Báo cáo tình hình hậu cần 2023: 4 vấn đề thách thức thị trường hậu cần hiện tại

Tuấn Kiệt chuyển ngữ|02/10/2023 11:33

Trong buổi thuyết trình hội thảo trực tuyến trao đổi về báo cáo tình hình hậu cần năm 2023 gần đây, Andy Moses, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách kinh doanh và giải pháp của Penske Logistics đã chia sẻ rằng chuỗi cung ứng hiện đang tiếp tục trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt hơn và các nhà cung cấp đang phát triển nhiều giải pháp mới hơn bao giờ hết.

Hậu cần phần lớn là một ngành dựa trên giải pháp. Mọi thứ được thúc đẩy mạnh mẽ bởi công nghệ, quy trình và kỷ luật theo quy mô. Và tôi nghĩ những gì chúng ta đang chứng kiến là yêu cầu về khả năng đáp ứng của chuỗi cung ứng chưa bao giờ quan trọng đến vậy. Và hoạt động giải pháp của chúng ta hiện cũng đang khá nhộn nhịp”, ông Moses cho biết.

container-container-ship-import-export-business-logistic-compressed.jpeg

Báo cáo Tình hình Hậu cần năm 2023 do công ty tư vấn toàn cầu Kearney xuất bản hàng năm cho Hội đồng Chuyên gia Quản lý Chuỗi Cung ứng (CSCMP) và được nhà cung cấp chuỗi cung ứng bên thứ ba Penske Logistics giới thiệu đến mọi người. Báo cáo này cung cấp một bức tranh tổng thể về nền kinh tế Mỹ thông qua lăng kính của lĩnh vực hậu cần và vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng tổng thể.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu từ khắp chuỗi cung ứng đã cùng nhau tham dự hội thảo trực tuyến, đưa ra suy nghĩ của họ về các vấn đề hàng đầu trong thời gian gần đây và trả lời các câu hỏi về thị trường cũng như một số phát hiện trong báo cáo năm nay.

Báo cáo cho thấy chi phí hậu cần kinh doanh của Hoa Kỳ đã tăng lên và hiện ở mức 2,3 nghìn tỷ USD, tăng từ 1,85 nghìn tỷ USD vào năm ngoái. USBLC chiếm 9,1% GDP và đã tăng 46% so với năm 2020.

Ngành thương mại điện tử cũng tiếp tục phát triển, tăng 8% vào năm 2022 lên 1,03 nghìn tỷ USD, chiếm 14,5% thị trường bán lẻ Hoa Kỳ. Khi nói đến đầu tư công nghệ, các công ty hậu cần bên thứ ba (3PL) đang dẫn đầu với 96% số người được khảo sát cho biết họ đã chuyển sang công nghệ đám mây trong khi chỉ có 86% công ty vận chuyển đồng tình. Các dịch vụ vận chuyển này cũng khá tụt hậu trong việc đầu tư vào IoT, chỉ ở mức 77% so với 80% của 3PL.

Đối với một số doanh nghiệp, reshoring đã đi từ một lựa chọn chiến lược thành hiện thực trên thị trường. Theo chỉ số từ Kearney Reshoring, nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ Mexico của Mỹ đã tăng 26% (tính từ mùa xuân năm 2020). Nhưng trong số các chuyên gia tại hội nghị, có nhiều chủ đề khác cũng xuất hiện.

Gregory Javor, phó chủ tịch điều hành chuỗi cung ứng toàn cầu tại Mattel, cho biết khả năng phục hồi hiện đang diễn ra, nhưng ông cũng thấy tài chính cũng trở thành vấn đề mới khi lạm phát và tỷ giá tăng đã gây áp lực cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn với hàng tồn kho dư thừa. Ngoài ra, việc cân bằng hàng tồn kho với doanh số bán hàng và giải quyết tình trạng dư thừa cũng là một thách thức riêng.

Ông nhận xét: “Yếu tố này giống như hệ thống tuần hoàn trong chuỗi cung ứng, vì vậy mọi người cần chú ý đặc biệt đến chúng”.

Paul Bingham, giám đốc tư vấn giao thông vận tải của S&P Market Intelligence, lưu ý rằng việc tăng lãi suất cũng đang gây áp lực cho các doanh nghiệp.

“Việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất... trong năm ngoái đã thay đổi kế hoạch của một số công ty lớn trong việc cố gắng quản lý hàng tồn kho với nguồn lực của mình. Chi phí vận chuyển hàng tồn kho hiện đang tăng lên rất nhiều do lạm phát đối với các loại hàng hóa thông thường. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ tập trung xem xét đặc biệt trong lĩnh vực này. Rõ ràng, mọi người đều kỳ vọng là lạm phát sẽ được kiểm soát và cuối cùng lãi suất sẽ giảm xuống, nhưng không phải trong năm nay”, ông Bingham cho biết.

Triển vọng về giá cước

Trong những năm gần đây, công suất vận tải vẫn tiếp tục vượt xa nhu cầu ở cả ngành vận tải biển và vận tải đường bộ, với giá cước vẫn giảm trong cả hai lĩnh vực.

boat-huangpu-river-with-shanghai-urban-architecture-cargo-crane-compressed.jpeg

Theo Bart De Muynck, giám đốc thông tin của project44, cho biết: “Ngay bây giờ, nếu bạn nhìn vào nhu cầu vận chuyển so với nguồn cung, chúng ta sẽ thấy được sự thừa công suất và đây cũng là một phần lý do tại sao giá giao ngay lại thấp đến mức khó tin như vậy.”

Balika Sonthalia, đối tác cấp cao tại Kearney, lưu ý rằng khách hàng của bà đang chứng kiến sự sụt giảm lớn về giá cước vận tải biển trong vài tuần qua, khiến nhiều doanh nghiệp tìm kiếm các hợp đồng có giá cước theo Quý vào lúc này vì hi vọng rằng “giá cước sẽ giảm”. Tuy nhiên, bà nói rằng tình trạng dư thừa hiện tại “có tính khu vực hơn” và phụ thuộc vào lĩnh vực khác nhau.

De Muynck cũng chia sẻ rằng khi nhu cầu vận chuyển được giảm bớt ở thị trường vận tải đường bộ, giá cước có thể sẽ tăng trở lại, tuy nhiên “câu hỏi ở đây là điều đó sẽ diễn ra vào lúc nào”.

Robert Walpole, phó chủ tịch phụ trách hàng hóa hàng không tại Delta, cho biết tình trạng dư thừa công suất vận chuyển trong thị trường vận tải hàng không sẽ bắt đầu tự điều chỉnh trong vòng 6 đến 18 tháng - tới khi các máy bay cũ đã được sử dụng trong thời gian giá cước tăng cao trong vài năm qua ngừng hoạt động và được thay thế.

Về phía vận tải đường bộ, De Muynck cho biết vận may cũng sẽ sớm đến với mọi người.

“Nếu bạn nhìn vào năm tới, chúng ta có thể thấy điều ngược lại khi khối lượng vận tải tăng trở lại, nhập khẩu cũng tăng theo vì mức tồn kho đã giảm và các doanh nghiệp bắt đầu sắp xếp lại đơn đặt hàng. Mọi người sẽ bất ngờ trước nhu cầu tăng trở lại, đặc biệt là nhu cầu nội địa, từ đó sẽ tự cân bằng và tăng giá dịch vụ như trước”, ông De Muynck chia sẻ và nhấn mạnh đến tính chất chu kỳ của chuỗi cung ứng trong lịch sử.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Báo cáo tình hình hậu cần 2023: 4 vấn đề thách thức thị trường hậu cần hiện tại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO