Bộ Công Thương triển khai các giải pháp cụ thể theo từng lĩnh vực, bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Chính phủ đề ra
Đồng thời dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 một cách hiệu quả.
Cụ thể hóa mục tiêu thành các nhiệm vụ
Trong 5 tháng đầu năm 2020, bám sát các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp cụ thể, định lượng theo từng lĩnh vực để đạt hiệu quả tối ưu.
Trước hết, Bộ Công Thương tập trung vào mục tiêu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là duy trì cán cân thương mại tích cực, đóng góp cho tăng trưởng; tăng cường xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là hàng nông sản. Ngay từ đầu năm, trên cơ sở kịch bản tăng trưởng chung và ảnh hưởng của dịch Covid-29, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng kế hoạch chi tiết cho lĩnh vực xuất nhập khẩu và các giải pháp thực hiện kèm theo, làm rõ vai trò của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện. Thường xuyên theo dõi tình hình xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc nói riêng và các cửa khẩu cả nước nói chung để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Hiện Bộ Công Thương đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan triển khai xây dựng Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản nhằm đảm bảo ổn định thị trường đầu ra cho ngành nông sản, bao gồm cả hoạt động xuất khẩu.
Cùng với đó là nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế tự chủ, ít phụ thuộc, chủ động giải quyết hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác lớn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn cũng là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam đẩy mạnh hơn và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đối tác; nhận thức rõ rủi ro khi chỉ tập trung vào một hoặc một vài thị trường, thị trường, từ đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trên từng lĩnh vực, từng ngành hàng; chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược có lợi thế cạnh tranh; thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ, năng lực quản trị và chuyển đổi số. Qua đó, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn. Khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt và hàng hóa Việt. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại, gắn kết thương mại điện tử với các loại hình thương mại truyền thống.
Đặc biệt, đối với thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định là động lực quan trọng phục vụ cho tăng trưởng. Cùng với 2 trụ cột khác là đầu tư và xuất khẩu, thị trường trong nước là trụ cột thứ 3 cần được khai thác và phát huy tốt. Bộ Công Thương xác định 2 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho vấn đề này, đó là: tập trung để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trong nước, có phương án để cung cấp phục vụ các địa bàn trên cả nước trong mọi tình huống của dịch bệnh; có phương án đề xuất nhằm kích cầu trong nước trước mắt cũng như sau thời kỳ dịch bệnh.
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 06/CT-BCT ngày 11/3/2020 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của ngành công thương trước những diễn biến mới nhất của dịch. Theo đó, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa và giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu. Cụ thể, trong phạm vi và lĩnh vực quản lý, Bộ Công Thương đã rà soát để ban hành theo thẩm quyền việc giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3,4 tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nắm bắt thực tế, dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, có biện pháp đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất, kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bán lẻ. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo; hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là cá mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như: khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.
Sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vào ngày 12/2/2020, Bộ Công Thương đã hoàn tất Hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA trình Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào tháng 5/2020.
Hiện nay Bộ Công Thương đang tổ chức xây dựng Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA. Kế hoạch xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện. Trong đó các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Sản xuất công nghiệp – thương mại có nhiều tín hiệu tích cực
Về sản xuất công nghiệp, trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có nhiều tín hiệu tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước, tuy có giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 5 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.
Trong tháng 5, với sự nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất đã bước đầu trở lại bình thường. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong tháng 5 đã bắt đầu khôi phục trở lại, tăng cao so với tháng 4; đặc biệt, sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện tăng trên 2 con số (tương ứng tăng 12,8% và 13,7%).
Tính chung 5 tháng năm 2020, sản xuất công nghiệp của Việt Nam chịu tác động chung của dịch bệnh, ảnh hưởng đến tiêu thụ và sản xuất hàng hóa nên mức tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của đại dịch, sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn có tăng trưởng, thể hiện sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng nhau vượt qua khó khăn, duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Về tình hình thương mại, hoạt động thương mại của Việt Nam từ đầu quý II/2020 đã chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19 lây lan trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại các nước là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như: EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN…
Trong tháng 5/2020, xuất nhập khẩu của Việt Nam mặc dù có sự cải thiện so với tháng 4 nhưng vẫn sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Theo ước tính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5/2020 đạt 37,9 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 4 nhưng giảm 15,7% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,8% so với 5 tháng năm 2019.
Đáng chú ý, trong tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu của cả 3 nhóm hàng chính đều tăng so với tháng 4. Cụ thể, nhóm hàng nông, thủy sản tăng 3,8%, ước đạt 2,1 tỷ USD; nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng 33,3%, ước đạt 170 triệu USD; nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 4,9%, ước đạt 15,12 tỷ USD.
Hoạt động thương mại trong tháng 5 của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đã có những khởi sắc. Nhìn chung thị trường xuất khẩu vẫn duy trì được mức tăng trưởng trong 5 tháng. Gần đây, nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam dỡ bỏ những biện pháp chống dịch và tái khởi động kinh tế, điều này mở ra kỳ vọng hoạt động thương mại toàn cầu sẽ mở ra trong những tháng tiếp theo.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu nhằm mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung. Ngay khi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Bộ Công Thương đã sớm tính đến việc triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường xuất khẩu. Trong đó đã chủ động xây dựng các dự thảo kế hoạch để tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, Bộ Công Thương xác định cần bám sát diễn biến tình hình, chủ động, sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả, phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tiếp tục tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Ban hành Kế hoạch hành động của ngành công thương thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới; Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp và tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới; Tháo gỡ khó khăn về thị trường xuất nhập khẩu song sóng với thúc đẩy phát triển thị trường trong nước.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế về kinh tế, tập trung thúc đẩy thực hiện các Tuyên bố chung về phục hồi kinh tế để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 trong khuôn khổ hợp tác với cá tổ chức WTO, ASEAN, APEC, G20 và các tổ chức đa phương khác mà ta là thành viên; triển khai các hoạt động thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước nhằm tận dụng lợi ích của các FTA đã ký kết.
Cùng với đó, không lơi lỏng các biện pháp bảo đảm trật tự thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.