Bấp bênh thị trường vận tải hàng hóa

16/05/2016 09:55

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Năm 2015 được xem là một năm khá ảm đạm của cả hai thị trường vận tải hàng hóa đường hàng không và đường biển. Theo đó, những dự báo về khả năng tăng trưởng của năm 2016 cũng giảm xuống.

(Vietnam Logistics Review) Năm 2015 được xem là một năm khá ảm đạm của cả hai thị trường vận tải hàng hóa đường hàng không và đường biển. Theo đó, những dự báo về khả năng tăng trưởng của năm 2016 cũng giảm xuống.

Thị trường vận tải hàng hóa hàng không khá ảm đạm

Theo số liệu từ Hiệp hội các hãng hàng không Châu Á Thái Bình Dương (AAPA) cho thấy, hiện thị trường vận tải hàng không vẫn còn suy yếu.

Ông Andrew Herdman, Tổng giám đốc AAPA cho biết, nhu cầu hàng hóa hàng không đã giảm thêm 1,8% trong 11 tháng đầu năm 2015, do ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã diễn ra trong năm qua.

Bên cạnh đó, nhiều hãng vận tải hàng hóa hàng không cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái này, và có dấu hiện dư thừa công suất tải trong suốt thời gian qua.

Nhìn chung, các hãng hàng không trong khu vực đang tập trung để đáp ứng nhu cầu của thị trường, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh và tăng lợi nhuận.

Trong dịp Giáng sinh và Năm mới 2016, thị trường vận tải quốc tế đã trở nên sôi động ở nhiều phương thức vận tải, cải thiện khối lượng vận tải quốc tế. Tuy nhiên, sự sôi động này diễn ra trong ngắn hạn, không đủ mạnh để chống lại sự suy giảm kéo dài đã diễn ra trong 11 tháng đầu năm 2015.

Ngược lại với thị trường vận tải hàng hóa hàng không, vận tải hành khách trong năm qua đã đạt mức tăng trưởng mạnh. Ước tính trong 11 tháng đầu năm 2015, các hãng hàng không Châu Á đã thực hiện thành công 252 triệu lượt khách quốc tế, tương đương với sự tăng trưởng 8,1%. Và nhu cầu này vẫn phát triển mạnh mẽ, bất chấp sự suy yếu của đồng tiền châu Á cũng như sự điều tiết của các nền kinh tế mới nổi.

Vận tải biển chưa có dấu hiệu cải thiện

Trước sự suy yếu của thị trường vận tải biển trong thời gian qua, các hãng vận tải biển hoạt động trên tuyến Á Âu đang cố gắng nâng cước phí trong thời điểm trước Tết Nguyên Đán, bởi theo dự báo của các chuyên gia phân tích từ Hiệp hội tư vấn Hackett (Mỹ) cho biết, lượng hàng hóa trên tuyến đường này trong năm 2015 đã sụt giảm khoảng 4% so với năm 2014.

Cũng theo tổ chức này, hiện thị trường vận tải biển vẫn còn khá ảm đạm và đang đối mặt với sự trì trệ và suy thoái nhẹ, thậm chí, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng năng suất tải vượt quá nhu cầu.

Dù sụt giảm về khối lượng, nhưng lượng hàng cung ứng được vận chuyển giữa tuyến đường châu Âu và châu Á vẫn diễn ra điều đặn. Tuy nhiên, điều này chỉ làm cho khối lượng tăng trưởng theo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ, không hề có dấu hiệu phục hồi trong sản lượng hay trong cước phí vận tải.

Mặc dù tình hình đang diễn ra khá ảm đạm, nhưng thị trường vận tải biển vẫn có những dấu hiệu tích cực như việc tăng giá cước chung trong tháng 12 của hai hãng vận tải MSC và CSCL. Đây là lần tăng cước đầu tiên kể từ năm 2014. Cụ thể, giá cước đã tăng gấp đôi ở tuyến Á –Âu và tăng hơn 1.200 USD cho cả khu Bắc Âu và Địa Trung Hải. Hapag Lloyd và MOL cũng thiết lập khoản tăng cước chung với 1.200 USD/TEU cho tất cả các tuyến giữa châu Á – châu Âu, châu Á – Địa Trung Hải vào tháng 01.2016.

Năm 2016: Khó hồi phục

Theo dự báo của công ty tư vấn vận tải biển Drewry (Anh), lượng lưu thông container trên toàn thế giới sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 4,5% mỗi năm từ năm 2015-2019, sau khi đã tăng trung bình mỗi năm 5,4% từ năm 2010-2014. Nhưng vào thời điểm cuối năm 2015, nhiều hãng vận tải đã giảm con số dự báo về số lượng hàng hóa thông qua cảng một cách đáng kể. Trên cơ sở đó, Drewry cũng giảm con số dự báo về tốc độ tăng trưởng của năm 2015 xuống còn 2,2% và giảm dự báo tăng trưởng của năm 2016 từ 4,9% còn 3,3%.

Ngoài ra, Drewry cũng cho biết, các chi phí liên quan tới tàu hàng hoạt động trong hai năm tới được dự đoán sẽ tăng, dù khiêm tốn, sau khi giảm trong năm 2015, trong bối cảnh thị trường hàng hóa yếu. Nghiên cứu mới của Drewry cũng dự đoán phí bảo hiểm, nhiên liệu, sửa chữa và bảo trì sẽ tăng trong năm 2016 và năm 2017.

Trong năm 2015, phí khai thác tàu đã giảm trung bình khoảng 1%, nhưng chi phí này được dự kiến sẽ tăng lên trong tương lai. Mặc dù thị trường vận tải hàng hóa suy yếu buộc các hãng vận tải phải cắt giảm chi phí, tuy nhiên, cũng có thể tận dụng lợi thế của việc giảm giá hàng hóa và chi phí bảo hiểm. Theo ông Nigel Gardiner, Giám đốc điều hành Drewry cho biết, chi phí các loại dầu bôi trơn và các hàng hóa khác sẽ chỉ tăng nhẹ, chỉ số lạm phát của nền kinh tế toàn cầu cũng nằm ở mức thấp.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bấp bênh thị trường vận tải hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO