Bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội phải đi cùng yếu tố bền vững

Thời báo Kinh tế Sài Gòn|04/07/2019 09:39

(VLR) Với nhiều lợi thế, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam được đánh giá là vẫn còn rất nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra là Nhà nước cũng như doanh nghiệp cần làm gì để thị trường phát triển bền vững.

Để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển lành mạnh, cần những giải pháp mang tính căn cơ

Để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển lành mạnh, cần những giải pháp mang tính căn cơ

Tiềm năng còn nhiều

Tại Diễn đàn Đầu tư bất động sản: Rủi ro và cơ hội vừa diễn ra, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã và đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước hướng tới. Tiềm năng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam còn rất lớn bởi tăng trưởng kinh tế cao và cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn.

Theo ông Thành, số lượng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng trên cả nước hiện nay mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu căn hộ lưu trú cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Do đó, việc đầu tư vào loại hình này còn dư địa rất lớn. Ngoài ra, giá bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng phát triển du lịch.

Ở góc độ nhà quản lý, ông Đỗ Huy Hoàng, Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2018 có hơn 8.000 căn hộ du lịch (condotel) đủ điều kiện mở bán tại khoảng 12 địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Phan Thiết, Quảng Ninh… “Năm 2018, có đến hơn 7.800 căn hộ được giao dịch, tỷ lệ hấp thụ đạt hơn 92%. Chứng tỏ năm 2018 lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng được sự quan tâm rất nhiều”.

Ông Hoàng nhận định nửa cuối năm 2019 thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có nhiều thuận lợi. Thứ nhất, tiềm năng còn rất lớn do nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Thứ hai, Việt Nam đang bắt đầu xuất hiện một số loại hình du lịch nghỉ dưỡng mới như du lịch tham quan, du lịch chữa bệnh, du lịch kết hợp hội thảo hội nghị, du lịch tâm linh, du lịch mua sắm. Theo ông, đây là những loại xu hướng du lịch mới.

Thứ ba, pháp lý bất động sản đã rõ ràng hơn so với những năm trước, dù vẫn có một số quy định chưa đầy đủ. Thứ tư, sự chủ động của địa phương kêu gọi đầu tư vào du lịch rất lớn. Thứ năm, xu hướng đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư rất lớn. Thứ sáu, chính sách của Chính phủ coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn sẽ là cơ hội.

“Đặc biệt, thị trường sẽ xuất hiện xu hướng đầu tư an toàn, tính toán hơn về các sản phẩm nghỉ dưỡng. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ phát triển lan ra nhiều khu vực với sản phẩm đa dạng hơn”, ông Hoàng nhận định.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Southern Homes Việt Nam, khẳng định với 3.260 kilomet bờ biển, tổng diện tích đất ven biển lên khoảng 1.000.000 kilomet vuông, hiện nay Việt Nam là một trong những quốc gia có thế mạnh để phát triển kinh tế biển. “Hiếm có quốc gia nào có tài nguyên biển tiềm năng như vậy. Đây là tiền đề rất tốt để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển”, ông nói.

Để thị trường bền vững

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ông Đỗ Huy Hoàng cũng nêu lên một số khó khăn của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay. Thứ nhất, không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu rõ về cách thức, quy định pháp lý của các loại hình đầu tư. Thứ hai, một số quy định pháp lý chưa rõ ràng. “Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét dự kiến sửa Luật Đất đai. Nguồn vốn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cũng bị siết chặt hơn”, ông cho biết.

Riêng khung pháp lý, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó yêu cầu Bộ Xây dựng phải bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, condotel, biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel)... “Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để sửa đổi Thông tư 02/2016/TT-BXD về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư; các quy chuẩn về xây dựng, quy chế quản lý kinh doanh condotel, officetel… Dự kiến cuối năm 2019 sẽ ban hành”, ông Hoàng thông tin thêm.

Trước câu hỏi làm thế nào để giúp thị trường bất động sản bền vững, ông Bùi Xuân Hiền cho biết từ góc độ thị trường, cơ chế pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng còn nhiều điều phải bàn. Để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển lành mạnh, công cụ mà Chính phủ đưa ra thường là khi thị trường phát triển nóng, tăng quá cao thì lấy tín dụng ra kiểm soát. Đây là giải pháp đúng nhưng chưa trọn vẹn và thị trường cần những giải pháp căn cơ hơn.

“Với việc siết tín dụng thì phải đi theo đúng lộ trình và làm thế nào để giảm và tăng lãi suất phù hợp. Đồng thời, phải có hành lang pháp lý rõ ràng để có thể thúc đẩy nhà đầu tư tạo ra những sản phẩm tốt, uy tín và có chất lượng”, ông Hiền bày tỏ mong muốn Chính phủ cần sớm có quyết sách phù hợp để thị trường phát triển lành mạnh.
Bà Trần Thị Mỹ Lộc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinhomes, cũng cho rằng để bất động sản nghỉ dưỡng phát triển bền vững thì cần sự chung tay của Nhà nước và các chủ đầu tư. “Trong những năm tới, với tốc độ tăng trưởng du lịch tại Việt Nam đang là 30%/năm, cùng với sự chi tiêu vượt trội của tiêu dùng, tôi tự tin về sự tăng vượt bậc của thị trường trong thời gian tới”.

Cùng quan điểm, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cơ hội để thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tăng trưởng là rất tiềm năng. Tuy nhiên, thị trường đang tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn. “Cùng với việc đẩy mạnh du lịch, bên cạnh các doanh nghiệp lớn làm ăn nghiêm chỉnh, vẫn có làn sóng nhỏ ăn theo là các dự án đầu tư nhỏ lẻ hoặc đất nền do người dân phân ra bán. Tôi khuyến cáo các khách hàng nên mua sản phẩm của dự án quy mô tại các doanh nghiệp có tên tuổi và những nơi có khả năng phát triển du lịch…”, ông nói.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội phải đi cùng yếu tố bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO