 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản, 334 tổ hợp tác đoàn kết đánh bắt trên biển. Sản lượng đánh bắt bình quân khoảng 300.000 tấn/năm. Diện tích tiềm năng nuôi thủy sản là khoảng 16.153 ha. Sản lượng nuôi thương phẩm trung bình khoảng 20.486 tấn/năm.

Ngành dầu khí mang đến lợi thế phát triển đặc biệt cho kinh tế biển BR-VT. Tỉnh có trữ lượng dầu khoảng 400 triệu m3 (chiếm 93,29% trữ lượng cả nước) và khoảng trên 100 tỉ m3 khí (chiếm 16,2% trữ lượng cả nước). BR-VT luôn đứng đầu cả nước về lĩnh vực khai thác dầu khí".

Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Nghị quyết số 05/NQ-HĐND, về việc thông qua quy hoạch tỉnh BR-VT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, BR-VT đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành và phát triển các ngành kinh tế biển chủ lực đạt tiêu chuẩn quốc tế gồm: du lịch biển đảo; kinh tế hàng hải (cảng biển, logistics, các dịch vụ vận tải biển); khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Đồng thời, chú trọng bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng các ngành kinh tế biển trong GRDP của tỉnh (không kể dầu khí) đạt khoảng 60%, trong đó các ngành kinh tế thuần biển khoảng 20%.

Theo đó, ngành cảng biển và du lịch tiếp tục được xác định là trụ cột phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Tỉnh sẽ tập trung khai thác vai trò hệ thống cảng đặc biệt quốc gia, phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. Xây dựng khu thương mại tự do gắn với hệ thống cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, hình thành hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ hoàn chỉnh.

picture2.png
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Về du lịch, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát huy lợi thế biển, đảo, cảnh quan núi rừng, tài nguyên đa dạng sinh học và các tài nguyên văn hóa, lịch sử để phát triển BR-VT trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo theo mô hình du lịch chất lượng cao, chú trọng bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Phát triển các khu du lịch quốc gia Long Hải - Phước Hải, Hồ Tràm - Bình Châu, hình thành chuỗi sản phẩm về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển đảo, du lịch thể thao - giải trí chất lượng cao, văn hóa, sinh thái, bất động sản, y tế phục hồi sức khỏe, du lịch nông nghiệp, nông thôn...

Tỉnh sẽ tái cơ cấu khai thác và nuôi trồng thủy sản, không đặt mục tiêu về tăng sản lượng khai thác cũng như nuôi trồng thủy sản mà chủ yếu tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến đối tượng tiêu dùng chính là du khách và người dân khu vực đô thị trong vùng. Ưu tiên phát triển tàu khai thác hải sản xa bờ; nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi trồng hữu cơ, sinh thái bền vững, hiệu quả; phát triển mạnh nuôi thủy sản trên biển.

Bài liên quan
  •  Vấn đề xanh hóa cảng biển ngày càng cấp thiết
    - Thêm 3 công ty bị Mỹ trừng phạt vì vận chuyển dầu Nga được bán trên mức giá trần - Ukraine ước tính thiệt hại do Ba Lan chặn biên giới - Tập đoàn vốn 250 tỉ usd của UAE muốn đầu tư phát triển cảng biển với Việt Nam - Vấn đề xanh hóa cảng biển ngày càng cấp thiết - Trung Quốc xây đường hầm dài nhất thế giới kết nối với Trung Á - Có cần đặt ra giá sàn vận chuyển trong thương mại điện tử?

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế biển: Lợi thế đặc biệt giúp Bà Rịa - Vũng Tàu bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO